1. Người Đức vượt qua Italia ở trận tứ kết trên chấm 11m, bằng loạt luân lưu phải đá đến lượt thứ 9. Người Đức chiến thắng bằng loạt luân lưu, đấy chẳng phải là chuyện lạ, thậm chí nó được coi là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên cái cách họ vượt qua Italia trên chấm 11m thật đáng lo ngại.
Điều người ta thấy rõ nhất là sự run rẩy của người Đức khi phải đối đầu với loạt luân lưu cân não. Lần lượt Thomas Muller, Mesut Ozil không thắng được Buffon và cột dọc. Thậm chí đội trưởng Bastian Schweinsteiger còn tệ hơn khi "bắn chim" ở loạt sút quyết định thứ 5.
Bastian Schweinsteiger "bắn chim" trong quả sút luân lưu quyết định ở lượt thứ 5.
Tiếc cho người Italia, khi họ không tận dụng được sự run rẩy của người Đức trên chấm 11m để giật chiếc vé vào bán kết. Italia thua vì họ còn tệ hơn, chứ không phải đối thủ của họ - Die Mannschaft thể hiện được bản lĩnh thường thấy của mình.
2. Cựu HLV Liverpool Gerrard Houllier từng nói rằng trận bán kết World Cup giữa Pháp và Đức, cách trận bán kết sắp đá, cũng giữa họ chẵn chòi 34 năm (diễn ra đúng ngày 8/7/1982) là trận đấu đánh thức tình yêu bóng đá Pháp của người hâm mộ.
"Mọi người bắt đầu yêu bóng đá Pháp từ đó. Ai cũng nghĩ tuyển Pháp là nạn nhân. Chúng tôi đoàn kết lại với nhau và 2 năm sau trở thành nhà vô địch châu Âu", ông Gerrard Houllier tâm sự. Điều gì đã diễn ra trong trận đấu ấy?
Hòa 1-1 ở 90 phút chính thức, hai đội phải bước vào hiệp phụ. Pháp ghi 2 bàn, đưa tổng tỷ số trận đấu lên 3-1, nhưng tuyển Đức vẫn kiên cường gỡ lại 2 bàn, trước khi giành phần thắng ở loạt sút penalty thứ 6. Đấy là bản lĩnh Đức, nhưng chưa phải là câu chuyện đáng chú ý nhất.
Pha vào bóng tàn bạo của thủ thành Đức Schumacher với Battiston 34 năm trước.
Điều mà ông Gerrard Houllier nói đến là tình huống diễn ra ở khoảng phút thứ 10 của hiệp thi đấu thứ hai. Danh thủ Pháp Battiston có tình huống một đối một với thủ thành Harald Schumacher, anh tung pha tâng bóng kết thúc, và ăn nguyên "đòn sát thủ" của thủ môn này.
Cú "kungfu" của Schumacher dành cho Battiston mạnh và tàn bạo đến mức khiến cầu thủ này bất tỉnh ngay trên sân, với 3 chiếc xương sườn bị gãy, 3 chiếc răng cũng bay khỏi hàm và tổn thương cột sống. Đấy là một trong những pha phạm lỗi tàn bạo nhất trong lịch sử bóng đá.
Sau World Cup 1982, một tờ báo lớn của Pháp tổ chức thăm dò ý kiến, và kết quả cho thấy Schumacher là người Đức bị căm ghét nhất ở Pháp, trên cả Hitler.
Sự bản lĩnh, thậm chí lạnh lùng đến mức tàn bạo của người Đức là thế. Họ từng luôn khiến đối thủ phải "lạnh sống lưng" mỗi khi đối mặt. Khi trọng tài chưa nổi còi kết thúc trận đấu, đừng hòng ăn mừng trước người Đức.
3. Tarzan - "Cậu bé rừng xanh" có lẽ là nhân vật nằm lòng của rất nhiều người. Sự hoang dã, bản năng và kỹ năng chiến đấu đầy chất "rừng xanh" là điều khiến nhiều thế hệ người đọc, người xem mê mẩn.
