Viêm dạ dày tới ung thư
Anh Nguyễn Văn K (quê Tây Ninh), đang điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vì bệnh ung thư dạ dày, anh đã bị sốc khi căn bệnh viêm loét dạ dày của mình đã tiến triển thành ung thư.
Vài năm trước, anh K phát hiện viêm loét dạ dày. Anh đã nội soi và uống thuốc thấy bệnh đỡ. Từ đó, anh không đi khám bệnh lần nào nữa. Khi nào có triệu chứng đau dạ dày, anh nằm nghỉ ngơi và tự mua thuốc về uống triệu chứng đau hết.
Anh kể nhà anh trước đây mẹ anh cũng bị viêm dạ dày, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty nhiều người cũng mắc bệnh, nhưng mọi người đều tự mua thuốc điều trị, không ai biết rằng căn bệnh có thể âm thầm tiến triển tới ung thư.
Anh K bụng đau quá, kèm theo buồn nôn anh mới đi khám. Nội soi dạ dày bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày.
Viêm dạ dày hay chủ quan có thể tiến triển thành ung thư.
Hay như trường hợp bà Phạm Thị M (45 tuổi, quê quán Lâm Đồng) được chẩn đoán ung thư dạ dày và phải cắt bỏ ¾ dạ dày.
Bà M làm nghề thợ may quần áo và lúc nào cũng bận rộn ăn uống không đúng giờ giấc, rảnh lúc nào ăn lúc đó, nhiều khi bận quá ăn tạm thức ăn nhanh, thức khuya, ngồi nhiều và bị viêm dạ dày mãn tính nhưng bà chỉ dùng mật ong uống khi nào đau quá thì mua thuốc giảm đau.
Bà M cứ nghĩ sống chung với bệnh nào ngờ đi kiểm tra sức khỏe thì bác sĩ phát hiện ra ung thư dạ dày.
Đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư
Theo TS BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hoá, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM bệnh nhân ung thư dạ dày gia tăng từng tháng, từng năm. Theo thống kê trên toàn cầu nước ta đứng thứ 18 trên thế giới về ung thư dạ dày. Tại Việt Nam ung thư dạ dày đừng thứ 3 sau các bệnh ung thư khác.
Bác sĩ Long cho biết sở dĩ số bệnh nhân mắc ung thư dạ dày cao và trẻ hóa chủ yếu từ lối sống mang đến. Thói quen ăn uống các thức ăn lên men, ăn quá mặn, ăn nhiều thực phẩm chiên rán, ăn không đúng giờ giấc gây ra tình trạng viêm loét dạ dày và chuyển sang mãn tính.
TS BS Võ Duy Long
Trong khi đó, ở nước ta thống kê có 26% người mắc viêm loét dạ dày tá tràng, 70% người dân chứa vi khuẩn HP. Hai yếu tố trên cộng với thói quen sinh hoạt không hợp lý, lười vận động khiến tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày có xu hướng gia tăng.
Nếu bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP thì tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 6 lần so với nhóm không nhiễm vi khuẩn HP. Nếu như trước đây nhắc đến ung thư dạ dày, đối tượng mắc chủ yếu là những người trên 40 tuổi thì gần đây xu hướng trẻ hóa của căn bệnh này ngày càng tăng có bệnh nhân chỉ 18, 20 tuổi.
TS Long cho biết, nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày chuyển sang mãn tính và khi đau. Bệnh nhân tự nghĩ viêm dạ dày và họ uống thuốc thấy hết đau nên cho rằng bệnh khỏi. Khi ấy, nếu có tế bào ung thư thì nó vẫn âm thầm phát triển trong dạ dày và ngày càng lan rộng.
Khi đau tái phát lại uống thuốc, thấy hết dừng thuốc và chỉ khi nào đau dữ dội, đi ngoài phân đen, kèm theo buồn nôn, sụt cân người bệnh mới cầu cứu bác sĩ lúc ấy ung thư dạ dày đã ở giai đoạn muộn.
Dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày có thể là cảm giác ợ chua, ăn uống không ngon đặc biệt là các món từ thịt. Giai đoạn sau, bệnh nhân có triệu chứng đau vùng thượng vị, buồn nôn, đi ngoài phân đen do xuất huyết dạ dày, sụt cân, mệt mỏi...
Nếu như bệnh nhân viêm loét dạ dày thấy đau đi khám ngay phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm hoặc tiền ung thư dạ dày bác sĩ chỉ cần phẫu thuật triệt căn, bệnh nhân có thể có cơ hội khỏi bệnh.
Chẩn đoán ung thư dạ dày không khó, TS Long cho biết chỉ cần nội soi dạ dày là có thể phát hiện ra. Bác sĩ Long khuyến cáo những người bị viêm loét dạ dày cần đến bác sĩ để tư vấn và khám thường xuyên có thể tìm được bệnh sớm nhất. Đặc biệt là bệnh nhân kèm theo mắc vi khuẩn HP càng phải điều trị triệt để hơn.
Phòng ung thư dạ dày bằng cách tránh xa yếu tố nguy cơ như thức ăn chiên rán, bảo quản, lên men, ăn nhạt hơn. Có vi khuẩn HP kèm theo viêm dạ dày cần điều trị triệt để và có theo dõi sức khỏe thường xuyên qua khám định kỳ.