Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng "trên đe dưới búa" của châu Âu

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mặc dù tình hình hiện tại rất căng thẳng, nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu theo hướng hạ nhiệt, ngay cả từ phía Washington.

Ngày 28/7/2019, Ủy ban hỗn hợp về Thoả thuận hạt nhân Iran (JCPOA) gồm đại diện các nước Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức và Iran đã họp tại Vienna dưới sự chủ trì của Tổng thư ký đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid. 

Đây là cuộc họp cấp chuyên gia chuẩn bị cho cuộc họp cấp Bộ trưởng trong thời gian tới nhằm cứu vãn thoả thuận hạt nhân đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 1.

Cuộc họp Vienna diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở vùng Vịnh, không chỉ trong quan hệ giữa Tehran và Washington, mà cả Iran với Vương quốc Anh, khi hai nước này đang giam giữ tàu của nhau và Mỹ đưa ra ý định thành lập một liên minh quốc tế nhằm đảm bảo an toàn cho giao thông đường thủy tại vùng Vịnh và eo biển Hormuz.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 2.

Cuộc họp giữa nhiều bên về tình hình thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Reuters

Trong tình hình như vậy, những người tham gia hội nghị đã tuyên bố "quyết tâm duy trì thoả thuận hạt nhân JCPOA và cho rằng việc thực hiện các cam kết và huỷ bỏ các biện pháp trừng phạt chống Iran là hai bộ phận chính của thoả thuận." 

Tuyên bố cũng khẳng định "các nước sẽ tiếp tục thảo luận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, coi việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Iran là một phần thiết yếu của thoả thuận", đồng thời bày tỏ hoàn toàn ủng hộ các dự án hạt nhân Arak và Fordo của Iran, nhấn mạnh trách nhiệm chung trong việc đảm bảo tính chất hoà bình của chương trình hạt nhân Iran".

Thỏa thuận hạt nhân ký giữa Iran với các nước P5+1 năm 2015 là một thoả ước quốc tế và Mỹ chỉ là một bên ký kết. Vì vậy, sau khi Mỹ rút tháng 5/2018, các quốc gia ký kết khác, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU) là những nước đã có rất nhiều nỗ lực để đạt được thoả thuận vào năm 2015 vẫn có thể tiếp tục duy trì thoả thuận này.

Đầu năm 2017 sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống của nước Mỹ, Washington đã từng rút khỏi Toà án công lý quốc tế (ICJ), Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Hội đồng nhân quyền (URC), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP-21), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... thì các thoả thuận này vẫn được thực hiện mà không có Mỹ.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 3.

Châu Âu đang bị kẹt giữa hai dòng nước, một mặt chịu sức ép của Mỹ là đồng minh chiến lược và mối quan hệ hợp tác to lớn trong tất cả các lĩnh vực, mặt khác phải thực hiện cam kết trong Thoả thuận JCPOA đã ký với Iran, khiến quan điểm của họ ở trong tình trạng "một bước tiến, hai bước lùi".

Chính vì vậy, các nước châu Âu rất muốn giữ thoả thuận hạt nhân, đưa ra cơ chế tài chính INSTEX để duy trì quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Iran, nhưng đến nay vẫn không thực hiện được do áp lực của Mỹ.

Tehran tỏ ra sẵn sàng thực hiện Thoả thuận JCPOA với châu Âu. 

Tuy nhiên, trong khi các nước châu Âu đòi Iran tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thỏa thuận này thì họ phải tìm cách tránh xa lệnh trừng phạt của Mỹ và phải hiểu được tình hình căng thẳng leo thang tại vùng Vịnh và việc kêu gọi thành lập một liên minh với sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau để đảm bảo an ninh hàng hải là một trong những hậu quả của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Khả năng châu Âu cứu vãn thỏa thuận hạt nhân JCPOA đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Iran trong việc kích hoạt cơ chế tài chính INSTEX để làm giảm gánh nặng của các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Iran.

Chính sách của châu Âu hiện nay là tìm cách cố giữ Iran trong Thoả thuận JCPOA, ít nhất cho đến khi hội tụ đủ các điều kiện để tổ chức một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran. 

Thực chất cuộc khủng hoảng hiện nay là giữa Washington và Tehran chứ không phải giữa Iran và châu Âu, vì vậy nếu không có đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Iran thì sẽ không thể làm giảm được tình hình căng thẳng hiện nay và cũng không thể giải quyết được tận gốc các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân và các hồ sơ liên quan đến Iran.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 5.

Bầu không khí căng thẳng ở vùng Vịnh và eo biển Hormuz hiện nay đang đẩy khu vực này đến bên bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự không ai mong muốn. 

