Dấu hiệu bất thường ở tay và chân cảnh báo đường huyết đang tăng ở mức nguy hiểm

Lam Chi |

Triệu chứng này có thể là dấu hiệu cho thấy dây thần kinh của bạn đang bị tổn thương bởi đường huyết cao.

Bệnh thần kinh ngoại biên là một biến chứng có thể phát triển ở những người mắc bệnh tiểu đường. Khi lượng đường huyết tăng cao hoặc không được kiểm soát kéo dài sẽ khiến cho các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Tình trạng này sẽ gây ra các triệu chứng ngứa ran ở bàn tay và bàn chân.

Ngoài tăng đường huyết, còn nguyên nhân nào dẫn tới ngứa bàn tay/chân?

Ngứa ran ở bàn tay và/hoặc bàn chân thường được mô tả là cảm giác như kim châm hoặc cảm giác nóng rát. Đây có thể là một biến chứng của bệnh tiểu đường nhưng cũng có thể là hậu quả của nhiều vấn đề sức khỏe khác như:

Nhiễm trùng hoặc chấn thương

Các chấn thương, ví dụ như gãy xương, có thể dẫn tới tổn thương tại các dây thần kinh xung quanh điểm chấn thương. Một số chấn thương có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên là tai nạn giao thông, chấn thương thể thao, phẫu thuật hoặc thủ thuật về y tế.

Một số bệnh truyền nhiễm cũng có thể dẫn tới tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Các bệnh này thường là thủy đậu, zona, herpes, lyme, HIV,...

Dấu hiệu bất thường ở tay và chân cảnh báo đường huyết đang tăng ở mức nguy hiểm - Ảnh 1.

Ngứa ran bàn chân có thể là dấu hiệu cảnh báo đường huyết tăng cao (Ảnh: Getty)

Rối loạn mạch máu

Hệ thống tĩnh mạch và động mạch chịu trách nhiệm vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng tới tất cả các cơ quan trong cơ thể. Khi hệ thống này bị tổn thương sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả các bộ phận còn lại. Tiểu đường, hút thuốc lá, huyết áp cao, mỡ máu cao đều là những vấn đề về mạch máu có thể dẫn tới bệnh thần kinh ngoại biên.

Bệnh tự miễn

Viêm nhiễm có thể khiến các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương. Tình trạng viêm nhiễm rất dễ gặp ở những người mắc bệnh tự miễn.

Bệnh tự miễn là bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công chính các cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả các dây thần kinh.

Các bệnh tự miễn có thể dẫn tới bệnh thần kinh ngoại biên gồm lupus, hội chứng Sjogren (tổn thương các tuyến sản xuất độ ẩm, khiến việc sản xuất nước mắt và nước bọt trở nên khó khăn), hội chứng Guillain- Barre (hệ thống miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên do tưởng nhầm là nhiễm trùng), viêm đa dây thần kinh hủy myelin mạn tính (mất mô mỡ bao quanh và bảo vệ dây thần kinh, ảnh hưởng đến dây thần kinh ngoại biên), viêm khớp.

Rối loạn chuyển hóa

Tổn thương dây thần kinh có thể là biến chứng của một số tình trạng mất cân bằng về chuyển hóa như mất cân bằng nội tiết tố, thiếu vitamin B12 và B6, bệnh thận, bệnh gan, nghiện rượu, tiếp xúc với chất độc hại.

Dấu hiệu bất thường ở tay và chân cảnh báo đường huyết đang tăng ở mức nguy hiểm - Ảnh 2.

Đường huyết cao có liên quan tới các bệnh về thận (Ảnh: ST)

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị y tế có thể gây ra tình trạng tổn thương dây thần kinh, ví dụ như hóa/xạ trị ung thư.

Bệnh thần kinh ngoại biên cảnh báo đường huyết tăng cao nghiêm trọng

Bệnh thần kinh ngoại biên thường xuất hiện ở giai đoạn muộn của bệnh lý tiểu đường. Khi đường huyết tăng cao kéo dài kèm theo mỡ máu tích tụ nhiều sẽ làm tổn thương dây thần kinh. Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ, có tới một nửa số người mắc bệnh tiểu đường phát triển một số dạng bệnh lý về dây thần kinh.

Đặc biệt, những người bị tiểu đường có đi kèm các tình trạng như béo phì, bệnh thận, huyết áp cao, mỡ máu cao, nghiện rượu, hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh thần kinh ngoại biên cao hơn.

Thông thường, bệnh nhân tiểu đường nếu mắc bệnh thần kinh ngoại biên sẽ có triệu chứng tê nhẹ ở bàn tay hoặc bàn chân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tổn thương có thể lan ra các khu vực ngoài bàn tay, bàn chân như liệt dạ dày, hạ huyết áp tư thế đứng (một hình thức của huyết áp thấp xảy ra khi đứng lên từ ngồi hoặc nằm), rối loạn cương dương.

Chính vì thế, để giảm nguy cơ phát triển bệnh thần kinh ngoại biên, những người có đường huyết cao nên kiểm soát tình trạng của mình, đồng thời tránh các yếu tố nguy cơ gia tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Dấu hiệu bất thường ở tay và chân cảnh báo đường huyết đang tăng ở mức nguy hiểm - Ảnh 3.

Kiểm soát đường huyết để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm (Ảnh: ST)

Dấu hiệu khác của tiểu đường

Trong một buổi phỏng vấn với tờ Express (Anh), TS Deborah Lee - chuyên gia của Dr Fox Online Pharmacy, cho biết bệnh tiểu đường có thể gây ra một số triệu chứng khác ở chân và tay, đó là:

- Tê

- Nổi các mụn nước không đau

- Xuất hiện những vòng tròn màu nâu trên da

- Nấm da

Dấu hiệu bất thường ở tay và chân cảnh báo đường huyết đang tăng ở mức nguy hiểm - Ảnh 4.

Thường xuyên khát nước là dấu hiệu thường gặp của tiểu đường (Ảnh: ST)

Ngoài các triệu chứng ở tay và chân, tiểu đường đặc trưng bởi các dấu hiệu khác như:

- Giảm cân không rõ nguyên nhân

- Mệt mỏi

- Thường xuyên bị nhiễm trùng

- Khô miệng

- Hay khát nước

- Đi tiểu thường xuyên hơn

- Ngứa da

- Có những mảng sẫm màu trên da cổ, nách hoặc háng

- Thay đổi thị lực, mờ mắt

- Rối loạn chức năng cương

Tiểu đường đang được coi là vấn nạn sức khỏe trên toàn cầu. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm tới tim, não, thận,... nhưng nhiều người lại chỉ phát hiện được bệnh khi đã có những biến chứng nguy hiểm. Do đó, mỗi chúng ta hãy có một lối sống khoa học và đi khám sức khỏe định kỳ để có những can thiệp kịp thời, bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại