Theo tiến sĩ Nigel Best, phát ngôn viên của Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe thị giác Specsavers, tầm nhìn bị mờ là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường.
Trang Harvard Health cho biết, khi một người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu tăng cao quá mức có thể làm hỏng các mạch máu ở võng mạc. Các mạch máu bị tổn thương này sẽ xuất hiện tình trạng chảy dịch, xuất huyết, dẫn tới không cung cấp đủ oxy cho võng mạc và gây ra thiếu máu cục bộ ở võng mạc. Điều này khiến các tế bào võng mạc không thể hoạt động bình thường.
Ngoài ra, bệnh tiểu đường còn gây tổn thương trực tiếp đến các tế bào thần kinh của võng mạc. Các tác động này xảy ra cùng lúc có thể gây ra bệnh võng mạc tiểu đường, làm ảnh hưởng tới khả năng nhìn của mắt.
Khi bệnh võng mạc tiểu đường ở giai đoạn tiến triển, mắt có thể xuất hiện một số dấu hiệu như thay đổi thị lực đột ngột, nhìn mờ, nhìn thấy đốm hoặc mảng tối, giảm tầm nhìn vào ban đêm hoặc đột ngột mất thị lực.
Tầm nhìn bị mờ có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường.
Bệnh võng mạc tiểu đường không chỉ gây ảnh hưởng đến thị lực mà còn có thể làm tăng nguy cơ mù lòa nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu khác cảnh báo bệnh tiểu đường
Ngoài các vấn đề về thị lực, người mắc bệnh tiểu đường cũng có thể xuất hiện 1 số dấu hiệu nhận biết khác. Chẳng hạn như:
- Liên tục khát nước: Khát nước liên tục dù đã uống nước thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Điều này là do lượng đường (glucose) tích tụ nhiều trong máu, thận phải tăng cường hoạt động để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể dẫn đến chất lỏng từ các mô cơ thể cũng bị mất theo.
- Đi tiểu nhiều: Đây là kết quả của việc thận lấy thêm nước ra khỏi các mô để làm loãng lượng đường dư thừa trong máu và loại bỏ đường qua nước tiểu.
- Mệt mỏi: Lượng đường trong máu cao nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng và gây ra tình trạng mệt mỏi.
- Giảm cân bất thường: Tình trạng này là do cơ thể không thể chuyển hóa và sử dụng lượng đường trong máu để tạo năng lượng.
- Thường xuyên cảm thấy đói: Khi mắc bệnh tiểu đường loại 2, lượng đường trong máu tăng cao ngăn cản các tế bào sử dụng lượng glucose đó để làm năng lượng. Để bù đắp lượng nhiên liệu thiếu hụt, cơ thể tạo ra tín hiệu đói liên tục, ngay cả khi đã ăn uống đầy đủ.
Các chuyên gia khuyến cáo ngay khi thấy các tình trạng bất thường ở mắt đi kèm với các dấu hiệu bất thường kể trên mọi người nên đi khám sớm để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.