Từ lâu, việc lồng quảng cáo vào phim truyền hình đã trở nên quen thuộc tại đất nước củ sâm. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi mỗi bộ phim đều cần có những nguồn tài trợ cho chi phí sản xuất, cát sê của diễn viên,... và mỗi nhãn hàng thì đều mong góp mặt trong những bộ phim đình đám để sản phẩm thêm nổi tiếng.
Mối quan hệ này sẽ vẫn được chấp nhận nếu như nó không bị lạm dụng và ngày càng trở nên phản cảm.
Những chi tiết vô duyên, thừa thãi
Các nhãn hiệu điện thoại, ứng dụng thông minh, thời trang và đồ uống là "nhân vật phụ" xuất hiện thường xuyên trong phim Hàn.
Các nhân vật trong phim, dù nghèo đến đâu cũng nhất định phải sở hữu một chiếc điện thoại Samsung đời mới, hoặc một chiếc iPhone mà có lẽ trong đời thật, người bình thường cũng phải tiết kiệm khá lâu mới mua được.
Điện thoại có lẽ là nhân vật xuất hiện với tần số dày đặc nhất chỉ sau các diễn viên chính trong phim truyền hình
Sở hữu điện thoại xịn, thì hẳn nhiên là phải biết cách dùng ứng dụng thông minh. Người xem truyền hình có lẽ cũng không lạ gì với cảnh các nhân vật nhắn tin cho nhau bằng ứng dụng chat miễn phí LINE hoặc Kakaotalk.
Ứng dụng LINE trở nên quen thuộc với người xem nhờ thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim truyền hình
Ứng dụng tìm nhà Jikbang trong phim Thiên tài lang băm cũng từng trở thành trò cười cho cư dân mạng khi được xuất hiện đến gần 1 phút. Chỉ đơn giản là cảnh tìm đường đến nhà nhân vật, nhưng từ cách cài ứng dụng, cách sử dụng các chức năng được diễn viên chính giới thiệu tỉ mỉ, khiến người xem mỉa mai phân đoạn này là "đoạn quảng cáo huyền thoại trong lịch sử".
Các nhân vật chính của Thiên tài lang băm giới thiệu chi tiết ứng dụng tìm đường Jikbang
Một điểm đặc biệt nữa của phim Hàn là nhiều nhân vật nữ chính dù được miêu tả "nghèo rớt mùng tơi" nhưng lại sở hữu tủ quần áo tiền tỷ đáng mơ ước. Hơn nữa, tên các hãng quần áo vẫn đôi khi xuất hiện một cách "tình cờ" trong các hoạt động hàng ngày của nhân vật như lúc giặt đồ, chọn đồ, mua sắm,...
"Con nhà nghèo" nhưng vẫn mặc hàng hiệu trong phim The Heirs...
...và trong Secret Garden cũng vậy
Một trong những bộ phim "hot" nhất năm 2016 – Hậu duệ Mặt trời cũng từng phải gánh chịu chỉ trích vì đưa quá nhiều chi tiết quảng cáo vào phim, nhất là ở những tập có diễn biến nhanh, hồi hộp.
Trong tập 13 của phim, cảnh các nhân vật chính uống rượu tại một cửa hàng thịt nướng được coi là phân đoạn quảng cáo chính, khi hàng loạt các sản phẩm từ rượu cho đến đồ nhắm đều được đưa cẩn thận cả logo và nhãn hiệu lên truyền hình.
Các nhãn hiệu xuất hiện 1 cách thừa thãi trong Hậu duệ Mặt trời
Cũng trong tập này, cặp đôi thứ chính có màn khóa môi khi đang lái ô tô. Khoảnh khắc này có lẽ sẽ lãng mạn hơn nhiều nếu không có những câu nói giới thiệu chức năng tối tân của chiếc xe, rồi cận cảnh nhân vật nam nhấn nút lái xe tự động trước khi hôn bạn gái.
Trước khi hôn phải... giới thiệu xe cái đã
Sự xuất hiện quá dồn dập của các sản phẩm quảng cáo ở những đoạn quan trọng trong phim đã phần nào khiến cảm xúc của người xem bớt trọn vẹn, thậm chí dễ khiến khán giả khó chịu, mất tập trung vào các chi tiết chính của phim.
Quảng cáo sao cho khéo
Để những chi tiết quảng cáo không trở nên quá phô và lộ liễu, điều quan trọng nhất có lẽ phải nằm từ khâu lên kịch bản.
Kịch bản có sự thống nhất liền mạch để những sản phẩm quảng cáo trở thành một phần của bộ phim sẽ khiến khán giả dễ chấp nhận hơn so với những chi tiết chắp vá, đưa vào vô tội vạ.
Điển hình của cách làm này phải kể đến một phân cảnh trong The Heirs với chi tiết quảng cáo giày đôi được lồng vào mạch phim một cách dễ thương, gây ấn tượng tốt với khản giả.
Cặp giày đôi của 2 nhân vật chính The Heirs chỉ sau 1 đêm đã trở thành món đồ bán chạy nhất tại các cửa hàng
Good Doctor cũng là bộ phim được đánh giá cao khi chi tiết quảng cáo trở thành một điểm nhấn quan trọng. Chiếc tivi 3D trong phim không đơn thuần xuất hiện một vài giây quảng cáo mà đã được đưa vào cốt truyện, trở thành nguồn động lực thúc đẩy nhân vật chính muốn trở thành một bác sĩ giỏi, kiếm đủ tiền mua chiếc tivi hiện đại này cho những đứa trẻ kém may mắn.
Chiếc tv 3D trở thành chi tiết quan trọng của phim Good Doctor
Quảng cáo trong phim không phải là xấu. Nhưng, quan trọng là quảng cáo như thế nào?
Những quảng cáo được lồng vào phim một cách khéo léo hiển nhiên sẽ mang lại tác động tích cực cho nhãn hàng. Trong khi đó, nếu để người xem khó chịu khi mạch phim bị cắt bởi quảng cáo, thì việc "phản tác dụng" sẽ là điều khó tránh.