"Tôi không thể bỏ phiếu cho ông ấy được. Tôi phải bảo vệ công việc làm ăn của mình", ông Gribbs nói với hãng tin CNBC.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, lão nông này đã bỏ phiếu cho ông Trump, tương tự như lựa chọn của hơn 75% cử tri nông thôn ở vành đai nông nghiệp của nước Mỹ.
"Tôi đã bỏ phiếu cho ông Trump, cho vị Tổng thống này", Gribbs nói.
Nhưng giờ đây, ông đang phản đối chính sách thương mại của ông Trump và những ảnh hưởng tiêu cực của chính sách này đối với nền nông nghiệp Mỹ.
"Thực sự là những chính sách này làm tôi phát bực… Ông ấy lạc lối trong vấn đề thương mại mất rồi", ông Gribbs nói về ông Trump.
Nông dân Mỹ là một trong những nạn nhân lớn nhất của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Đầu tuần này, Trung Quốc chính thức tuyên bố dừng mua nông sản Mỹ, đồng nghĩa với các nông trại Mỹ mất đi vị khách hàng lớn thứ năm. Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc nhập khẩu 9,2 tỷ USD nông sản của nước này trong năm 2018.
Ông Gribbs cho biết giá đậu tương mà trang trại của ông bán được đã giảm 20% do thương chiến Mỹ-Trung. Năm ngoái, ông bán đậu tương với giá 10,5 USD/giạ. Năm nay, giá chỉ còn 9 USD/giạ, bằng đúng chi phí sản xuất.
"Chúng tôi đã mất thị trường xuất khẩu đậu tương lớn nhất là Trung Quốc. Điều này đặt ra sức ép giảm giá", ông nói. "Những rắc rối địa chính trị do thuế quan của ông Trump đã và đang gây sức ép lên niềm tin của thị trường và thị trường không thể dịch chuyển".
Nhưng cũng phải nói rằng, mặc những thiệt hại tài chính mà thương chiến gây ra, nhiều nông dân Mỹ có vẻ vẫn giữ vững sự ủng hộ dành cho ông Trump. Một cuộc khảo sát gần đây của The Purdue Center for Commercial Agriculture cho thấy 78% nông dân Mỹ trong tháng 7 tin rằng chiến tranh thương mại rốt cục sẽ mang lại lợi ích cho ngành nông nghiệp Mỹ.
Khi được hỏi về kết quả cuộc khảo sát này, ông Gribbs nói: "Không, chắc chắn là tôi không đồng tình với kết quả đó".
Tuần trước, ông Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế quan 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc đáp trả bằng cách dừng mua nông sản Mỹ. Thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì vậy đã được đẩy lên một ngưỡng cao mới.
"Chúng tôi muốn chấm dứt tình trạng bất ổn này. Sự bất ổn khiến thị trường đi xuống", ông Gribbs phát biểu.