Cảnh báo tình trạng ngộ độc do uống rượu gây tử vong
Bệnh nhân Tống Anh D. (58 tuổi, trú tại Phố Vọng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị ngộ độc methanol đã tử vong do hàm lượng methanol quá cao. Người nhà không biết để đưa bệnh nhân đi cấp cứu sớm.
Người nhà bệnh nhân cho biết trước khi vào viện vài hôm, ông D. có kêu mệt, không ăn uống nhưng không chịu đi khám. Đến sáng 12/3, quá mệt nên gia đình đã đưa anh vào Bệnh viện Không quân (tại Trường Chinh - Hà Nội) để khám.
Lúc đó, bệnh nhân D. đã xuất hiện tình trạng hôn mê nên được đặt nội khí quản, thở máy và chuyển sang Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai ngay sau đó.
Ông D. làm nghề lái xe chuyên chở vật liệu xây dựng. Do có tiền sử nghiện rượu nên gia đình đã ngăn cản anh uống rượu tại nhà.
Tuy nhiên, để "thỏa mãn" cơn nghiện, anh đã giấu gia đình, lén uống ngoài quán. Người nhà cũng cho biết địa chỉ ông D. hay giấu gia đình để uống là quán nước trong ngõ gần cây xăng Quân đội (Ngã tư Trường Chinh - Giải phóng, chung cư Hòa Phát).
Các bác sĩ của trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, toan chuyển hóa nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được lọc máu thải độc, đặt nội khí quản, thở máy, điều trị tích cực.
Tuy nhiên do ngộ độc quá nặng (hàm lượng methanol lên tới gần 150mg/dL) nên dù dã được cấp cứu kịp thời, khẩn trương nhưng bệnh nhân vẫn đi vào hôn mê sâu.
Kết quả chụp MRI não cho thấy não bị tổn thương nặng và bị xuất huyết 2 bên. Được các thầy thuốc giải thích tiên lượng xấu, không có khả năng hồi phục nên chiều 13/3, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.
Không chỉ ông D. mà rất nhiều người bệnh giống ông D. uống rượu mà người thân không biết. Chỉ đến khi có các dấu hiệu như mệt mỏi, mờ mắt bệnh nhân được đưa đi khám mắt và nhanh chóng chuyển sang cấp cứu chống độc.
Những dấu hiệu nhận biết người bị ngộ độc rượu
Thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên – phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết nhiều trường hợp, người thân cũng không biết bệnh nhân bị ngộ độc rượu vì đa số bệnh nhân đều giấu.
Nhưng với kinh nghiệm cấp cứu chống độc, các bác sĩ cho biết thấy bệnh nhân có dấu hiệu mờ mắt, toan chuyển hóa nặng là nghĩ ngay tới ngộ độc methanol.
Biểu hiện ngộ độc methanol không diễn ra ngay mà từ vài tiếng thậm chí kéo dài dến 30 tiếng sau mới có dấu hiệu.
Bệnh nhân uống với rượu có chứa ethanol thì thời gian ngộ độc càng lâu hơn bởi do các tác nhân hóa học khiến thời gian xuất hiện biểu hiện ngộ độc lâu hơn.
Biểu hiện của ngộ độc methanol nhiều khi giống với người say nên có những người uống rượu xong ngủ li bì đến khi người nhà phát hiện thì đã tử vong.
Đa số bệnh nhân lúc đến viện thường tỉnh táo và kêu đau đầu, chóng mặt, sau đó quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật.
Dấu hiệu ở thị lực là nặng nhất, lúc đầu chưa biểu hiện, sau đó nhìn mờ, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm,...).
Trường hợp đồng tử phản ứng kém với ánh sáng, soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc.
Người bệnh có nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu, huyết áp thường bình thường cho đến khi tử vong. Trước khi có các biện pháp điều trị đặc hiệu như hiện nay, bệnh nhân thường tử vong do ngừng thở.