Bộ phim mới về đề tài quen thuộc "Huyền thoại Tazan" ra mắt người xem Việt Nam Việt Nam từ hồi thứ Năm tuần trước là một câu chuyện mới, về một Tazan quý tộc, thời thượng, lịch sự, tưởng chừng đã bỏ lại quá khứ hoang dã lại phía sau, cho đến ngày tiếng gọi của rừng già tìm đến anh...
Như Tarzan, sự lì lợm, bản lĩnh của đội tuyển Đức đến từ điều kiện xã hội. Người Đức sinh ra, vốn đã được sống trong sự tự hào về sự chính xác, kỷ luật, cũng như niềm tự hào về dòng máu cao quý, ưu việt chảy trong người.
Tưởng chừng như bản sắc đấy là bất biến, cho đến ngày nước Đức muốn thay đổi hình ảnh của mình trong mắt thế giới, và bắt đầu từ bóng đá. Người "lĩnh ấn tiên phong" là Jurgen Klinsmann, nhưng người hoàn thiện nó lại chính là HLV đương nhiệm của họ - Joachim Loew.
Joachim Loew đã kiến tạo nên thứ bóng đá đẹp cho đội tuyển Đức, nhưng lại đánh mất đi bản lĩnh ngày nào.
Dưới thời Joachim Loew, đội tuyển Đức đá đẹp hơn, cống hiến hơn, họ khiến người ta so sánh mình với tiqui-taka của người Tây Ban Nha, nhưng thậm chí còn chắc chắn và mạnh mẽ hơn.
Gần chục năm mải mê chinh phục cái đẹp, sự cống hiến và mạnh mẽ, hình như người Đức dần để mai một mất đi cái bản lĩnh làm nên tên tuổi họ trong làng bóng đá thế giới. Họ dần quên đi mình đã từng rất lạnh lùng và toát lên đầy vẻ uy lực, áp chế đối thủ mỗi khi bước vào sân.
Người Đức đã từng chế nhạo đội tuyển Anh rằng sút penalty là thứ không thể học được, nó đến từ bản lĩnh của người sút, cái bản lĩnh dám nhìn thẳng vào mắt thủ thành đối phương, và kẻ bối rối, bấn loạn là kẻ đứng trong khung thành, chứ không phải người đặt bóng trên chấm trắng.
Vậy mà năm nay, Joachim Loew thậm chí còn cho học trò "học" từ phần mềm bài học sút penalty. Và suýt chút nữa, lần đầu tiên họ thất bại trước người Italia trên chấm phạt đền, với 3 quả sút hỏng.
Người Đức là "ông vua" của thế giới về sự chính xác. Nhưng sút bóng vào khung thành rộng 7,32 mét, cao 2,44 mét ở cự ly 11 mét, sự chính xác chỉ là yếu tố thứ yếu. Bản lĩnh mới là điều quan trọng nhất để quyết định thành bại.
Tarzan chọn rừng xanh, còn người Đức có chọn con đường quay lại với bản ngã của mình?
Những thước phim cuối cùng của "Huyền thoại Tarzan" là những khung hình lướt qua ngôi lâu đài xa hoa, lộng lẫy, nhưng đầy vẻ lạnh lẽo của "Ngài" John Clayton III, rồi chuyển đến cảnh Tarzan đang chờ giây phút ra đời của đứa con mình, trên cao nguyên bát ngát châu Phi.
Tarzan của "Huyền thoại Tarzan" đã chọn quay về với rừng xanh, với bản năng của chính mình, với cái cách mà anh đã lớn lên và trưởng thành, dù nó là một trời cách biệt với sự đẹp đẽ, xa hoa, quý phái ở bên kia đại dương, nơi anh không thuộc về, và chưa bao giờ thuộc về.
Còn tuyển Đức, liệu họ có ý định trở về với bản ngã của mình, cái bản ngã từng khiến cả thế giới phải nể trọng và sợ hãi?