Trầm cảm, chỉ muốn cầm điện thoại lướt facebook
Tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tìm gặp Bùi Thị T. - một nữ bệnh nhân bị trầm cảm nặng (sinh năm 1985, ở Tuyên Quang), chúng tôi được biết: Chị T. đã có sự tiến triển tích cực. Chị bắt đầu trở lại nếp sinh hoạt bình thường, cởi mở hơn cùng cha mẹ, người nhà và những người khác.
Chia sẻ với PV VTC News, bố chị T. cho biết: "T. bị trầm cảm từ lâu rồi, gia đình đưa T. lặn lội chữa bệnh cũng được 5 năm. Mỗi năm, T. đều phải nhập viện điều trị, năm ít thì 2 - 3 tháng, năm nhiều thì ở bệnh viện đến hơn nửa năm".
Câu chuyện của T. tưởng chừng hiếm gặp, nhưng sự thực hiện nay ở nước ta có rất nhiều người mắc phải. Theo lời bố T., cô bị trầm cảm nặng sau khi sinh đứa con thứ hai và nhập viện điều trị từ lúc đó.
"Sinh đứa thứ nhất thì cháu cũng bình thường, nhưng mà sau khi sinh đứa thứ hai thì bỗng dưng T. không muốn tiếp xúc, không muốn nói chuyện với ai. Con gái tôi mặc kệ bỏ bê các việc như tắm giặt, cơm nước, không quan tâm việc nhà, không ăn, không uống.
Lần đầu tiên đi khám, bác sĩ có kết luận rằng cháu nó bị trầm cảm sau sinh và cũng bảo là con bé có thể khỏi bệnh. Nhưng con bé lúc nào cũng nghĩ ngợi, băn khoăn. T lo lắng nghỉ làm, nội lực kinh tế không đủ, không có khả năng nuôi con.
Càng nghĩ nhiều, bệnh của T càng nặng thêm, kể từ đó dây dưa kéo dài tới 5 năm chưa dứt", bố T. tâm sự.
Chính T. cũng trải lòng rằng, chị thường lo lắng bất an, ám ảnh với suy nghĩ: Mình chỉ ở nhà, không đi làm thì sẽ không có tiền để nuôi con. Cứ thế, chị buồn rầu, không ăn, không ngủ được, không tha thiết làm gì, gầy gò, xanh xao.
"Cứ nghĩ đến việc không nuôi được con nhỏ, em chán lắm. Mỗi lần chán nản, nghĩ ngợi em lại cầm điện thoại lên lướt facebook, xem tin tức, rồi thì chia sẻ ảnh của con.
Dần dà, cứ khi nào rảnh tay rồi kể cả đang chăm con là em cũng cầm điện thoại. Em không còn nghĩ ngợi được nhiều hay biết được thời gian mình dùng facebook nhiều hay ít nữa.
Năm 2015, vào bệnh viện chữa bệnh, em không được dùng điện thoại nữa, các bác sĩ bảo cứ dùng facebook sẽ làm cho bệnh của em nặng hơn", T. chia sẻ.
Chẳng cần ai hết, chỉ muốn lấy facebook làm vui
Ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trường hợp của T. không phải là duy nhất. Cùng điều trị với T. còn bệnh nhân Nguyễn Thu H. (sinh năm 2001, quê gốc Yên Bái) mới nhập viện chưa lâu.
H. nghiện facebook nặng. Cứ hở ra vài phút, em lại nằng nặc đòi mẹ trả lại chiếc điện thoại cho mình, sau đó lại khóc đòi về nhà chứ nhất quyết không ở lại bệnh viện.
Khi không có điện thoại, em trở nên cáu gắt, nổi khùng với tất cả mọi người xung quanh.
Chúng tôi bắt gặp mẹ của H. quay trở về sau khi đi mua vài cuốn truyện tranh mua để dỗ con gái nguôi giận.
Hỏi chuyện của H., cô chia sẻ: "Tôi thấy nó cứ nằm lỳ ở trong phòng, không dậy, không giúp mẹ được việc gì, học cũng không tốt, không chịu học. Suốt ngày, H. chỉ ôm lấy cái điện thoại nên đưa nó đi viện. Ban đầu cứ nghĩ là con bị bình thường thôi, nhưng không biết tình trạng cháu nó lại nặng như vậy.
Gia đình phải lừa mãi nó mới chịu đi, mà đến đây rồi, mãi nó mới chịu nghe lời bác sĩ", mẹ của H. thở dài.
Theo chia sẻ của mẹ H., ở trường, H. kiệm lời, không chơi với các bạn bè trong lớp, không có sở thích gì khác ngoài việc lướt facebook, ôm cái điện thoại cả ngày.
H. không đam mê bất cứ cái gì, trong lớp cũng không kết bạn với ai, nên không có bạn cùng chơi, chỉ lấy facebook làm vui.
"Tôi bảo nó đi chơi với trẻ con thì nó lại bảo nó không thích trẻ con. Nó chỉ nằm lỳ trong phòng với cái điện thoại.
Tôi cố dò hỏi, nhưng nó không đáp lời. Ngoài giờ học là chăm chăm vào cái điện thoại".
Ngừng một lúc, mẹ của H. lại thở dài: "Tôi cũng xót ruột lắm, nhưng phải quyết tâm vì các trường hợp xung quanh đang điều trị ở đây có tiến triển tốt. Tôi mong nhờ các bác sĩ tận tình giúp đỡ, thì con tôi cũng được viện tôi khỏe mạnh như nhiều bạn bệnh cùng phòng".
Sự thực không chỉ T. hay H. mà có nhiều người trẻ phải nhập viện điều trị thời gian dài vì những chứng bệnh tâm thần khác nhau, trong đó có nhiều người nghiện mạng xã hội, nghiện facebook...
Nghiện facebook chủ yếu là người trẻ
Theo các bác sĩ tại Khoa Cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, các bệnh nhân nhập viện điều trị trong thời gian này do có liên quan đến mạng xã hội đều có tuổi đời còn trẻ. Hầu hết bệnh nhân đều chỉ từ mười mấy tuổi cho đến gần ba mươi tuổi.
Và không chỉ những bạn trẻ, mà ngay cả những người lớn tuổi hơn cũng bị cuốn vào vòng xoáy ảo của mạng xã hội, facebook, internet.
Họ đều có thời gian sử dụng điện thoại, có điều kiện tiếp cận smartphone và facebook, biết sử dụng mạng xã hội một cách thành thạo.
Vì biểu hiện bệnh và nguyên nhân nhập viện điều trị sức khỏe tâm thần vì nhiều lý do khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là đều sử dụng facebook quá mức.
Bệnh nhân sinh hoạt tại phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Tâm thần TW I (Ảnh: Lệ Chi)
Hiện vẫn chưa có một nghiên cứu kết luận việc sử dụng facebook thường xuyên liên tục sẽ khiến người dùng bị nghiện hay mắc bệnh trầm cảm; nhưng, theo nhận định của bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, trường hợp của T. và H., và một vài bệnh nhân khác nhập viện thời gian gần đây có dấu hiệu của một chứng bệnh kép: Nghiện facebook dẫn tới loạn thần và trầm cảm.
Hai bệnh này rất khó chữa trị, cần một thời gian rất dài, bệnh nhân mới hồi phục lại tình trạng sức khỏe tâm thần ban đầu.