Tôi biết tới T. vào năm ngoái, vì đang bối rối về mối quan hệ hiện tại, không biết "lựa chọn" sao cho đúng, sau khi nghe xong lời khuyên từ người thân tới bạn bè mà vẫn không đưa ra được quyết định, cậu ấy đã tìm tới tôi để được tư vấn tâm lý.
T. là một người thành công trong sự nghiệp, hơn 30 rồi vẫn chưa kết hôn, trước đó cậu ấy dành hết thời gian cho công việc, sau khi sự nghiệp có thành tựu, cậu ấy nhận được sự mến mộ của hai cô gái. Mỗi một cô gái đều có những ưu và khuyết điểm riêng, nên lựa chọn ai làm bạn đời của mình, điều này khiến cậu lưỡng lự không thể đưa ra quyết định. Bởi lẽ, suy nghĩ thực sự của T. là: kết hợp ưu điểm của hai cô gái lại, chỉ chấp nhận ưu điểm, không chấp nhận khuyết điểm! Điều này xuất phát từ chính tâm lý "cầu toàn" của cậu ấy.
T. đã đi chưng cầu ý kiến của rất nhiều người, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, muốn nghe xem suy nghĩ của họ để tập hợp lại rồi đưa ra lựa chọn, nhưng mỗi người đều chỉ đứng từ góc độ của mình để nhìn nhận vấn đề, không ai thực sự có thể buông bỏ quan điểm của mình để cảm nhận đứng từ góc độ của người khác. Điều này càng khiến T. lúng túng hơn, đặc biệt là sau khi nói chuyện này với ba mẹ, ba thì muốn T. chọn cô A, trong khi mẹ lại ưng cô B. hơn, ba mẹ thậm chí còn cãi nhau vì điều này, khiến T. càng khó xử hơn, lại bắt đầu nghĩ xem nên làm sao để hóa giải mâu thuẫn giữa ba mẹ…
Tăng Quốc Phiên, một Nho gia nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Lợi khả cung nhi bất khả độc, mưu khả quả nhi bất khả chúng".
Ý muốn nói: về mặt lợi ích, ai cũng muốn có cả, nếu chiếm lợi ích làm của riêng, không chia sẻ với mọi người, vậy thì nhất định sẽ rước thù ghét vào thân, thậm chí trở thành kẻ thù của chung. Vì vậy, khi đối mặt với những chuyện liên quan tới lợi ích, phải biết cách cân bằng giữa được và mất.
Trong mưu hoạch, đưa ra quyết định, nhất định phải có chủ kiến của bản thân, chứ không thể cùng mọi người đưa ra quyết định. Nói đơn giản thì là, chuyện mưu kế, quyết định là chuyện quan trọng, không cần thương lượng với mọi người. Bởi lẽ người biết mưu hoạch ắt có con mắt, tầm nhìn, quan điểm hơn người, nhắm chuẩn rồi thì cứ đi làm là được rồi, không cần chia sẻ với ai, tránh làm lộ kế hoạch rồi rước thêm vào những chuyện không hay. Hơn nữa, nếu gặp phải người không đủ kiến thức, tầm nhìn hạn hẹp, so đo tính toán, đố kị, họ chưa chắc đã hiểu và tán đồng với suy nghĩ của bạn.
7 miệng 8 lưỡi sẽ làm lung lay ý chí của bạn, cũng sẽ phá hỏng đi sự tự tin và tâm lý của bạn. Hơn nữa, đứng từ góc độ tâm lý mà nói, tập thể thường không có tinh thần trách nhiệm, người khác có thể đưa ra ý kiến, nhưng họ không phải chịu trách nhiệm về ý kiến này, bạn là người làm, suy cho cùng vẫn cần bạn chịu trách nhiệm, vậy hà cớ gì việc gì bạn cũng phải đi chưng cầu ý kiến của người khác.
Hơn nữa, người mà chuyện gì cũng đi hỏi ý kiến người khác là một người có tính ỷ lại vô cùng mạnh mẽ. Con người ta khi đã hình thành nên tâm lý ỷ lại, sẽ rất dễ mất đi chính kiến, không muốn tự mình đưa ra quyết định, cho rằng nếu mình không đưa ra quyết định, mình sẽ không cần phải chịu trách nhiệm, chẳng may có xảy ra vấn đề, cứ đổ lỗi cho người khác là được.
Làm sao để khiến bản thân trở nên tự tin hơn? Cái gọi là tự tin, trước tiên, bạn phải tin vào chính mình. Tin vào chính mình có nghĩa là làm việc theo chính kiến của mình, biết mình muốn gì, muốn trở thành người ra sao.
Làm sao để có chính kiến?
1. Hình thành nên thói quen "suy nghĩ" độc lập
Thông qua một vài phân tích trên, có thể thấy, người không có chính kiến thường không giỏi "suy nghĩ", họ có thói quen trực tiếp lấy suy nghĩ của người khác ra để dùng. Trông thì có vẻ như là ỷ lại, nhưng trên thực tế, đây là một sự lười biếng về mặt tinh thần. Bởi lẽ bạn hỏi người khác, nhờ người khác cho ý kiến, chính là đang bảo người khác giúp bạn suy nghĩ vấn đề, nếu không thêm tư duy của mình vào, vậy há chẳng phải là lười biếng ư? Hình thành cho mình thói quen "tư duy" độc lập, mới giúp bạn có chính kiến hơn.
2. Dám đối mặt với vấn đề và khó khăn
Người không có chính kiến thường sợ đối mặt với vấn đề, đặc biệt là khi gặp phải khó khăn, họ không biết phải làm sao, hi vọng người khác có thể đề xuất cho mình cách giải quyết.
Chẳng hạn như khi lái xe mà gặp phải tai nạn nhỏ, người đầu tiên họ gọi không phải cảnh sát giao thông hay công ty bảo hiểm mà là một người họ tin tưởng hoặc có kinh nghiệm để hỏi xem nên làm thế nào, hi vọng người này có thể giúp mình giải quyết vấn đề.
Cá nhân tôi khi mới học lái ô tô cũng vậy, mặc dù tự lái xe rất vui vẻ, nhưng khi xảy ra tai nạn nhỏ, tôi luôn gọi người thân tới giúp đỡ, không dám đối diện với vấn đề, sợ chịu trách nhiệm. Sau này phát hiện ra: bất kể bạn có tìm ai, trách nhiệm của bạn, bạn vẫn phải tự mình gánh lấy, không phải của bạn, tất nhiên bạn cũng không cần phải mang vác. Sau này, tôi luôn tự mình đối mặt với mọi vấn đề, tất nhiên cũng có xin lời khuyên của người khác, nhưng nó luôn ở một chừng mực nhất định, và quan trọng nhất là, cuối cùng, tôi vẫn là người đưa ra quyết định và chịu mọi trách nhiệm với nó.
3. Kiên trì học hỏi
Không có chính kiến, một nguyên nhân khác nữa là vì không hiểu. Mà không hiểu thì là vì tri thức không đủ, mà đã không đủ thì phải dành nhiều thời gian đi học tập từ trong sách vở, học hỏi từ thế giới xung quanh, khi bạn đã khá chuyên nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, bạn sẽ có những quan điểm và chính kiến riêng của mình.
Mong bạn có thể chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, và cũng mong rằng những quyết định mà bạn đưa ra, đều là những quyết định đúng đắn và thích hợp nhất cho chính bản thân bạn!