Mới đây, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) tiếp nhận bệnh nhân V.T.B (sinh năm 1956) trú tại Kiến An, Hải Phòng vào cấp cứu do đau bụng.
Khoảng 1 ngày trước khi vào viện, người bệnh xuất hiện đau tức vùng mạn sườn phải, có khối di động kém, ấn đau. Bệnh nhân cho biết có tiểu buốt, tiểu đêm, có khối thò ra vùng hậu môn phải dùng tay đẩy lên khi đi vệ sinh.
Bệnh nhân B được chẩn đoán mắc 3 bệnh: U lympho không Hodgkin, trĩ độ III, u xơ tiền liệt tuyến. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi cắt đoạn ruột chứa u.
ThS.BS Nguyễn Vũ, Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cho biết bệnh nhân đã được phẫu thuật nội soi. Sau phẫu thuật, người bệnh ổn định, không sốt, trung đại tiện tốt. Một tuần sau ra viện, người bệnh được chỉ định tiếp tục sử dụng hóa chất theo phác đồ.
Về căn bệnh u lympho không Hodgkin, BS.CKII Phan Thị Tuyết Lan, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, cho biết u lympho không Hodgkin là một loại của ung thư hệ bạch huyết. Trong cơ thể, hệ bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại những tác nhân gây bệnh tật và nhiễm trùng.
Bệnh nhân được bác sĩ khám (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Ở bệnh u lympho không Hodgkin, khối u sẽ phát triển từ tế bào lympho (tế bào lympho tồn tại ở hạch bạch huyết, lá lách và những cơ quan khác của hệ miễn dịch). Với đặc điểm này, khối u có thể xuất phát từ bất kỳ vị trí nào trong cơ thể và lan sang các bộ phận khác.
Về triệu chứng của bệnh u lympho không Hodgkin:
– Có đến 60% người bệnh có hạch to và không đau. Hạch thường xuất hiện ở cổ, hố thượng đòn, nách, bẹn, có thể gặp hạch trung thất, hạch ổ bụng.
– Tổn thương ngoài hạch tiên phát chiếm khoảng 40% nghĩa là u xuất hiện đầu tiên, ở ngoài các hạch lympho, như: Dạ dày, amidal, hốc mắt, da…
– Lách thường to độ I/II; tuy nhiên, trong u lympho thể lách hoặc giai đoạn muộn của bệnh, lách có thể to độ III/IV.
– Gan to ít gặp hơn và thường kèm theo hạch to và/ hoặc lách to.
– Khoảng < 25% trường hợp có triệu chứng "B" còn gọi là tam chứng B gồm: Sốt, ra mồ hôi đêm, sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng không giải thích được nguyên nhân.
– Có thể thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.
– Giai đoạn muộn, bệnh thường có biểu hiện chèn ép, xâm lấn của mô lympho. Ví dụ như: Hội chứng trung thất, liệt do chèn ép tủy sống, lồi mắt, tắc ruột nếu u ống tiêu hóa…
Những đối tượng có nguy cơ bị u lympho không Hodgkin cao đó là:
– Có hệ miễn dịch yếu sau khi điều trị bệnh khác bằng phương pháp ghép tạng; hoặc hệ miễn dịch suy giảm do nhiễm một số loại vi khuẩn như Helicobacter pylori, virus HIV, Epstein-Barr.
– Cao tuổi (trên 60 tuổi).
– Nam giới có nguy cơ mắc phải bệnh cao hơn nữ giới.