Kết quả kiểm tra hoàn thuế cuối tháng 2/2016 của Formosa Hà Tĩnh, cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Công ty đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là Formosa Hà Tĩnh đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu cơ quan chức năng địa phương phát hiện ra các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh ngay trong quá trình xây dựng đầu tư nhà máy.
Vào tháng 5/2015, Cục Hải Quan Hà Tĩnh cũng đã phát hiện việc DN này cố tình nâng giá trị công trình thông qua các nhà thầu nước ngoài và nâng giá trị hàng hóa nhập khẩu thi công công trình lên tới 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, kể từ năm 2013 đến nay, một loạt những sai phạm khác liên quan đến vấn đề đóng thuế của Formosa Hà Tĩnh cũng đã được phát hiện.
Là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất cả nước về vốn đăng ký đầu tư, gần 10,6 tỷ USD, dự án thép Formosa Hà Tĩnh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của miền trung nói chung và riêng tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.
Tuy nhiên, những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng dự án đã không khỏi đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở Việt Nam không?
Những dấu hiệu vi phạm liên tục trong khi xây dựng đã đặt ra câu hỏi liệu tập đoàn Formosa có đang cố tình tìm mọi cách để thực hiện hành vi chuyển giá ở Việt Nam không?
Trong một văn bản gửi Tổng Cục Hải quan năm 2015, Cục Hải quan Hà Tĩnh thậm chí còn nêu thẳng vấn đề rằng cơ quan này “nhận thấy có những vấn đề nghi vấn về việc chuyển giá, nâng giá máy móc thiết bị nhập khẩu nhằm nâng chi phí đầu vào” của Formosa Hà Tĩnh.
Nhận định trên được đưa ra sau khi Cục Hải quan Hà Tĩnh phát hiện các trường hợp nâng giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn giá trị thực.
Ví dụ được cơ quan hải quan Hà Tĩnh đưa ra là trong một tờ khai ngày 7/10/2014, Formosa Hà Tĩnh có nhập khẩu bộ phận “Vỏ của thiết bị lọc bụi trọng lực, lắp đặt dạng tháo rời với trị giá là hơn 1,63 triệu USD.
Trong khi đó, trị giá của thiết bị này được khai báo trong đăng ký danh mục miễn thuế lại chỉ hơn 1,47 triệu USD. Như vậy đã có sự chênh lệch trị giá hơn 154 nghìn USD.
Mặc dù Formosa Hà Tĩnh đã đưa ra lời giải thích do thời gian đăng ký danh mục miễn thuế và thời gian nhập khẩu cách xa nhau dẫn đến sự chênh lệch về giá, nhưng Cục Hải quan Hà Tĩnh vẫn đặt vấn đề nghi vấn Formosa Hà Tĩnh khai tăng giá trị hàng hóa để chuyển giá.
Thực tế việc thu hút một dự án đầu tư quy mô lớn như Formosa Hà Tĩnh vào Việt Nam có thể nói là điều cần thiết, đặc biệt là Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất những sản phẩm thép dùng cho các ngành công nghiệp mà Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu.
Mới đây nhất, Formosa đã tuyên bố sẽ lui thời điểm khánh thành nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã được dự kiến trong mùa hè này, trong bối cảnh dự án này đang bị thanh tra về các vấn đề liên quan đến môi trường.
Nhưng có một điều chắc chắn rằng Formosa Hà Tĩnh vẫn sẽ hoạt động, bởi số tiền mà tập đoàn này cùng các đối tác như China Steel và JFE Steel đã đổ vào đây là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, những nghi vấn này lại đặt ra câu hỏi phải quản lý và giám sát thế nào để Việt Nam có thể tận dụng được dự án này một cách hiệu quả nhất lại đang là vấn đề hóc búa.