Ngày 30/10 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm đã kéo dài gần 20 năm này.
Sở dĩ, dự án này kéo dài nhiều năm là bởi dự án nhiều lần đàm phán khó khăn, giằng co giữa các đối tác trong và ngoài nước, quá trình chuẩn bị đầu tư với rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục; chậm triển khai vì những lý do cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ quan là chính.
Tại buổi lễ, Petrovietnam và các đối tác đã tiến hành ký kết các văn bản quan trọng: Thỏa thuận khung Lô B; Biên bản thống nhất nội dung Hợp đồng Bán khí Ô Môn I; Trao thầu Hợp đồng EPC#1. Đây là sự kiện tạo tiền đề để Petrovietnam và các đối tác tiếp tục triển khai các dự án thành phần trong thời gian tới.
Ảnh: Báo Chính Phủ
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD.
Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho tổ hợp 4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Chuỗi dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, đem lại lợi nhuận, hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, nhất là tại Cà Mau, Kiên Giang và Cần Thơ, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ngành dầu khí và lao động khu vực ĐBSCL.
Việc sớm triển khai chuỗi dự án để có các công trình như những "ngọn hải đăng" trên biển sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chuỗi dự án khi triển khai cũng sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn trong lộ trình thực hiện đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Công trình kho LNG lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ảnh: Petrovietnam
Petrovietnam là doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế đất nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài. Qua hơn 60 năm hình thành và phát triển, Petrovietnam đã trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Tổng tài sản hợp nhất của tập đoàn đến nay là 42,2 tỷ USD, nguồn vốn chủ sở hữu hợp nhất đến nay là 22,3 tỷ USD. Đây là doanh nghiệp liên tục đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách Quốc gia.
Về hoạt động kinh doanh, chỉ riêng đối với việc sản xuất và cung cấp khí, Tập đoàn Dầu khí đã cung cấp khí và sản phẩm khí làm nguồn nghiên liệu sạch để sản xuất 11% sản lượng điện, khoảng 70% sản lượng phân đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước và cho nhiều hoạt động sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và dân dụng khác. Đối với sản xuất điện trong 9 tháng đầu năm 2023, đã đạt 17,63 tỷ kWh, bằng 73,5% kế hoạch năm, đáp ứng theo điều động của EVN.
Mới đây, tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tập đoàn và đơn vị thành viên là Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức Lễ khánh thành Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 1 triệu tấn Thị Vải, kho LNG lớn nhất Việt Nam.
Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải được khởi công xây dựng vào ngày 28/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, do PV GAS làm chủ đầu tư, cùng Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm, giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm.
"Trái tim" của công trình chính là bồn chứa LNG có chiều cao trên 50m và đường kính ngoài 82m, nhiệt độ thiết kế -170 / +65oC, dạng "Full Containment". Bồn chứa LNG đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như AI620, ACI376,…