Nam bệnh nhân 37 tuổi, đến bệnh viện khám với lý do trong 3 tháng gần đây liên tục có tình trạng rối loạn đại tiện như: Đầy bụng, đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng, xì hơi nhiều, ợ hơi liên tục, tiêu chảy... Kết quả thăm khám, nội soi dạ dày phát hiện bị ung thư dạ dày giai đoạn sớm.
Bệnh nhân được chỉ định thực hiện kỹ thuật cắt tách niêm mạc qua nội soi. Sau can thiệp, bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt là loại bỏ được tế bào ung thư sớm, bảo tồn nguyên vẹn dạ dày.
Theo bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an), nam bệnh nhân nói trên được phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, nghĩa là tổn thương ung thư tại lớp niêm mạc, chưa xâm lấn qua lớp dưới niêm mạc của dạ dày và không có sự di căn hạch.
"Một trong những phương pháp can thiệp ít xâm lấn, hiện đại giúp điều trị triệt để ung thư dạ dày là nội soi can thiệp cắt tách niêm mạc dạ dày. Đây cũng là phương pháp ưu việt giúp loại bỏ sớm tế bào ung thư, bảo tồn dạ dày cho người bệnh"- bác sĩ Dũng nói.
Chia sẻ tại hội nghị khoa học "Tiến bộ trong nội soi cắt tách niêm mạc (ESD) đường tiêu hóa" ngày 25-10, PGS-TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, cho biết ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư chiếm tỉ lệ cao nhất tại Việt Nam. Trước đây, mỗi tuần bệnh viện phát hiện 1-2 trường hợp mắc ung thư tiêu hóa và 80-90% trường hợp đến khám bị ung thư tiêu hóa đều đã di căn.
Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật và sự hợp tác với các chuyên gia của nhiều nước, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư tiêu hóa cũng như ung thư dạ dày có sự cải thiện đáng kể. Điều trị sớm, can thiệp sớm đã giúp tỉ lệ tử vong do bệnh lý tiêu hóa giảm tại Việt Nam thời gian qua.
"Ung thư dạ dày tiến triển từ lớp niêm mạc ở dạ dày rồi xâm lấn xuống thành mạc dạ dày. Khi phát hiện bất thường ở lớp niêm mạc dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cắt dưới niêm mạc để xử lý tổn thương mà vẫn bảo tồn nguyên vẹn ống tiêu hóa, không làm thay đổi cấu trúc, sinh lý tự nhiên của cơ thể"- PGS Tuyền nói.
Để phát hiện ung thư dạ dày sớm, các chuyên gia tiêu hóa khuyến cáo nhóm đối tượng nguy cơ cao nên tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh. Đó là người trên 50 tuổi, người có yếu tố gia đình; người thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều đồ chiên rán, đồ cay nóng...
Tuỳ thuộc vào bệnh lý, bác sĩ sẽ có chỉ định người bệnh bao lâu thì nên nội soi một lần. Tuy nhiên, với người khỏe mạnh, không có triệu chứng và không có yếu tố nguy cơ cao, nên nội soi dạ dày định kỳ 2-3 năm một lần.
Nếu bị nhiễm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày mạn tính, không có bất thường trong dạ dày nên đi tái khám nội soi 2 năm/lần.
Những dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày cần lưu ý:
Đầy tức bụng: Đau liên quan tới bữa ăn, giảm khi dùng các thuốc điều trị loét.
Chán ăn: Mất cảm giác thèm ăn
Sụt cân nhiều cân trong thời gian ngắn, kèm theo cảm giác luôn no, chán ăn buồn nôn, mệt mỏi thì đó có thể là cảnh báo ung thư dạ dày.
Nôn ra máu; ợ chua, đầy bụng sau khi ăn.
Đi ngoài phân màu bất thường: Phân đen hoặc trong phân thường xuyên có máu.