Shailja Ambrose (bên trái) và em gái Neerja Patel (bên phải).
Một người phụ nữ tên Shailja Ambrose (40 tuổi), Mỹ bị ngã quỵ trong nhà vệ sinh, được đồng nghiệp phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu. Cô được chẩn đoán bị phình mạch não, túi phình bị vỡ dẫn đến tình trạng xuất huyết mạch máu não, tuy nhiên Ambrose cho biết trước đó, cô không hề có bất kỳ triệu chứng nào cả. Ambrose đã được cấp cứu kịp thời và tiến hành điều trị trong 2 tuần, tình trạng sức khỏe của cô dần ổn định.
Neerja Patel, em gái của Ambrose kể lại: “Khi chăm sóc cho chị gái, tôi thậm chí còn không biết gì về bệnh phình mạch não. Nhưng khi tìm hiểu về bệnh, tôi nhận thấy rằng bệnh của chị gái có cơ hội sống sót cực kỳ mong manh nếu như không được điều trị kịp thời”.
Tiến sĩ Omar Syed, bác sĩ giải phẫu thần kinh ở New York, Mỹ cho biết chứng phình mạch não, là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu. Khi máu chảy lên não, áp suất sẽ đẩy phần mạch suy yếu và khiến khu vực này căng ra, tương tự như bơm căng một quả bóng bay.
Chứng phình mạch não, là sự phình to của một phần thành mạch máu não tại nơi thành mạch máu bị yếu.
Triệu chứng của phình mạch não
Bác sĩ Syed cho biết phần lớn tình trạng phình mạch không gây ra triệu chứng cho đến khi người bệnh bị vỡ túi phình. Các trường hợp có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn túi phình chưa vỡ đa phần là do người bệnh đi khám ngẫu nhiên
Biến chứng của phình mạch máu não thường là xuất huyết dưới nhện hoặc đột quỵ xuất huyết não. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh dễ gặp các biến chứng khác như:
- Co thắt mạch não: Khi máu chảy từ túi phình bị vỡ sẽ tiếp xúc với mạch máu bình thường gây kích thích dẫn đến co thắt mạch máu. Co thắt mạch nặng có thể gây ra tình trạng thiếu máu não sẽ dẫn đến đột quỵ hoặc tử vong.
- Não úng thủy: Do máu từ túi phình vỡ và chảy vào não thất, làm tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy dẫn đến ứ trệ dịch não tủy và gây nên não úng thủy. Hậu quả là áp lực trong sọ sẽ tăng lên, có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
- Các biến chứng khác bao gồm: phù não, động kinh, hội chứng tăng tiết ADH bất thường (SIADH), phù phổi do thần kinh, các rối loạn tim mạch.
Bác sĩ Syed cho biết, trong trường hợp bị xuất huyết, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội;
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Căng cứng phần cổ;
- Nhìn mờ;
- Yếu và/hoặc tê liệt một phần cơ thể;
- Mất ý thức.
Đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu của túi phình mạch máu não bị vỡ, gây xuất huyết.
Các chuyên gia khuyến cáo khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu kể trên, người bệnh nên đi khám ngay lập tức để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Ai dễ mắc phình mạch não?
Một số yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ phình mạch não hoặc vỡ phình mạch chẳng hạn như:
- Tuổi tác: Chứng phình mạch não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chúng phổ biến hơn ở người lớn trong độ tuổi từ 30 đến 60;
- Hút thuốc lá: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ hình thành chứng phình mạch não và khiến túi phình dễ bị vỡ;
- Mắc xơ vữa mạch máu, huyết áp cao: Tình trạng này có thể làm suy yếu các động mạch, tăng nguy cơ hình thành chứng phình mạch và khiến các túi phình dễ bị vỡ;
- Uống nhiều rượu, sử dụng ma túy: Điều này cũng có thể làm tăng huyết áp.
- Tiền sử gia đình bị phình mạch não: Những người có tiền sử gia đình, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình (cha mẹ, anh, chị em hoặc con cái) bị phình mạch não có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bác sĩ Syed lưu ý, những người có tiền sử gia đình mắc phình mạch não cần theo dõi và kiểm tra 5 năm/lần.
Bác sĩ Syed nói: “Thêm nữa, mọi người cũng cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc uống rượu, thay vào đó hãy xây dựng chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh”.