Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm, có thể đe doạ tính mạng sau vài giờ xảy ra. Nguyên nhân thường là do tắc nghẽn đột ngột mạch máu nuôi tim.
Khi cơ tim hoàn toàn không được cung cấp máu, thì cơ vùng cơ tim ấy sẽ bị hoại tử, dẫn đến các triệu chứng như đau ngực dữ dội, khó thở. Bệnh nhẹ hay nặng sẽ tuỳ thuộc vào số cơ tim bị huỷ.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cứ mỗi 34 giây lại có một trường hợp bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim, cứ 1 phút trôi qua lại có một trường hợp tử vong trên thế giới.
Ở Việt Nam, số người thiệt mạng mỗi năm vì nhồi máu cơ tim là rất lớn, đặc biệt các nạn nhân đang ngày càng trẻ hóa.
Các bác sĩ cho biết đa số người bị tim mạch không thấy đau dữ dội. Khi được hỏi, họ nói rằng chỉ hơi tức ngực, khó ở trong người.
Nhưng đôi khi tim vẫn có những dấu hiệu "xi nhan" nhưng không phải ai cũng để ý và thường bỏ qua những dấu hiệu này.
Theo các chuyên gia tim mạch, bất kể là nguyên nhân gì, trong vòng 30 ngày hoặc ít hơn trước khi xảy ra một cơn đau tim, người bệnh thường xuất hiện những triệu chứng cảnh báo.
Với những người mới chớm bị bệnh, theo dõi chặt chẽ huyết áp và cholesterol. Sau đó, hãy đừng quên đi khám bác sĩ nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu tiềm ẩn khác dưới đây.
1. Đau ngực hoặc đau nhức
Đau ngực là một dấu hiệu thường gặp ở bệnh tim mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh khác không thuộc tim mạch.
"Lúc đó, bạn có cảm giác như có một con voi đang đứng lên ngực của mình", Ashley Simmons, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Đại học Kansas (Mỹ) cho biết.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy đau ngực thì nên tới bác sĩ khám ngay để sớm phát hiện ra bệnh.
"Đây không phải là một cơn đau nhói. Cơn đau này có thể lan tỏa ra bả vai, cánh tay, cổ hoặc hàm. Phải cẩn thận nếu bị đau ngực thường xuyên hoặc sau khi tập thể dục, bị căng thẳng. Có thể là do việc lưu thông máu có vấn đề", Simmons nói.
2. Khó thở
Nếu hoạt động nhẹ nhàng mà cũng khiến bạn khó thở thì có thể tim đang gặp "rắc rối". Chưa hết, gặp triệu chứng này khi gắng sức, khi nằm, đặc biệt vào ban đêm khiến bạn tỉnh ngủ và ngồi dậy, bạn hãy nghĩ đến bệnh tim.
"Tôi luôn hỏi bệnh nhân về các hoạt động của họ trong mấy ngày vừa qua và yêu cầu họ so sánh với hoạt động của họ cách đây 1 hoặc 2 năm.
Nếu có sự những thay đổi lớn trong hơi thở, đó là một dấu hiệu báo sắp có chuyện xảy ra", bà Simmons nhận định.
Đau ngực là dấu hiệu cảnh báo đặc trưng nhất của một cơn nhồi máu cơ tim.
3. Các triệu chứng giống như cúm
Cảm giác buồn nôn hoặc mệt mỏi, hoặc bị cảm lạnh có thể là báo hiệu dòng máu đến não không được cung cấp đầy đủ.
Khi không vận động và không khí xung quanh không quá nóng, mà bạn vẫn bị đổ mồ hôi quá nhiều, điều này báo hiệu một cơn đau tim sắp đến.
Rối loạn tiêu hóa cũng là một dấu hiệu không thể bỏ qua. Các nhà nghiên cứu phát hiện một số phụ nữ bị chứng khó tiêu vài ngày trước khi xảy ra một cơn đau tim. Nhưng họ không liên hệ sự việc này với bệnh tim.
4. Choáng váng
Cảm giác đầu lúc nào cũng lâng lâng hoặc chóng mặt có thể là một dấu hiệu tắc nghẽn dòng máu tới cơ tim. Càng chính xác hơn khi kèm theo đó là tim đập mạnh (hay đánh trống ngực).
Một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Bắc Carolina (Mỹ) cho thấy cảm giác choáng váng khi đứng dậy nhanh cũng có thể là một dấu hiệu báo bệnh tim sắp đến.
5. Mệt mỏi hoặc mất ngủ
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Arkansas, nhiều phụ nữ cảm thấy mệt mỏi trong suốt một tuần, nhưng họ cứ nghĩ đó là do làm việc quá sức hoặc do thời tiết. Sau đó, họ đã bị lên cơn đau tim.
Không những thế, trước đó họ cũng bị "rối loạn giấc ngủ".
Các thao tác cần xử lý khi gặp trường hợp bị nhồi máu cơ tim
Nếu bắt gặp một người có biểu hiện như cơn đau thắt ngực đột ngột, kéo dài hơn 30 phút, đau như bóp nghẹt phía sau xương ức hoặc vùng trước tim, có thể kèm theo vã mồ hôi, khó thở, bạn hãy cảnh giác đó là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Dưới 2 tiếng kể từ khi có triệu chứng đau thắt ngực hoặc quỵ xuống đến lúc được can thiệp là thời điểm tốt nhất để cứu người bị nhồi máu cơ tim cấp. Bệnh nhân càng đến bệnh viện sớm, khả năng sống sót càng cao.
Lưu ý: Trong vòng 4 phút máu không được đưa lên não, người bệnh sẽ tử vong. Trong 8 phút máu không bơm đến tim, tim sẽ ngừng đập.
Dưới đây là những thao tác cần xử lý gấp khi gặp một người có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim.
- Gọi ngay xe cấp cứu 115.
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn và ngồi trong tư thế thoải mái nhất.
- Bình tĩnh và trấn an nạn nhân.
Những đối tượng có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao
- Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim, thậm chí còn có trường hợp mắc bệnh khi mới hơn 20 tuổi.
Điều này rất đáng báo động bởi đây là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây nguy hại đến tính mạng rất nhanh.
- Những người đã có tiền sử từng bị nhồi máu cơ tim.
- Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.
- Những bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực.
Cách phòng ngừa nhồi máu cơ tim
- Không hút thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Thay đổi chế độ ăn hàng ngày bằng cách tăng cường rau xanh, quả tươi, thay thế nguồn protein động vật bằng nguồn protein thực vật như súp lơ xanh, đậu tương… và cá.
Ngoài ra, bạn nên thay thế mỡ động vật bằng loại dầu thực vật, những loại dầu vốn không chứa cholesterol, được các nhà khoa học chứng minh về ích lợi cho tim mạch. Bạn nên tránh các thực phẩm chế biến hay đóng gói sẵn.
- Tập thể dục như là một thói quen mỗi ngày.
- Kiểm soát cholesterol máu (lipid máu) và huyết áp.
- Duy trì cân nặng lý tưởng.
* Tổng hợp từ nhiều nguồn