Đâu là vua tiêm kích thế hệ 4++?

Tiến Thành |

Chuyên gia quân sự Mỹ Peter Suchiu trên tờ National Interest vừa chỉ ra tiêm kích mạnh nhất thuộc thế hệ 4++, nhưng không phải là máy bay Mỹ.

Không có đối thủ

Theo chuyên gia Mỹ, chiến đấu cơ Su-35 của Nga là một trong những hệ thống máy bay tiên tiến nhất trong thế hệ của nó, vượt trội hơn nhiều máy bay Mỹ.

"Tiêm kích thế hệ 4++ này đã chứng tỏ mình là đối thủ cực kỳ hiệu quả với các tiêm kích hiện đại của Mỹ, trong đó có F-15 Eagle, F/A-18 Super Hornet và thậm chí cả F-35 Lightning II", ông nhấn mạnh.

Suchiu lưu ý rằng Su-35 có một số tính năng độc đáo mà chiến đấu cơ Mỹ và phương Tây không thể. Cụ thể, động cơ Saturn AL-41F1S lớn và mạnh mẽ giúp máy bay chiến đấu có khả năng phát triển tốc độ bay siêu âm trong thời gian dài - ngay cả khi không sử dụng chế độ đốt sau.

Ngoài ra, hiện nay Su-35 là máy bay chiến đấu sản xuất hàng loạt duy nhất sử dụng vòi phun có độ lệch trục đối xứng của vectơ lực đẩy và có khả năng siêu cơ động, chuyên gia nhấn mạnh.

"Mặc dù Su-35 được thiết kế chủ yếu để giành ưu thế trên không, nhưng nó có thêm khả năng chiến đấu trên không và tấn công các mục tiêu trên mặt đất, đồng thời có thể mang theo một lượng lớn vũ khí", Peter Suchiu cho biết và bày tỏ ngưỡng mộ về khả năng của máy bay Su-35.

Trước đó, cựu Trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Stephen Bryan đã gọi tiêm kích Su-35 được sử dụng ở Ukraine là "máy bay đẳng cấp nhất".

Đâu là vua tiêm kích thế hệ 4++?- Ảnh 1.

Lượng bom đạn ấn tượng Su-35 có thể mang theo.

Thế mạnh trước máy bay thế hệ 5

Không chỉ đứng đầu trong những chiến đấu cơ cùng thế hệ, một tờ báo khác của Mỹ là Defense News còn chỉ ra thế mạnh của Su-35 trước cả tàng hình cơ F-35 của Mỹ.

Theo bài viết, F-35 vượt trội Su-35 về khả năng tàng hình nhưng với thế mạnh về vũ khí tầm xa, cơ động, tốc độ tối đa cao hơn (2.400km/h của Su-35 so với 1.960km/h của F-35) và tầm bay xa hơn (3.600km so với 2.800km của F-35) thì việc đối phó với tiêm kích tàng hình Mỹ sản xuất không phải là chuyện khó với Su-35.

Đặc biệt, dù được biết đến là tiêm kích thế hệ 5 có khả năng tàng hình cao với tiết diện phản xạ radar (RCS) chỉ 0,005m2 nhưng F-35 có thể bị phát hiện bằng cách sử dụng một số loại radar, trong đó có Ibris-E trên Su-35 từ khoảng cách lên tới 90km.

Trong khi đó, F-35 chỉ có thể phát hiện ra Su-35 với khoảng cách tương tự dù tiêm kích Nga thuộc thế hệ 4++.

Báo Mỹ cho biết, khi tính đến khả năng cơ động và các biện pháp đối phó, chẳng hạn như thiết bị gây nhiễu, và "cơ động tỏa sáng" (tức là bay vuông góc với nguồn radar hoặc tên lửa đang lao tới để tránh việc phát hiện), một chiếc F-35 có thể dễ dàng bị Su-35 đánh bại.

"Trong nhiệm vụ thực tế, nếu một chiếc F-35 đang thực hiện nhiệm vụ phát hiện ra một chiếc Su-35, rất có thể nó sẽ quay đi và quay trở lại căn cứ. Xét cho cùng, F-35 được thiết kế thiên về kiểu máy bay tấn công mặt đất chứ không phải máy bay không chiến", báo Mỹ viết.

Những nhận định nói trên được các chuyên gia đưa ra sau khi thành viên Ủy ban Chính sách Đối ngoại và An ninh Quốc gia của Quốc hội Iran, ông Shahriar Heidari, tuyên bố quân đội nước này sắp tiếp nhận các máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 đầu tiên của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Tasnim, ông Heidari xác nhận các máy bay chiến đấu phản lực Su-35 sẽ đến Iran vào đầu Năm mới theo lịch Ba Tư, bắt đầu vào ngày 21/3.

Nếu việc chuyển giao các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga diễn ra sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cấp đáng kể sức mạnh cho lực lượng không quân Iran, vốn có trang bị hết sức khiêm tốn do các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại