Dầu Nga ngày càng đắt lại khó mua, loại dầu này đang trở thành lựa chọn ‘ngon, bổ, rẻ’ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới

Đức Nam |

Không thể tranh mua dầu Nga với các "ông lớn" lọc dầu Trung Quốc, Ấn Độ, các nhà máy lọc dầu tư nhân đang tìm đến loại dầu này như là lựa chọn thay thế.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc đang mua ngày càng nhiều dầu thô của Iran khi cạnh tranh nguồn cung dầu Nga trở nên khó khăn.

Dầu Nga đang ngày càng đắt đỏ hơn do nhu cầu lớn từ các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hay nhà máy lọc dầu của Ấn Độ.

Vào tháng 3, nhập khẩu dầu thô của Iran vào Trung Quốc đã tăng 20% so với tháng trước, lên 800.000 thùng/ngày và đang trên đà mở rộng trong những tháng tới – theo Emma Li, nhà phân tích của Vortexa.

Sự thay đổi dòng chảy dầu thô ở Trung Quốc cũng phản ánh tình hình chung của thị trường toàn cầu, khi dầu thô của Nga đang được chuyển sang châu Á do khách hàng phương Tây từ chối dầu thô có xuất xứ từ đây. Trong khi dầu của Iran từ lâu đã bị Mỹ trừng phạt, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc lại coi đây là một “lối thoát” ổn định.

Trước đây, hầu hết dầu thô Iran đều được chuyển đến các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước nhưng giờ đây, các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Sơn Đông lại đang là điểm đến của những thùng dầu này, theo Homayoun Falakshahi, nhà phân tích dầu thô cao cấp tại Kpler cho hay.

Xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc đã tăng lên 1,2 triệu thùng/ngày trong tháng 2, cao thứ 2 kể từ đầu năm 2017. Vì phải mất ít nhất 1 tháng để dầu của Iran có thể đến được Trung Quốc, số liệu này có thể được hiển thị trên danh mục hàng hoá nhập khẩu của Trung Quốc vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4.

Dầu Nga ngày càng đắt lại khó mua, loại dầu này đang trở thành lựa chọn ‘ngon, bổ, rẻ’ tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Xuất khẩu dầu thô của Iran đến Trung Quốc giai đoạn 2017-2023.

Dầu Iran kỳ hạn giao tháng 5 đang được bán với giá thấp hơn khoảng 12 USD/thùng so với chuẩn dầu Brent trong khi dầu Urals của Nga được bán thấp hơn không quá 10 USD còn dầu ESPO chỉ được chiết khấu 6 USD/thùng.

Vì sự chênh lệch này, nhiều nhà sản xuất đang chọn dầu Iran thay vì nguồn cung từ Nga, theo các thương nhân đang tham gia thị trường.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân ở Sơn Đông hiện chiếm khoảng 20% công suất lọc dầu của Trung Quốc, tương đương khoảng 3,7 triệu thùng/ngày. Họ gần như chỉ dựa vào nguồn cung dầu bị trừng phạt do mức chiết khấu sâu, gồm dầu Iran, Nga hay Venezuela.

Theo Li của Vortexa, các nhà máy lọc dầu nhà nước Trung Quốc và nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang tranh giành loại dầu thô ESPO của Nga – vốn là loại dầu được ưa chuộng từ lâu. Điều này đồng nghĩa dầu thô của Iran sẽ tiếp tục có cơ hội mở rộng thị phần tại một số khu vực khác, khi người mua không thể cạnh tranh được với các “ông lớn” từ Trung Quốc, Ấn Độ dù rất muốn mua dầu chiết khấu của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại