Dấu hiệu nhiễm giun sán: Ai đam mê ăn rau sống, các loại gỏi càng phải đề phòng

Lam Chi |

Nhiễm giun sán là một tình trạng không hề hiếm ở nước ta mà nguyên nhân chủ yếu tới từ các thói quen ăn uống.

Giun ký sinh trong đường ruột (Ảnh minh họa)

Giun ký sinh trong đường ruột (Ảnh minh họa)

Giun sán là bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới. Bệnh lây truyền qua đường phân - miệng hoặc do tiếp xúc với đất có nhiễm trứng/ ấu trùng giun sán. Một số loại giun sán phổ biến bao gồm: giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc, các loại sán lá,... và gây ra các bệnh khác nhau.

Tạp chí The Pharmaceutical Journal thông tin, ước tính có khoảng 819 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm giun đũa, 438 triệu người mắc bệnh giun móc; bệnh sán máng lưu hành ở 70 quốc gia với hơn 200 triệu người mắc bệnh; bệnh giun chỉ lưu hành ở 83 quốc gia với khoảng 120 triệu trường hợp, trong đó có 15 triệu ca phù bạch huyết.

Nhiễm giun sán gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ dinh dưỡng, có thể gây tắc ruột, sa trực tràng, suy giảm trí nhớ/ nhận thức, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Ngoài đường ruột, giun sán còn có thể ký sinh ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như gan, mật, phổi, não, da,...

Trứng/ ấu trùng giun sán thường xâm nhập vào cơ thể con người khi ăn các loại rau không được nấu chín kỹ, không được rửa sạch hoặc rau sống; từ các loại thịt của động vật nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ; từ nguồn nước bị ô nhiễm. Trứng/ ấu trùng giun sán sau khi vào cơ thể sẽ phát triển thành giun sán trưởng thành.

Trứng/ ấu trùng giun sán cũng có thể xâm nhập vào cơ thể khi chúng ta tiếp xúc với đất bị nhiễm trứng/ ấu trùng sau đó đưa tay vào miệng mà không rửa. Một số loại ấu trùng giun sán có thể xâm nhập trực tiếp vào da.

Triệu chứng nhiễm giun sán

Dấu hiệu nhiễm giun sán: Ai đam mê ăn rau sống, các loại gỏi càng phải đề phòng - Ảnh 1.

Đau bụng có thể là dấu hiệu của bệnh giun sán. (Ảnh: Columbia University)

Một số người mắc bệnh giun sán không có triệu chứng. Tuy nhiên, khi giun sán sinh sôi, phát triển nhiều trong cơ thể, người bệnh có thể có các triệu chứng ở đường ruột bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng, đại tiện ra máu.

Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp khác bao gồm chán ăn, da xanh xao, cơ thể yếu ớt, giảm cân, suy dinh dưỡng, sa trực tràng, hay quên hoặc mất tập trung, các triệu chứng hô hấp (nếu giun sán ký sinh ở phổi), ngứa hậu môn (giun kim).

Phòng ngừa nhiễm giun sán

Để phòng ngừa nhiễm giun sán, mọi người nên:

- Thực hiện ăn chín, uống sôi.

- Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh cá nhân như cắt móng tay/ móng chân ngắn, sạch.

- Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.

- Vệ sinh môi trường quanh nơi ở, không phóng uế bừa bãi.

- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần và sử dụng thuốc tẩy giun theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Dấu hiệu nhiễm giun sán: Ai đam mê ăn rau sống, các loại gỏi càng phải đề phòng - Ảnh 2.

Cần xử lý rau thật sạch trước khi ăn. (Ảnh: Shutterstock)

Đối với rau sống, mọi người nên:

- Chọn mua rau có nguồn gốc rõ ràng, được bày bán ở những nơi sạch sẽ.

- Rửa tay trước và sau khi nhặt rau.

- Ngâm rau trong nước tầm 15 phút, sau đó rửa trực tiếp từng lá rau dưới vòi nước chảy.

Mọi người không nên ăn rau sống quá thường xuyên. Trẻ em, người già, phụ nữ mang thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch nên tránh ăn rau sống. Nấu chín là cách tốt nhất để tiêu diệt những mầm bệnh.

(Nguồn: Very Well Health, Singapore Food Agency, The Pharmaceutical Journal)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại