Chị Nguyễn Thanh Lan – quê thành phố Bắc Giang hiện đang sống cùng chồng tại Hà Nội. Do là con út trong nhà nên từ bé chị Lan chưa bao giờ phải chạm tay làm gì cho tới khi bước chân đi lấy chồng.
Chồng chị Lan quê ở Thái Bình, nhà chồng là trưởng họ và chồng chị sẽ nhận vai trò này trong tương lai. Nói đến vai trò dâu trưởng, chị Lan thở dài tâm sự “gánh nặng” này có lúc khiến chị ngộp thở.
Ngày xưa, mẹ chồng chị khỏe thì bà tự lo liệu mọi việc, chị chỉ phải phụ giúp. Nhưng 5 năm nay bà bị tai biến đi lại khó khăn nên chị phải lo hết. Em dâu ở tận miền Nam, em gái chồng cũng lấy chồng xa cách nhà 40 km nên mọi chuyện lo Tết đều đến tay chị Lan.
Trong năm, ngày lễ Tết, giỗ họ, giỗ chi và đủ các ngày giỗ vợ chồng chị đều phải về lo liệu. Năm nay, giá thịt lợn đắt đỏ, vừa rồi, cầm 3 triệu đồng được người trong họ đóng góp, chị Lan phải lo 6 mâm cỗ cho ngày chạp họ 25 tháng Chạp mà chị khóc không ra tiếng.
Chị Lan phải lên kế hoạch chi tiêu và có thực đơn từ đầu tháng Chạp. Nhà ở quê, chị phải lo cơm cúng cho từ đường, cho gia tiên và chi nhiều khoản khác. Năm nào chị cũng dành những ngày phép cho nghỉ Tết trước hoặc sau 2, 3 ngày để có thời gian lo công việc nhà.
Ảnh minh họa.
Năm nay, chị Lan tâm sự chồng chị được thưởng tết 14 triệu, chị được 12 triệu đồng. Tuy nhiên, vợ chồng chị đã gửi biếu bố mẹ hai bên mỗi gia đình 5 triệu, còn lại là mang về quê lo Tết. Với số tiền này chị phải tính toán rất kỹ, thực phẩm mua gì, cỗ bàn sắp món gì để làm sao cân đo, đong đếm cho đủ không bị thâm hụt quỹ nhưng cũng không bị các chú, các bác trong họ chê cười.
Mọi năm, ngày 27 tháng Chạp là chị Lan đã sấp ngửa ra chợ huyện mua sắm đồ Tết từ bánh kẹo, lá dong để gói bánh chưng chung với hàng xóm. Chị cũng tự tay chuẩn bị quà Tết cho các gia đình rồi nào quất, nào đào... Riêng hoa Tết về cắm để bàn và thắp hương cũng tốn cả triệu đồng.
Từ ngày 30 Tết, chị Lan tất tưởi làm cỗ cúng tất niên, hai mâm cúng gia tiên tại nhà, 1 mâm cúng tại từ đường. Trải dài từ hôm 30 Tết tới hết ngày mùng 3, chỉ nghĩ khâu bát đĩa chuẩn bị đưa lên nhà rồi đưa lên từ đường, chạy đi chạy lại sắp xếp chị cũng thấy thở không ra hơi.
Vòng xoay cúng lễ xong lại ăn uống và dọn dẹp khiến chị tất bật từ 5h sáng tới 10h đêm. Có lúc ngẩng mặt lên cũng là lúc tắt đèn đi ngủ.
Chồng chị Lan là con trưởng nhưng từ bé được bố mẹ nuông chiều chỉ lo ăn học nên anh không giúp chị làm việc gì. Có lúc, chị ngồi mổ 4,5 con gà còn chồng chỉ ngồi đánh điện tử hoặc làm vài việc vặt, chị tủi thân lắm nhưng cũng đành chịu.
Những việc thời chưa chồng ở nhà mẹ đẻ chị không phải làm thì 8 năm nay chị làm thành thục và đã thành quỹ đạo, chị tặc lưỡi “lấy chồng theo chồng”.
Ngoài gánh nặng chi tiêu, chị Lan còn lo chăm sóc con nhỏ ngày Tết. Thời tiết mùa này thất thường chẳng ai đoán được nên chị luôn dành sẵn hai vali to để chất đồ dùng cho con phòng khi cần đến.