Dấu hiệu rõ ràng gan bị tổn thương trầm trọng nhiều người bỏ qua

Thái Phong |

Men gan tăng là dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương, thậm chí các tế bào gan đang bị hư hại và chết trên diện rộng.

Dính án ung thư vì chủ quan khi có men gan tăng

Chị Phạm Thị Thùy ở Thái Bình (tên nhân vật đã được thay đổi) tưởng như mình đã lĩnh án tử khi bác sĩ kết luận chị đã mắc ung thư gan giai đoạn 1. Bệnh án ghi rõ kết quả chụp phim cho thấy gan chị có 1 khối u chừng 1,5cm chưa xâm lấn vào mạch máu, chưa có di căn vùng hạch và di căn xa.

Tuy bác sĩ rất khả quan cho rằng chị đã may mắn phát hiện bệnh sớm nhưng với chị Thùy cảm thấy rất bi quan. Chị ân hận vì thiếu hiểu biết mà chị đã tự mở cửa rước căn bệnh ung thư gan vào nhà.

Chị Thùy cho biết, cách đây 5 năm, chị có biểu hiện vàng da, vàng mắt, thỉnh thoảng đau quặn vùng gan nên đã đi khám tại bệnh viện địa phương. Sau khi xét nghiệm máu thì bác sĩ chẩn đoán men gan của chị tăng cao với các chỉ số AST, ALT tăng gấp 4 lần bình thường.

Sau đó, bác sĩ có chỉ định cho chị Thùy làm 1 số xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm gan, siêu âm hệ thống dẫn mật, tụy tạng... để tìm hiểu nguyên nhân men gan tăng cao. Tuy nhiên, chị Thùy nghĩ đơn giản men gan tăng thì về uống thuốc Nam làm mát gan sẽ hết. Hơn nữa, do tiếc tiền làm xét nghiệm nên chị đi thẳng ra cổng viện bắt xe về nhà chứ không đi đóng tiền làm xét nghiệm nữa.

Chị Thùy không thể ngờ, với triệu chứng là men gan tăng cao mà không tìm nguyên nhân để điều trị, 5 năm sau chị đã "dính án" ung thư gan nhưng lúc này hối hận thì đã muộn.

GS.TS.BS Nguyễn Khánh Trạch – Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam cho biết, trong quá trình công tác, ông gặp rất nhiều bệnh nhân tăng men gan, viêm gan nhưng chủ quan không điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn…

Những chỉ số nguy hiểm nhất thiết không được bỏ qua

Men gan là một loại enzim nằm trong tế bào gan. Khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa thì một lượng men gan được phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 40UI/L.

Men gan bình thường có các chỉ số sau: AST: 20 - 40 UI/L, ALT: 20 - 40 UI/L, GGT: 20 - 40UI/L, phosphatas kiềm: 30 - 110 UI/L.

Khi cao hơn các chỉ số này gọi là men gan cao.

Nếu tăng từ 1 - 2 lần là ở mức độ nhẹ, từ 2 - 5 lần là ở mức độ trung bình, trên 5 lần là ở mức độ nặng.

Ông cũng cho biết, nhiều người biết mình tăng men gan sau khi làm xét nghiệm máu nhưng chưa lường được các biến chứng nên chủ quan chưa có biện pháp điều trị tận gốc. Điều đó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người bệnh.

Những "thủ phạm" khiến men gan tăng cao

Theo Hiệp hội Nghiên cứu các Bệnh lý gan Hoa Kỳ (AASLD), men gan tăng là dấu hiệu cho thấy gan đang bị tổn thương, thậm chí các tế bào gan đang bị hư hại và chết trên diện rộng.

Theo PGS, TS. Bùi Khắc Hậu, Nguyên trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân khiến men gan tăng. Tuy nhiên, sự gia tăng men gan đồng nghĩa với việc tế bào gan đã bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng này có thể nhẹ (men gan tăng có tính chất nhất thời), nhưng cũng có thể nặng chứng tỏ tế bào gan đang bị tổn thương nếu men gan tăng có tính chất trường diễn hoặc tăng 1 cách đột biến.

Theo PGS, TS Bùi Khắc Hậu, những yếu tố sau đây chính là thủ phạm gây ra tình trạng men gan tăng:

Dấu hiệu rõ ràng gan bị tổn thương trầm trọng nhiều người bỏ qua - Ảnh 2.

Viêm gan do virus là 1 trong những nguyên nhân làm cho men gan tăng (Ảnh minh họa)

- Viêm gan:

Trong số các nguyên nhân gây tăng men gan thì viêm gan do virus là đáng sợ hơn cả. Những tổn thương gan do virus gây ra là loại tổn thương nguy hiểm vì virus khi xâm nhập vào tế bào gan thường nhân lên và làm hủy hoại tế bào gan.

Viêm gan do virus làm cho men gan tăng cao đột biến, tế bào gan càng bị hủy hoại nhiều thì lượng men gan giải phóng ra càng nhiều. Chính vì thế, trong trường hợp viêm gan cấp tính hoặc tối cấp, hoặc ung thư gan, lượng men gan tăng nhanh đột biến có khi lên tới 5.000U/l.

- Rượu bia:

Rượu bia, đặc biệt là rượu tự nấu, rất nguy hiểm chứa nhiều chất độc làm hủy hoại tế bào gan nên men gan cũng tăng một cách đáng kể. Lượng men gan do gan bị tổn thương tăng trong máu người uống rượu tùy thuộc liều lượng rượu vào máu và chất lượng rượu. Thường thì với nguyên nhân tổn thương này, người ta đo được chỉ số AST tăng cao từ 2 - 10 lần trong khi đó lượng ALT tăng ít.

- Bệnh đường mật:

Men gan cũng có thể tăng trong các bệnh về đường mật (viêm đường mật, viêm túi mật, sỏi đường mật trong gan, teo đường mật bẩm sinh) hoặc áp-xe gan.

- Bệnh sốt rét:

Men gan cũng có thể tăng cao trong bệnh sốt rét do ký sinh trùng sốt rét, đặc biệt là sốt rét ác tính vì tế bào gan, thận bị tổn thương hoặc các bệnh tắc đường mật do giun, viêm dạ dày cấp, sởi, viêm tụy cấp hoặc mạn tính.

Ngoài ra, men gan có thể tăng trong các bệnh do ứ sắt, viêm gan tự miễn, bệnh lý tự miễn ở ruột non. Với một số thuốc dùng để điều trị một bệnh nào đó nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ làm ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của tế bào gan hoặc gây ngộ độc tế bào gan làm xuất hiện viêm gan cấp tính do thuốc, ví dụ ngộ độc thuốc điều trị lao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại