Đâu là âm thanh lớn nhất trên thế giới? 50 địa điểm vòng quanh Trái Đất đều nghe thấy

Minh Hằng |

Âm thanh này lớn tới nỗi ở khoảng cách xa đến 4.800 km vẫn có thể nghe được.

Theo các nhà khoa học, tiếng thở của con người có độ lớn khoảng 10 decibel. Tiếng mưa nhỏ là khoảng 40 decibel. Tiếng máy hút bụi lớn khoảng 70 decibel, trong khi 90 decibel là mức độ âm thanh của máy xay sinh tố. Ngoài ra, một ban nhạc rock sẽ tạo ra âm thanh lớn khoảng 120 decibel.

Các chuyên gia cho biết, thang decibel đo tiếng ồn theo logarit (trong toán học). Theo đó, khi tăng từ 10 lên 20 decibel, âm thanh này sẽ mạnh hơn gấp 10 lần. Tương tự, tăng từ 20 lên 30 decibel, sức mạnh âm thanh tiếp tục tăng gấp 10 lần. Như vậy, khi đạt mức 150 decibel, âm thanh có thể đủ mạnh để làm thủng màng nhĩ của con người. Do đó, chúng ta nên đứng cách xa những thứ phát ra âm thanh lớn này, chẳng hạn như khẩu súng hiệu lệnh với mức 140 decibel hay một vụ phóng tên lửa với mức 180 decibel.

Đâu là âm thanh lớn nhất trên thế giới? 50 địa điểm vòng quanh Trái Đất đều nghe thấy - Ảnh 1.

Âm thanh 150 decibel có thể làm thủng màng nhĩ của con người. Ảnh: Welistenwehelp

Trên thực tế, khi ở ngưỡng 194 decibel, sóng âm sẽ trở thành sóng xung kích và có thể phá hủy các tòa nhà lân cận. Tuy nhiên, âm thanh lớn này chưa là gì so với sự kiện xảy ra ngày 27/8/1883. Cụ thể, trên đảo Krakatoa, Indonesia, một vụ phun trào núi lửa đã tạo ra âm thanh mà các nhà khoa học tin rằng nó là lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với ước tính đạt 310 decibel.

Đâu là âm thanh lớn nhất trên thế giới? 50 địa điểm vòng quanh Trái Đất đều nghe thấy - Ảnh 2.

Vụ phun trào núi lửa trên đảo Krakatoa (Indonesia) tạo ra âm thanh lớn nhất trong lịch sử. Ảnh: NatGeo

Âm thanh của vụ phun trào đáng sợ này được nghe thấy ở 50 địa điểm khác nhau và sóng âm đã di chuyển 3 vòng rưỡi quanh Trái Đất. Chưa hết, khoảng 5 ngày sau vụ nổ, các trạm thời tiết ghi nhận áp suất tăng vọt chưa từng thấy và chúng lặp lại cứ khoảng 34 tiếng khi âm thanh đi vòng quanh Trái Đất. Vụ phun trào núi lửa này đã gây ra những cơn sóng thần chết chóc lan tới tận Hawaii và Nam Mỹ, khiến nhiệt độ giảm mạnh ở Bắc Bán Cầu.

Cho đến nay, lịch sử chưa từng ghi nhận sự kiện nào khác có thể so sánh được với vụ phun trào núi lửa xảy ra ở Indonesia vào ngày 27/8/1883.

Vụ phun trào núi lửa mạnh gấp 10.000 lần bom nguyên tử

Núi lửa ở trên đảo Krakatoa nằm giữa đảo Java và Sumatra (Indonesia), tạo ra âm thanh rất lớn trong vụ phun trào kỷ lục vào ngày 27/8/1883. Theo Science Alert, âm thanh từ vụ phun trào này có thể nghe rõ trong vòng gần 5.000 km tại nhiều vị trí khác nhau.

Thậm chí người dân ở New Guinea và Tây Australia, với khoảng cách 3.200 km, cũng nghe thấy tiếng nổ này. Ngoài ra, tại đảo Rodrigues, Ấn Độ Dương, nơi cách xa vụ nổ hơn 4.800 km, người dân địa phương nghe thấy âm thanh giống với tiếng súng bắn từ xa.

Theo các chuyên gia, vụ phun trào núi lửa trên đảo Krakatoa vào năm 1883 khiến khói bốc lên cao gần 80 km và tro bụi rơi xuống biển cách nơi này khoảng 20 km. Đặc biệt, vật chất nóng bắn ra từ miệng núi lửa với vận tốc lên tới 2.575 km/h, tức là hơn gấp đôi vận tốc của âm thanh.

Đâu là âm thanh lớn nhất trên thế giới? 50 địa điểm vòng quanh Trái Đất đều nghe thấy - Ảnh 3.

Khoảng 36.000 người thiệt mạng do ảnh hưởng của vụ phun trào núi lửa trên đảo Krakatoa năm 1883. Ảnh: History

Ngoài ra, ảnh hưởng từ vụ phun trào núi lửa này đã tạo ra trận sóng thần cao đến 45 m ập xuống khu vực bờ biển ở trên đảo Java và Sumatra. Điều này gây phá hủy nghiêm trọng khu vực ven bờ và khiến khoảng 36.000 người thiệt mạng ở trong thảm họa này.

Đáng chú ý là khu vực cách đảo Krakatoa dưới 100 km cảm nhận rõ về sức mạnh của vụ phun trào. Lúc bấy giờ, tàu Norham Castle của Anh đang hoạt động cách đảo Krakatoa chỉ khoảng 64 km.

Thuyền trường của con tàu này đã viết trong nhật ký hành trình rằng: "Một tiếng nổ đáng sợ, âm thanh thật khủng khiếp. Tôi dang viết trong bóng tối và tiếng nổ dữ đội đến mức làm phá hỏng màng nhĩ của hơn nửa thủy thủ đoàn. Suy nghĩ cuối cùng của tôi lúc đó là về người vợ yêu quý. Tôi tin chắc rằng ngày tận thế đã đến".

Hầu hết những câu chuyện chia sẻ về vụ phun trào núi lửa năm 1883 đều đến từ những người ở xa, bởi không ai ở gần đó có thể sống sót. Các chuyên gia cho biết, sức mạnh của vụ phun trào núi lửa ở đảo Krakatoa lớn gấp 10.000 lần bom nguyên tử từng thả xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945.

Bài viết tham khảo nguồn: Great Big Story, Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại