Đây chính là 'mỏ vàng' dưới biển đứng thứ 2 thế giới của VN: Thu hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm, từ Âu sang Á đều mạnh tay chốt đơn

Như Quỳnh |

Mặt hàng này đã chính thức vượt 1 tỷ USD kể từ đầu năm đến nay.

Đây chính là 'mỏ vàng' dưới biển đứng thứ 2 thế giới của VN: Thu hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm, từ Âu sang Á đều mạnh tay chốt đơn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 5/2024 đã thu về 325,8 triệu USD, tăng 13,5% so với tháng trước đó. Lũy kế 5 tháng đầu năm tôm Việt đã thu về hơn 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính hết 15/5, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường châu Âu (EU) đạt 134 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Mặc dù con số lũy kế từ đầu năm chỉ tăng nhẹ nhưng xuất khẩu tôm sang thị trường này đã có xu hướng tăng tốt trong các tháng gần đây. Cũng tính đến cùng thời điểm, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 161 triệu USD, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Thị trường Nhật Bản cũng có xu hướng tương tự thị trường EU khi giá trị xuất khẩu lũy kế từ đầu năm giảm nhẹ những đã có dấu hiệu tăng từ tháng 4.

Đây chính là 'mỏ vàng' dưới biển đứng thứ 2 thế giới của VN: Thu hơn 1 tỷ USD kể từ đầu năm, từ Âu sang Á đều mạnh tay chốt đơn- Ảnh 2.

Các đơn hàng từ EU và Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trong quý 2 năm nay, đặc biệt là thị trường EU đối với các sản phẩm tôm có chứng nhận. Nhu cầu từ Nhật Bản cũng khá tích cực tuy nhiên đơn đặt hàng chậm hơn do đồng yên mất giá và tuần lễ (Golden Week).

Trong khi đó, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc & HK đạt 223 triệu USD, tăng 31%. Mặc dù con số lũy kế sang thị trường Trung Quốc& HK tăng nhưng xuất khẩu sang thị trường này đã có dấu hiệu giảm trong những tháng gần đây. Dự kiến xuất khẩu tôm sang thị trường này trong quý 2 sẽ khó có thể tăng trưởng mạnh. Nguyên nhân là do nhu cầu tôm đông lạnh của Trung Quốc chậm lại.

Trên thị trường này, Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh với Ecuador. Bắt đầu từ 1/5/2024, Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho tôm Ecuador theo Hiệp định Thương mại Tự do song phương. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp tôm cho Trung Quốc còn phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh từ sản lượng tôm nội địa tăng gây áp lực lên giá tôm nhập khẩu. Điều này khiến hầu hết các nhà máy chế biến lớn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc & HK đã phải điều chỉnh giá nguyên liệu giảm 1-3%.

Tính tới tháng 4 năm nay, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ tôm chân trắng khả quan của Việt Nam. Trong tháng 3/2024, Mỹ là thị trường duy nhất chứng kiến giá xuất khẩu trung bình tôm chân trắng đông lạnh tăng và vào tháng 4, giá lại tăng nhẹ 1% lên 9,80 USD/kg. Khối lượng nhập khẩu tôm chân trắng của Mỹ từ Việt Nam trong tháng 4 năm nay vẫn ổn định ở mức 4.168 tấn, mức cao hơn các thị trường khác.

Theo thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giai đoạn 2010-2023, Việt Nam có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 644.000-737.000ha, xuất khẩu tôm đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc Hàn Quốc...Kết quả này đã đưa Việt Nam trở thành nhà cung cấp tôm lớn thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.

Trong thời gian tới, tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường. Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ vào cả khâu sản xuất và khâu nuôi để nâng hiệu suất và giảm giá thành sản phẩm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại