Ảnh minh họa
Trong diễn biến mới nhất sau động thái cắt giảm gây sốc của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đã tăng giá bán chính thức cho tất cả lô dầu bán cho khách hàng châu Á trong tháng 5.
Công ty thuộc nhà nước - Saudi Aramco đã tăng giá bán dầu thô Arab Light sang châu Á thêm 30 cent/thùng, đẩy giá tăng tháng thứ ba liên tiếp. Các thương nhân được khảo sát trước quyết định gây sốc của OPEC+ đã dự đoán giá Arab Light sẽ giảm 43 cent một thùng.
Mức thay đổi giá dầu cho châu Á của Saudi Arabia
Trong phiên giao dịch ngày 3/4, giá dầu đã tăng đến 8,4%, mức tăng cao nhất trong hơn một năm qua sau quyết định bất ngờ của OPEC+ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày bắt đầu từ tháng tới. Saudi Arabia đã đồng ý cắt giảm sản lượng 500.000 thùng mỗi ngày.
Các thương nhân và nhà máy lọc dầu đã háo hức chờ đợi việc công bố giá chính thức của Saudi kể từ đầu tuần này. Một số người mua cũng lo ngại về khả năng cắt giảm nguồn cung từ Aramco khiến họ bắt đầu nói chuyện với các nhà cung cấp khác ngoài OPEC + để tìm kiếm dần nguồn cung thay thế.
Saudi Aramco có thể tác động và kiểm soát tổng lượng dầu mà họ xuất khẩu trong một tháng nhất định thông qua việc đặt giá chính thức so với các nhà cung cấp cạnh tranh khác hoặc thông qua quy trình phân bổ. Trong quá trình này, họ quyết định số lượng mỗi loại sẽ cung cấp cho từng khách hàng.
Aramco bán khoảng 60% lượng dầu thô xuất khẩu sang châu Á, hầu hết theo hợp đồng dài hạn với giá cả được xem xét hàng tháng. Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ là những người mua lớn nhất. Các quyết định về giá của công ty thường được các nhà sản xuất vùng Vịnh khác như Iraq và Kuwait tuân theo.
Dầu Nga bật tăng vượt giá trần
Theo Reuters, sau khi OPEC + thông báo cắt giảm sản lượng, trong phiên giao dịch ngày 5/4, giá của Urals - dầu thô hàng đầu của Nga, đã vượt quá mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đặt ra vào tháng 12. Trước đó, dựa trên giới hạn giá G7, Urals chỉ có thể được giao dịch bằng USD nếu được bán dưới 60 USD/thùng.
Dầu Nga bắt đầu có xu hướng tăng trở lại. Nguồn Tradingecônmics.com
Trước đó, Nhật Bản đã âm thầm bỏ qua lệnh trừng phạt Nga khi mua dầu thô từ Moskva trên mức giá áp trần 60 USD/thùng, theo WSJ. Việc Nhật Bản tiếp tục mua dầu Nga, thậm chí phá vỡ mức giá áp trần là do quốc gia Đông Á này hầu như không sở hữu mỏ khí đốt hay dầu thô nào. Trong khi đó nhu cầu sử dụng năng lượng của Nhật Bản là rất lớn.
Cũng trong cùng ngày 5/4, Điện Kremlin công bố doanh thu ngân sách liên bang từ dầu mỏ và khí đốt trong tháng 3 đã giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, trích dẫn Bộ Tài chính Nga.
Nga ghi nhận doanh thu ngân sách từ bán dầu khí ở mức gần 8,7 tỷ USD trong tháng 3, tăng nhẹ so với tháng 2, nhưng giảm đáng kể so với tháng 3 năm ngoái.
Vào giữa tháng 3, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trích dẫn Bộ Tài chính Nga cho biết doanh số bán dầu thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời lưu ý rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang có hiệu lực hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên với những tín hiệu dầu Nga đang tăng trở lại và nhu cầu từ các quốc gia châu Á sẽ tăng cao, đây có thể là những tín hiệu khởi sắc cho doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của Nga trong năm 2023.
Theo Bloomberg, FT, Oilprice