Tích lũy tài sản không phải là điều có thể làm được trong một sớm một chiều; đó là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ và tiết kiệm. Tuy nhiên, việc thất thoát tiền bạc lại thường diễn ra chỉ trong một vài khoảnh khắc.
Nhiều người lao động vất vả kiếm tiền nhưng tài khoản tiết kiệm vẫn chẳng thấm vào đâu. Nguyên nhân chủ yếu là do họ tiêu xài không biết kiểm soát, thậm chí còn không biết tiền bạc của mình đang đi đâu.
Dưới đây là bốn thói quen xấu trong chi tiêu khiến bạn dễ dàng bị thất thoát tài chính. Hy vọng bạn không gặp phải một trong số chúng!
1. Xã giao vô nghĩa
Có người từng nói: "Không cần phải mời quá nhiều người vào cuộc đời mình."
Việc gặp gỡ và giao lưu với quá nhiều người không chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi mà còn phát sinh nhiều chi phí không cần thiết từ việc duy trì những mối quan hệ vô nghĩa. Chẳng hạn, để thể hiện bản thân, nhiều người không ngần ngại tranh giành việc thanh toán khi đi ăn với bạn bè, chỉ để được nể trọng. Ngoài ra, để xây dựng các mối quan hệ, họ còn tặng quà cho những người không xứng đáng, thậm chí là cho vay tiền.
Thực tế, không phải mối quan hệ nào cũng có giá trị và việc đầu tư vào những người không xứng đáng có thể dẫn đến tình trạng tài chính bần cùng. Trong thế giới người lớn, xã giao luôn cần phải có sự đối ứng và trao đổi. Nếu bạn không có đủ sức mạnh tài chính, việc chi tiền sẽ chỉ là tiêu tốn sức lực của bản thân.
2. Đầu tư mù quáng
Người ta thường nói: "Người giàu biết cách khiến tiền đẻ ra tiền." Chỉ chăm chỉ làm việc khó có thể giúp bạn đạt được tự do tài chính. Hiểu biết về đầu tư và quản lý tài chính, sắp xếp vốn hợp lý mới là cách giúp bạn bảo toàn và gia tăng giá trị tiền bạc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Họ thường nghe theo lời khuyên trên mạng hoặc từ bạn bè để quyết định đầu tư vào cổ phiếu hay quỹ một cách ngẫu hứng. Hậu quả thường dẫn đến những thương vụ thua lỗ, tiền bạc chắp cánh mà đi.
Một số người khác lại cho rằng chỉ cần đầu tư cho bản thân thì luôn có lãi, vì thế họ có thể mua thẻ tập gym hoặc đăng ký các khóa học trực tuyến. Nhưng khi tiền đã chi ra, nhiều người lại không sử dụng hết các giá trị của nó.
Đầu tư không phải là mua sắm một cách mù quáng, mà là chi tiền để nhận lại sự phát triển thực sự và hiệu quả.
3. Tiêu xài bừa bãi
Để tiết kiệm, bạn cần phải bắt đầu từ những chi tiêu nhỏ nhất. Nếu bạn tiêu xài bừa bãi và không kiểm soát các khoản chi hàng ngày, dù thu nhập có cao đến đâu, bạn vẫn khó có thể tích lũy được một số tiền đủ để tạo cảm giác an toàn cho bản thân.
Chẳng hạn, nhiều người không có thời gian nấu ăn nhưng vẫn thường mua những món đồ như lò nướng, máy xay... chỉ vì bị cuốn vào các quảng cáo trực tuyến hấp dẫn trên mạng xã hội. Một số khác lại chi nhiều hơn dự kiến chỉ vì các chương trình khuyến mãi, hay để quên việc hủy gia hạn các dịch vụ mà họ không còn sử dụng.
Việc không quan tâm đến những khoản chi nhỏ có thể dần dần tạo thành những chi phí lớn và khiến bạn thất thoát tài chính mà không hay biết. Do đó, hãy giữ cho bản thân lý trí, lập kế hoạch trước và chỉ chi tiêu cho những gì thực sự cần thiết để có thể tích lũy dần dần.
4. Tâm lý so sánh
Trong "Lễ Ký" - một quyển trong bộ Ngũ Kinh của Khổng Tử - có câu: "Tiêu theo thu nhập."
Cách tiêu dùng khôn ngoan là dựa vào mức thu nhập để quyết định mức chi tiêu. Tuy nhiên, rất nhiều người bị cuốn vào tâm lý so sánh và chạy theo hình thức, luôn muốn có những thứ mà người khác có. Họ có thể có thu nhập chỉ vài triệu, nhưng vẫn muốn sống một cuộc sống sang trọng, luôn giữ diện mạo bóng bẩy.
Việc đắm chìm trong vật chất và luôn so sánh với người khác chỉ khiến họ phải tiêu xài không kiểm soát, mắc nợ. Những món đồ xa xỉ như mỹ phẩm cao cấp, quần áo thương hiệu nổi tiếng hay những bữa ăn đắt đỏ đều khiến họ phải sử dụng thẻ tín dụng, vay mượn để duy trì cuộc sống đầy áp lực.
Nên nhớ rằng, trên đời này luôn có người sống tốt hơn và người sống tồi tệ hơn bạn. Hầu hết những gì bạn thấy chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài mà không thấy được những khó khăn phía sau. Thay vì luôn cố gắng so sánh và tiêu xài một cách bừa bãi, hãy sống theo nhịp sống của riêng bạn, tiêu dùng hợp lý và đạt được sự giàu có về cả vật chất lẫn tinh thần.