Ý tưởng thành lập liên minh của Mỹ hoặc châu Âu để đảm bảo an toàn cho tàu bè qua lại vùng Vịnh là rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được, vì chắc chắn sẽ gặp phải các hành động phản đối cứng rắn của Tehran.

Mục đích chính của ý tưởng này không phải để bảo vệ an toàn cho tàu bè các nước mà là nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran, buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện của Mỹ.

Hàng chục năm nay, tàu bè của các nước qua lại vùng Vịnh và eo biển Hormuz đều không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. 

Tình hình mất an ninh và ổn định ở khu vực này chỉ mới xuất hiện kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran tháng 5/2018 và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, trong đó có việc cấm Iran xuất khẩu dầu và ngăn cản tàu bè của Iran đi lại trên các vùng biển quốc tế.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 6.

Tàu chở dầu di chuyển qua eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 7.

Mặc dù tình hình hiện tại rất căng thẳng, nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu theo hướng hạ nhiệt, ngay cả từ phía Washington. Theo nhiều nguồn tin, các cố gắng trung gian hoà giải gần đây của Oman giữa Iran và Mỹ đang có một số tiến triển tích cực. Mức độ căng thẳng gần đây trong khu vực có vẻ dịu đi hơn đôi chút.

Trước 2015, mặc dù quan điểm giữa Mỹ và Iran lúc đó rất xa nhau, Oman đã đưa được hai bên ngồi vào bàn đàm phán và đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, mặc dù tình hình khó khăn hơn, nhưng Muscat vẫn đang tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa hai nước.

Chuyến đi của Ngoại trưởng Youssef bin Alawi đến Tehran lần thứ hai trong vòng hai tháng nay kể từ cuộc xung đột leo thang giữa Iran và Mỹ và sau đó là cuộc khủng hoảng với Anh về việc bắt giữ tàu chở dầu của nhau tại Eo biển Gibraltar và Eo biển Hormuz. Các nhà quan sát chính trị đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm này của Bin Alawi. 

Các thành viên trong đoàn cho biết có nhiều dấu hiệu tích cực về kết quả của chuyến thăm và cho đây có thể là một bước ngoặt lớn trong quá trình giải quyết quan hệ khủng hoảng giữa Iran với Anh và Mỹ. 

Nhiều nguồn tin nói rằng trong những ngày tới có thể các tàu của Anh và Iran hiện bị giam giữ sẽ được thả, coi như bước đầu tiên trong việc tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng.

Dấu hiệu mới từ Mỹ, Iran và nỗ lực thoát khỏi tình trạng trên đe dưới búa của châu Âu - Ảnh 8.

Một trong những hồ sơ quan trọng nhất trong chuyến thăm của Bin Alawi đến Tehran là liên quan đến căng thẳng đang gia tăng giữa Mỹ và Iran. Bin Alawi mang trong cặp của mình một số đề nghị của phía Mỹ, trong đó có việc "sẵn sàng dỡ bỏ lệnh trừng phạt" để bước vào đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng. 

Về phần mình, Iran đang tỏ quan tâm ở mức cao nhất đối với các cố gắng trung gian của Bin Alawi.

Các nguồn tin từ Tehran chi biết, tuy chưa công bố, nhưng Iran tỏ ra lạc quan về kết quả chuyến thăm Tehran lần này của Bin Alawi và triển vọng hoà dịu giữa Mỹ và Iran.

Trong một diễn biến hiếm hoi khác, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố "sẵn sàng đến Tehran" để nói chuyện trực tiếp với người dân Iran. Tổng thống Iran Hassan Rouhani là một trong những người đầu tiên chức mừng tân Thủ tướng Boris Johnson của Anh, người đã đến thăm Tehran và đóng góp tích cực vào việc đạt được Thoả thuận JCPOA khi còn là Ngoại trưởng. 

Ông Boris Johnson ngay sau khi nhậm chức cũng đã tuyên bố "các vấn đề trong quan hệ với Iran chỉ có thể giải quyết được bằng con đường ngoại giao."

Tổng thống Trump là một người thực dụng có thể đi tới bất cứ thoả thuận nào đảm bảo được lợi ích tối đa của Mỹ. 

Một số nguồn tin thân cận với chính quyền Oman tiết lộ, trong thời gian tới đây sẽ có những bước đi thực tế góp phần làm giảm căng thẳng. Đến nay, Washington có thể đã hiểu được rằng họ không thể đối đầu quân sự mãi với Tehran trong khi vấn đề hoàn toàn có khả năng giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại