Davos "nóng" hầm hập

Hoàng Phương |

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm nay tương phản với chính sách "nước Mỹ trên hết" của nhà lãnh đạo Mỹ.

Trong động thái gây nhiều ngạc nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mang theo phái đoàn hùng hậu đến dự hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), diễn ra tại thị trấn Davos - Thụy Sĩ từ ngày 23 đến 26-1. Ông Trump là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tham gia sự kiện này kể từ năm 2000 bất chấp WEF Davos đồng nghĩa với loại chủ nghĩa tư bản toàn cầu từng bị ông chỉ trích khi còn tranh cử.

Tín hiệu lạc quan

Chủ đề của diễn đàn năm nay là "tạo dựng một tương lai chung trong một thế giới rạn nứt", tương phản với chính sách "nước Mỹ trên hết" - chú trọng đến chủ nghĩa bảo hộ và biệt lập về an ninh - của chính ông Trump. Không gì lạ khi Chủ tịch WEF, ông Borge Brende, thúc giục nhà lãnh đạo Mỹ bắt tay với những nước khác vì "bạn chỉ thành công nếu những người khác cũng thế".

Theo ông Brende, ngay cả khi mỗi chính phủ có trách nhiệm xem quốc gia mình là ưu tiên hàng đầu thì đây không phải là "trò chơi chỉ có kẻ thắng người thua". Ông viện dẫn một ví dụ về sự cộng tác thành công là kinh tế tăng trưởng ở châu Âu đã dẫn đến nhu cầu tăng của sản phẩm Mỹ và Trung Quốc.

Nói gì thì nói, sự hiện diện của ông Trump tại WEF có thể là tín hiệu lạc quan. Theo tờ The Irish Times, thông báo tham dự diễn đàn được đưa ra vào thời điểm ông Trump công khai "đường ai nấy đi" với cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon - được xem là kiến trúc sư của chính sách "nước Mỹ trên hết" và là người tin rằng hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay gây hại đến lợi ích kinh tế Mỹ và cần phải dỡ bỏ. Không còn chịu tác động bởi nhân vật này, ông chủ Nhà Trắng giờ đây có thể sẵn sàng rời xa thứ chủ nghĩa dân tộc kinh tế nói trên.

Người ta sẽ biết rõ hơn về sự thay đổi này, nếu có, khi ông Trump dự kiến đọc bài phát biểu trong ngày cuối cùng của hội nghị. Ông Brende cho biết sẽ chờ xem liệu nhà lãnh đạo Mỹ có đề cập những vấn đề như thương mại, toàn cầu hóa công bằng hơn, chính sách của Washington sau khi quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu... trong bài diễn văn của mình hay không.

Bất bình đẳng thu nhập gia tăng

Ông Trump thuộc số khoảng 70 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ tham dự WEF Davos năm nay, bên cạnh lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, các học giả, người nổi tiếng và giới truyền thông. Đáng chú ý, 6 nhà lãnh đạo các nước thành viên nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng có mặt tại sự kiện.

Bài phát biểu dự kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel trong ngày 24-1 chắc chắn bị "soi" nhiều không kém bởi họ và ông Trump đang có quan điểm chỏi nhau về thế giới. Theo Reuters, 2 nhà lãnh đạo Pháp, Đức này sẽ có dịp tái khẳng định cam kết cải tổ Liên minh châu Âu sau khi Anh quyết định rời khỏi cũng như quyết tâm bảo vệ những giá trị dân chủ tự do.

Ngoài nội dung các bài phát biểu trên, diễn đàn còn dành nhiều chú ý cho những vấn đề như môi trường, sự tăng trưởng kinh tế bao trùm hơn và nỗ lực bảo đảm nguy cơ bong bóng tài sản không xuất hiện - theo ông Brende, người đánh giá thế giới đang thiếu sự hợp tác lúc này. Đài CNBC nhận định rằng rất khó để thuyết phục các nhà lãnh đạo dự WEF Davos có được tiếng nói chung về những vấn đề cấp thiết nhất của thế giới, như biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp bền vững, bất bình đẳng toàn cầu, tình trạng nghèo đói... Ngay cả các nhà tổ chức sự kiện này cũng cho rằng dù diễn đàn đã tạo ra không gian cho sự cộng tác, các đại biểu tham dự không chỉ phát biểu mà còn cần biết "lắng nghe".

Bản thân các nhà quản lý WEF có lẽ cũng chịu lắng nghe và thay đổi sau khi bị chỉ trích về sự trống vắng của đại diện phụ nữ tại các sự kiện của họ. Bằng chứng là danh sách 7 đồng chủ tọa của hội nghị thường niên năm nay đều là phụ nữ, trong đó có những cái tên nổi bật như Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, Giám đốc điều hành hãng công nghệ IBM Ginni Rometty...

Dù vậy, báo cáo hôm 22-1 của tổ chức từ thiện Oxfam (Anh) cũng phần nào nêu bật những thách thức WEF đối mặt trong việc tìm lời giải cho bài toán bất bình đẳng thu nhập. Theo báo cáo, 1% người giàu nhất "nắm giữ 82% tài sản tạo ra" vào năm ngoái, qua đó cho thấy khoảng cách giữa giới siêu giàu và phần còn lại của thế giới ngày càng được nới rộng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại