Mới đây Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019". Đáng chú ý, theo kết quả điều tra được báo cáo trong hội thảo, tỷ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong 6 năm qua (từ năm 2013-2019). Điều này dấy lên mối lo ngại ở các phụ huynh đang có con trẻ, ở độ tuổi từ 12-17 tuổi, lứa tuổi được xem là ‘tầm ngắm’ của vấn đề này.
Để có thể giúp phụ huynh, các trẻ vị thành niên hiểu hơn về quan hệ tình dục an toàn, PV đã có cuộc phỏng vấn với BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM.
PV: Thưa bác sĩ, bác sĩ có thể cho biết quan hệ tình dục an toàn là gì? Ở tuổi nào được coi là phù hợp để quan hệ tình dục?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Cụm từ tình dục an toàn sẽ bao gồm rất nhiều ý nghĩa. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đơn thuần tình dục an toàn là làm sao đừng có thai thì chưa đủ, mà phải hiểu an toàn ở đây ngoài việc làm sao không có thai mà còn tránh mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Định nghĩa tuổi nào là tuổi có thể quan hệ tình dục được? Thật ra rất khó có thể khẳng định, bởi độ tuổi phù hợp để quan hệ tình dục không chỉ phụ thuộc tuổi dậy thì mà còn phụ thuộc yếu tố văn hóa, chủng tộc... Ở những quốc gia châu Á, tuổi bắt đầu có quan hệ tình dục thường cho thấy trễ hơn các quốc gia Âu - Mỹ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi vị thành niên là từ 10-17 tuổi. Vị thành niên tức là chưa trưởng thành, chúng ta cần phải giáo dục các em trong độ tuổi này giới tính là gì, quan hệ tình dục là gì, và thế nào được gọi là tình dục an toàn. Hầu như hiện nay, ở tuổi vị thành niên, các em bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu, quan tâm đến cơ thể mình và cơ thể bạn khác phái, đồng thời bắt đầu có các tiếp xúc tình dục khá sớm, có thể 12-13 tuổi, có khi từ 15-16 tuổi. Độ tuổi quan hệ tình dục ở các em còn lệ thuộc rất nhiều vào yếu tố giáo dục từ gia đình, nhà trường, cộng đồng, mạng xã hội, những mối liên hệ của các em với các bạn bè cùng lớp, cùng sinh hoạt cộng đồng…
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, BVĐK Tâm Anh TP HCM. Ảnh: NVCC.
PV: Hiện nay có những em bắt đầu quan hệ tình dục sớm trước 14 tuổi, bác sĩ có lời khuyên như thế về vấn đề quan hệ tình dục sớm, ảnh hưởng sức khỏe hiện tại và lâu dài?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Như tôi chia sẻ, các em trong độ tuổi vị thành niên và ngay khi còn ngồi ghế nhà trường, các em đã bắt đầu tìm hiểu về sự nảy nở phát triển của chính cơ thể mình và người khác, xa hơn nữa là muốn khám phá bí mật về sự chung đụng hai cơ thể. Thế nhưng, các em lại không biết cũng như không hình dung được việc gì sẽ xảy ra sau khi có quan hệ tình dục.
Chúng ta không thể né tránh chuyện này, vì đây là diễn biến tâm sinh lý không hề bất thường. Vấn đề là làm sao dạy cho các em có được kiến thức, hiểu được nếu hậu quả xấu xảy ra sau quan hệ tình dục - dù chỉ là một lần thôi cũng đã có thể sẽ nghiêm trọng, làm mất sức khoẻ, thậm chí tước đoạt luôn sinh mạng, việc học hành và cả tương lai sau này của các em.
Đã có những tình huống dở khóc dở cười khi các em gái mang thai ở tuổi còn rất nhỏ - 11, 12 tuổi - do không hiểu biết hoặc do bị cưỡng hiếp. Các em phải gánh chịu hậu quả nặng nề về sức khỏe - tâm lý, khi giữ thai cũng như phá bỏ thai. Do vậy, để tránh đi điều đáng tiếc này, chúng ta cần có lời khuyên cụ thể, động thái tích cực cụ thể trong giáo dục về tình dục an toàn cho các em hơn là nói chung chung vì nghĩ rằng đây là điều tế nhị không nên nói quá rõ cho các em.
Quan hệ tình dục không an toàn sẽ để lại hậu quả ở cả nam lẫn nữ. Các em đều có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm sinh dục do Chlamydia trachomatis, lậu cầu, giang mai, sùi mào gà, HIV, HPV, HSV….; riêng nữ giới sẽ nặng nề thêm là còn có thai ngoài mong đợi.
Vì vậy, tình dục an toàn phải làm sao vừa ngừa thai được và vừa ngừa được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Muốn vậy, ở độ tuổi vị thành niên, việc giáo dục giới tính, dạy cho các em biết hiện tượng thụ thai xảy ra bằng cách nào, sự nguy hiểm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khi mắc phải và vì sao mắc phải, có thể phòng tránh ra sao… là điều mà gia đình, nhà trường, xã hội, các bộ ngành liên quan phải chung tay thực hiện và phải cụ thể một cách có hiệu quả, mà có lẽ sẽ bắt đầu tốt nhất từ môi trường giáo dục học đường chính khoá cho các em.
PV: Trong sự nghiệp của mình, bác sĩ đã từng tiếp nhận những ca trẻ mang thai sớm ở bao nhiêu tuổi? Tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên hiện nay còn cao không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Theo thống kê của Tổng cục dân số vào năm 2016, thì tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên tại Việt Nam hiện nay đã giảm xuống rất nhiều, nghĩa là có chiều hướng rất tốt.
Đối với những trường hợp mang thai vị thành niên, có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm. Tôi đã từng chứng kiến một bé gái 11 tuổi mang thai. Vì cha mẹ phải đi làm công nhân và đi trực ca nên họ không có nhiều cơ hội để quan sát cũng như gần gũi con, cho tới một ngày bé này có cảm nhận được là có cái gì đó ở trong bụng mình, thì bé nói với mẹ. Khi ấy, mẹ mới quan sát bụng con và đưa cháu đi khám bệnh. Bác sĩ phát hiện thai trong bụng cháu bé đã ở tuần thứ 32. Trường hợp này không thể thực hiện ngừng thai kỳ, đành phải đợi thai kỳ đủ ngày để sinh nở.
Chúng ta biết rằng một bé gái 11 tuổi còn rất nhỏ, mặc dù thân thể có thể lớn hơn so với các trẻ ngày xưa, nhưng cháu vẫn là một đứa trẻ chưa phát triển toàn diện về tâm sinh lý. Khung xương chậu và các cái bộ phận sinh dục ngoài không thể như người đã trưởng thành, do vậy bé đã phải trải qua mổ lấy thai, thai nhi được 3,5-3,6kg. Sau đó thì con của bé gái này đã được một gia đình người bà con bị vô sinh hơn 20 năm nhận nuôi.
Sau này, người mẹ trẻ 11 tuổi vẫn tiếp tục trở lại trường và học tập một cách vui vẻ. Những dấu ấn ban đầu có gây đau đớn về thể xác do phẫu thuật nhưng hết sức may mắn thay chưa gây ra cú sốc tâm lý lớn, có thể do cháu còn quá nhỏ để nhận thức đủ sự việc.
Trường hợp thứ hai là một bé gái 15 tuổi, do gia đình bận kinh doanh thường gửi cháu cho một thanh niên xe ôm chở đi học cả sáng lẫn chiều. Một ngày, mẹ thấy bụng cháu rất lớn và tra hỏi nhưng cháu không hiểu sao bụng lớn. Đưa con đi khám bệnh, gia đình phát hiện ra bé có thai. Tuy nhiên, thai đó lại là một thai bất thường: thai trứng toàn phần. Thai trứng là thai không có phần nhau, không có phần thai, chỉ toàn các gai nhau bị thoái hóa nước, bụng bé to bằng thai 7-8 tháng, nguy cơ băng huyết khi sẩy thai trứng hoặc khi làm thủ thuật hút thai trứng đều có thể dẫn tới cắt tử cung. Và bé buộc phải theo dõi nhiều năm sau này về tính trạng thai trứng có diễn tiến tới bệnh lý ung thư tế bào nuôi (tế bào của nhau thai) hay không.
BS Nhi nội soi một ca thai ngoài tử cung.
PV: Những trường hợp như vậy ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe của bản thân bé và cả người thân đúng không thưa bác sĩ?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Đứa bé 11 tuổi vì không thể sinh được do khung xương rất nhỏ, các bác sĩ phải mổ lấy thai và bé rất đau thể xác do bị mổ. Sau sinh, cháu ra huyết và dịch vùng kín nhiều tuần, ngực căng tức có chảy sữa sau sinh. Những ngày đầu tiên, cháu bị bấn loạn vì không hiểu tại sao bụng to ra và vì sao phải bị mổ. Chúng tôi khi đó phải trấn an tinh thần cháu, để cháu được yên tĩnh và tìm cách giải thích theo một kiểu khác mà không giải thích cháu bị mang thai, để cháu đỡ ấn tượng về việc trong bụng có một em bé và bị mổ lấy em bé đi, để bé không cảm thấy xa lạ khác thường với bạn bè đồng trang lứa khi trở lại trường lớp.
Còn ca 15 tuổi thai trứng thì đây rõ ràng là nỗi đau cho cả gia đình. Bởi vì ngoài việc cháu bị thai trứng phải điều trị, chúng ta thật sự không biết nó có diễn tiến thành ung thư tế bào nuôi hay không. Vì vậy bắt buộc cháu phải theo quy định nghiêm ngặt của y khoa về lịch theo dõi tại bệnh viện trong nhiều năm sau đó, điều này sẽ có ám ảnh khi phải nhiều lần ra vào bệnh viện để thử máu.
Do đó chấn thương về mặt tâm lý của một trẻ 15 tuổi ít nhiều là có. Và khi đứa bé càng lớn, không được cha mẹ quan tâm hỗ trợ tiếp tục cho bé thì có thể để lại một dấu ấn rất xấu. Người thân của các cháu cũng đau lòng vì không theo sát con.
Vì vậy những người thân bên cạnh, vào những thời điểm đó, sẽ phải hỗ trợ cho bé tối đa để bé quên đi những ấn tượng không tốt về các sai lầm đã mắc phải, giúp bé tiếp tục học tập và sống tốt hơn, hội nhập lại được với bạn bè cùng trang lứa dễ dàng hơn.
Phụ huynh nên nói chuyện tình dục với con
PV: Phụ huynh hiện đại nên nói chuyện với con như thế nào về vấn đề tình dục và bảo vệ bản thân? Nhất là những bé gái. Vì trước đây phụ huynh ngại nói thật, nói thẳng và nó giống như một "vùng tối", khó có thể nói ra được?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Nữ thì rất gần với mẹ và thậm chí là gần cả bố, còn con trai thì đa phần sẽ gần bố nhiều hơn.
Đứng về góc độ phụ khoa, đối với một bé gái thì người mẹ có lẽ là người đi sâu sát với bé gái nhất, ngoài ra còn có các cô giáo, cho nên các mẹ và các cô dễ dàng tiếp cận và nói rõ với bé gái về kinh nguyệt là gì (đánh dấu của một thời kỳ dậy thì), tại sao có kinh (mỗi tháng buồng trứng sẽ có một nang trứng vỡ ra, nếu trứng không gặp vật lạ là tinh trùng đi vào từ vùng kín của mình thì không thể xảy ra hiện tượng thụ thai). Chúng ta cũng cần nói rõ là có cách gì để ngăn ngừa sự gặp nhau giữa tinh trùng và trứng, cũng như nói rõ khi 2 cơ thể chung đụng tại vùng kín có thể làm lây lan cho nhau các bệnh truyền nhiễm nếu không biết cách tự bảo vệ như có dụng cụ để không bị tiếp xúc trực tiếp.
Như vậy, chúng ta có thể dẫn dắt bé gái hiểu được là đã đến thời điểm các bé đã có thể có em bé trong bụng nếu có sự "chung đụng" của một người khác phái đi vào sâu bên trong vùng kín của mình.
Và cần giải thích cho các cháu hiểu sự "chung đụng" này không phải là xấu, khi các con lớn lên tới một thời điểm, một độ tuổi nhất định như ba mẹ, thì sự "chung đụng" này một hoạt động bình thường của loài người để duy trì nòi giống.
Nếu mẹ không thể nói đến vấn đề này thì có thể nhờ cô giáo, chia sẻ khó khăn với cô giáo cũng như gặp bác sĩ phụ khoa. Hiện nay đã có chương trình của các bác sĩ phụ khoa nói chuyện về cộng đồng, giáo dục sức khỏe giới tính, đi đến trường học trong các chương trình ngoại khóa, dạy cho trẻ vị thành niên biết được ngừa thai như thế nào, khi nào có thai, dậy thì như thế nào… ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, tôi nghĩ nhà trường nên đưa các bài giảng giáo dục giới tính, về cơ quan sinh dục nam - nữ, tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, các kiến thức liên quan đến quá trình thụ thai, cách ngăn ngừa thụ thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục… vào chương trình chính khóa bắt buộc.
Đối với trẻ nam, tôi nghĩ rằng người cha, là trụ cột gia đình cũng cần nói cho các cháu rõ về thời điểm dậy thì. Dậy thì là thời điểm tinh hoàn bắt đầu có hoạt động và sản xuất tinh trùng. Như vậy nếu có sự tiếp xúc giữa tinh trùng và một trứng ở trong cơ thể của một người con gái thì chắc chắn là hiện tượng thụ thai xảy ra. Và chúng ta nên nói rõ với cháu rằng, tuổi này là tuổi có những cảm xúc bồng bột khó có thể kiềm chế được nên có thể các hậu quả xấu sẽ xảy ra nếu không kìm chế được các xúc cảm này. Vì vậy để tránh các hậu quả không mong đợi từ các cảm xúc khó kiềm chế, các bậc cha mẹ chúng ta hãy tìm hiểu để có đủ kiến thức dạy cho cháu biết bao cao su là gì, kể các bé gái, người mẹ phải dạy cho bé gái biết được bao cao su là gì, bao cao su có thể ngăn ngừa lây truyền qua đường tình dục và ngăn ngừa mang thai.
Đã tới lúc chúng ta phải làm rõ việc này, tuyệt đối không đánh đập, không la mắng các con khi chúng mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết và chúng ta chưa hề dạy gì cho chúng. Ở các quốc gia phương Tây, những bé gái, bé trai 11-12 tuổi đã bắt đầu sử dụng các biện pháp tránh thai như bao cao su, các bé gái 11- 12 tuổi đã biết sử dụng thuốc tránh thai, nên tại Việt Nam chúng ta cũng phải thay đổi quan điểm xem đó là việc tế nhị, che giấu, để chỉ rõ cho con bằng cách nào chúng ta có những hoạt động tình dục an toàn nhất.
BS Nhi (bên phải) thực hiện nhiều ca mang thai ngoài tử cung, trong đó có cả những bạn lứa tuổi vị thành niên.
PV: Ở tuổi vị thành niên các bé rất tò mò, nếu như mình có hướng dẫn cụ thể như vậy mình có sợ là mình đang vẽ đường cho hươu chạy không?
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Tôi thực sự không lo lắng là chúng ta đang vẽ đường cho hươu chạy. Trước đây công nghệ thông tin chưa phát triển mạnh thì các em cũng vì rất tò mò ở tuổi mới lớn, nên đã xảy ra nhiều chuyện không may, đến khi phụ huynh biết được thì đã quá trễ.
Với thời điểm hiện tại, công nghệ thông tin đã rất phát triển, các em được tiếp cận nhiều thông tin đa chiều, thì dù chúng ta có cấm đoán các em vẫn tìm hiểu được hết. Thậm chí, các em còn biết được có bao nhiêu kiểu để quan hệ tình dục. Nhiều khi các em bị dẫn dụ vào các trang mạng của hoạt động mại dâm, các trang này kích thích sự tò mò muốn khám phá của các em, và các em không hề biết đó là các hoạt động phạm pháp, không phải là các trang mạng hướng dẫn sinh hoạt tình dục lành mạnh, khoa học. Tóm lại cần cảnh báo các em, giúp các em hiểu được vấn đề để phòng tránh cho bản thân mình và người bạn khác phái của mình, chứ không phải là cấm đoán và e dè quan ngại khi giáo dục tình dục cho các em.
Xin cảm ơn bác sĩ!