Hơn 620 lượt xe buýt phải bỏ do ùn tắc
Tại hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp vận tải về giải pháp nâng cao chất lượng và sản lượng VTHKCC bằng xe buýt diễn ra sáng qua (22/11) tại Sở GTVT Hà Nội, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, sản lượng VTHKCC bằng xe buýt năm 2018 tăng nhưng chưa đạt so với định mức đặt ra.
“Dự kiến, năm 2018, VTHKCC bằng xe buýt chỉ đạt 455 triệu lượt khách, tăng 3% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn so với yêu cầu tăng trưởng là từ 5 - 8%”, ông Hải nói.
Ông Hải cho rằng, nguyên nhân buýt tăng chậm là do chất lượng dịch vụ chưa đủ sức hút. Hoạt động của xe buýt thường xuyên chịu ảnh hưởng của ùn tắc giao thông khiến thời gian lộ trình chạy tuyến bị kéo dài.
“Trong 10 tháng đầu năm, có tới 621 lượt xe buýt phải hủy do tắc đường, số chuyến lượt phải điều chỉnh linh hoạt lên tới hơn 131.000 lượt xe, số chuyến phải quay đầu là hơn 24.000 lượt.
Những yếu tố đó tác động lớn đến tâm lý lựa chọn phương thức di chuyển của hành khách”, ông Hải nói.
Thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, tính đến tháng 11/2018, mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn TP Hà Nội gồm 118 tuyến, trong đó có 96 tuyến buýt có trợ giá, 9 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 1 tuyến City tour. Tổng sản lượng VTHKCC trong 10 tháng đạt 670 triệu hành khách (tăng 4,8%), trong đó VTHKCC bằng xe buýt tăng 3,8% so với cùng kỳ (307 triệu lượt khách).
Lãnh đạo Transerco cũng cho rằng, giá vé xe buýt hiện tại tác động không nhỏ đến việc thu hút hành khách. “Trước đây, các đô thị chưa có sự thâm nhập của xe ôm, taxi công nghệ, hành khách bỏ ra 7.000 đồng để đi xe buýt vẫn được xem là rẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xe ôm đang “lên ngôi” với các dịch vụ thuận tiện, đưa đón tận nhà, giá vé của xe buýt cần điều chỉnh lại để khuyến khích người dân”, ông Nhật nói.Theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), thời gian và cách tiếp cận là những yếu tố quan trọng để thu hút người dân sử dụng xe buýt đều chưa làm được. “10 năm trở lại đây, tốc độ bình quân của xe buýt giảm 15-18%. Về hạ tầng phục vụ vận tải công cộng, hiện chỉ có 12% các điểm dừng có nhà chờ, với đặc thù thời tiết khắc nghiệt như ở Hà Nội, tỉ lệ này khá thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân”, ông Nhật nói.
Ông Đào Việt Dũng, Phó giám đốc Công ty CP Xe điện Hà Nội nhận định, một số tuyến buýt của Hà Nội hiện có tần suất rất thưa. Có những tuyến hành khách phải chờ đến 30-40 phút mới có một lượt xe.
Trong khi đó, các hãng xe ôm công nghệ như Grab, Go Việt chỉ cần 2-3 phút sau là tài xế có mặt đón khách tận nơi. Sự chênh lệch đó khiến xe buýt trở nên vô cùng “yếu thế” trong thị trường vận tải hiện nay.
Cuối năm không được thay lộ trình buýt
Đại diện Công ty TNHH Bắc Hà (Chi nhánh Hà Nội) cho rằng, hành khách cần nhất ở xe buýt là sự ổn định. Nhưng lâu nay, lộ trình các tuyến buýt Hà Nội liên tục thay đổi, điều chỉnh để phục vụ việc thi công các công trình trọng điểm.
“Việc điều chỉnh hay hình thành tuyến buýt mới chủ yếu dựa trên nhu cầu của DN, chưa lấy lợi ích của hành khách làm tôn chỉ phát triển nên xuất hiện tình trạng tuyến mới chồng lấn vào lộ trình của tuyến cũ khiến hành khách lúng túng trong việc tìm tuyến xe phù hợp để đi”, đại diện đơn vị này thẳng thắn.
Khẳng định loại hình VTHKCC bằng xe buýt đang góp phần tích cực trong giảm thiểu ùn tắc giao thông của Hà Nội, song ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, sự tăng trưởng về hành khách vẫn chưa tương ứng với phát triển của mạng lưới xe buýt.
“Từ đầu năm đến nay, mạng lưới buýt tăng 6,5% trong khi lượng hành khách chỉ tăng hơn 3%, điều đó cho thấy, sự đầu tư của chúng ta chưa đạt được hiệu quả cao”, ông Viện nói.
Cũng theo ông Viện, mạng lưới tuyến buýt của Hà Nội đang thiếu tầm nhìn dài hạn. Các đơn vị liên quan nhất định không được điều chỉnh luồng tuyến trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Đồng thời, từ nay đến cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc xây dựng quy hoạch tổng thể mạng lưới xe buýt đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trên cơ sở đề xuất của các DN, ông Viện cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần có những đánh giá cụ thể về tần suất hoạt động của các tuyến xe buýt để làm căn cứ điều chỉnh tần suất xe buýt, nhất là trong giờ cao điểm.
“Việc vận hành xe buýt không phải cứ chiều đi bao nhiêu, chiều về phải bằng đó mà phải dựa trên nhu cầu thực tiễn, chiều đi đông, tăng tần suất dày lên, chiều về thưa lại giảm tần suất đi.
Đảm bảo được điều đó, việc đầu tư mới không bị lãng phí, hành khách cũng có thể tiếp cận xe buýt một cách thuận tiện”, ông Viện nói thêm.
Transerco thay mới 22 xe buýt tuyến 15 TCT Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, vừa đưa 22 xe mới vào hoạt động trên tuyến buýt 15: Bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ (Trung tâm Thương mại Bình An). Các phương tiện mới được thay thế trên tuyến số 15 đều được nhận diện thương hiệu màu sơn xanh nước biển với nhiều tiện ích tăng thêm cho khách như: Xe sàn bán thấp; tiêu chuẩn khí thải tiên tiến; hệ thống cabin độc lập cho lái xe; wifi miễn phí; lắp đặt 3 bảng thông tin điện tử LED hiện đại hiển thị lộ trình tuyến và nhận dạng thương hiệu. Bên cạnh đó, hệ thống GPS được nâng cấp kết nối tự động thông báo điểm dừng đỗ theo hướng thuận tiện gần gũi hơn với khách hàng. Lộ trình tuyến 15: Bến xe Gia Lâm - Phố Nỉ (Trung tâm Thương mại Bình An) như sau: Chiều đi: Bến xe Gia Lâm - Ngô Gia Khảm - Ngọc Lâm - Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự - Cầu Đuống - QL3 - Dốc Vân - Cổ Loa - Đường cải tránh QL3 - QL3 - Đông Anh - Nguyên Khê - Phủ Lỗ - Đa Phúc - Phố Nỉ (Trung tâm Thương mại Bình An). Chiều về: Phố Nỉ (Trung tâm Thương mại Bình An) - Đa Phúc - Phủ Lỗ - Nguyên Khê - Đông Anh - Đường cải tránh QL3 - QL3 - Cổ Loa - Dốc Vân - QL3 - Cầu Đuống - Ngô Gia Tự - Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Khảm - Bến xe Gia Lâm. Tần suất xe chạy trên tuyến: từ 10 - 15 phút/chuyến. Giá vé: 9000 đồng/lượt. T.Bình |