Đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất?

Trà Khánh |

Những hình ảnh trực tiếp từ Quảng trường Thiên An Môn cho thấy, các tổ hợp tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn siêu thanh DF-17 của Quân đội Trung Quốc đã có thể đưa vào trực chiến.

Như được dự đoán trước đó, trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, lực lượng tên lửa chiến lược nước này (hay lực lượng pháo binh số 2) đã lần đầu tiên công khai các tổ hợp tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh DF-17 trước công chúng.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới công khai sở hữu tên lửa đạn đạo mang đầu đạn siêu thanh ở trạng thái chiến đấu, điều tưởng chừng chỉ có hai cường quốc tên lửa hàng đầu thế giới như Nga hoặc Mỹ mới dám làm.

Theo như tuyên bố của truyền thống Trung Quốc trước đó, các tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-17 phải đến năm 2020 mới chính thức được trang bị, nhưng với sự xuất hiện của 16 tổ hợp DF-17 trên Quảng trường Thiên An Môn vào sáng nay 1/10 đã ít nhiều cho thấy dòng tên lửa này đã được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất? - Ảnh 1.

Cận cảnh đầu đạn siêu thanh trên tên lửa DF-17, vũ khí tương lai của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Trung Quốc. Ảnh: CCTV.

Như vậy, cột mốc 2020 đưa DF-17 vào trang bị của Trung Quốc có thể đã thay đổi, bởi thời điểm hiện tại Bắc Kinh hoàn toàn có thể đưa các tổ hợp DF-17 này vào trực chiến.

Dựa trên các thông tin về DF-17 hiện tại, đây là tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung có thể triển khai đồng thời đầu đạn hạt nhân và đầu đạn siêu thanh. Toàn bộ tổ hợp được đặt trên xe khung gầm đặc chủng có khả năng cơ động cao và có thể được triển khai từ bất kỳ đâu.

Mặc dù có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, thế nhưng vai trò chính của tên lửa DF-17 sẽ là triển khai vũ khí tấn công siêu thanh ở cấp độ chiến thuật trong biên chế lực lượng pháo binh số 2 của Trung Quốc, bởi nếu muốn sử dụng đòn tấn công hạt nhân Bắc Kinh có nhiều sự lựa chọn khác tốt hơn DF-17.

Đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất? - Ảnh 2.

Một số hình ảnh về tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-17 trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Thiên An Môn vào sáng 1/10. Ảnh: CCTV.

Đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất? - Ảnh 3.

Ảnh: CCTV.

Đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất? - Ảnh 4.

Ảnh: CCTV.

Còn điểm khiến đầu đạn siêu thanh của DF-17 trở nên đặc biệt chính là việc nó có thể thay đổi mục tiêu trong suốt hành trình bay, tức nó có thể lựa chọn một mục tiêu khác để tấn công thay cho mục tiêu ban đầu.

Một bài viết được đăng trên tờ South China Morning Post cho biết, tên lửa DF-17 được tích hợp một hệ thống dẫn đường phức tạp, cho phép điều chỉnh quỹ đạo bay theo lệnh từ trung tâm điều khiển. Nghĩa là tên lửa có thể có khả năng tấn công các mục tiêu đang di chuyển, chẳng hạn như một tàu sân bay.

Trong khi đó, tầm tác chiến hiệu quả của DF-17 với đầu đạn siêu thanh được dự đoán sẽ từ 2.000-3.000km.

Như vậy, Quân đội Trung Quốc giờ đây đã có thể sở hữu một tên lửa đạn đạo diệt hạm mới, được đánh giá còn nguy hiểm hơn cả DF-21D. Bởi dựa trên các số liệu của Trung Quốc, đầu đạn siêu thanh DF-17 không thể bị phát hiện hay đánh chặn.

Theo nhiều chuyên gia phân tích quân sự, DF-17 sẽ là mối đe dọa lớn đối với các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở châu Á – Thái Bình Dương, khi từ lâu chúng đã bị xem là đối tượng tác chiến chính của DF-21D. 

Mặc khác, việc sử dụng một loại vũ khí tấn công phi hạt nhân như DF-17 sẽ cho Trung Quốc nhiều sự lựa chọn hơn trong việc đối phó với tàu sân bay Mỹ hay các mối đe dọa từ bên ngoài.

Cận cảnh lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 Quốc khánh nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại