1. "Viên đạn cuối cùng. Không khí xung quanh anh như đông cứng lại. Mọi người nín thở. Viên đạn cuối cùng trĩu nặng. Treo trên nó là niềm tự hào của quê hương, của dân tộc. Anh bóp cò. 9 điểm. Huy chương vàng với đúng 1 điểm cách biệt.
Với phát súng cuối cùng của mình, Hứa Hải Phong không chỉ đem về cho Trung Quốc tấm huy chương vàng Olympic đầu tiên, mà đấy còn là phát súng tuyên bố với cả thế giới rằng họ có thêm một đối thủ mạnh mẽ và tham vọng trên đấu trường Olympic".
Trên đây là đoạn trích trong câu chuyện được đưa vào sách giáo khoa tiểu học Trung Quốc, về giây phút xạ thủ Hứa Hải Phong đem về chiếc huy chương vàng Olympic đầu tiên về cho tổ quốc tại Thế vận hội Los Angeles 1984 - 34 năm về trước.
Để rồi từ đó, Trung Quốc khởi đi ở đấu trường Olympic, và giờ đây đã là một thế lực "nghiêng trời lệch đất" ở đấu trường thể thao thế giới. Để rồi, sau thành công của Olympic Bắc Kinh 10 năm trước, trong một buổi giao lưu trực tuyến, một quan chức thể thao Trung Quốc đã hồ hởi khoe:
"Thế vận hội giờ như một bữa tiệc, nơi mọi người đánh bài, cười đùa vui vẻ. Rồi một con bạc chuyên nghiệp xuất hiện và vét sạch tiền trong túi người khác".
"Con bạc chuyên nghiệp" được nhắc đến ấy, chính là Trung Quốc, với tham vọng đứng đầu thế giới về thể thao. Và phát đạn cuối của Hứa Hải Phong ngày ấy là "hòn đá tảng kê chân" đầu tiên cho tham vọng được biến thành hiện thực ấy.
Nhưng đáng tiếc, bóng đá Trung Quốc không có được "phát đạn cuối cùng" của Hứa Hải Phong năm nào. Chưa một lần, đội tuyển Trung Quốc tạo được dấu ấn lớn lao trên đấu trường châu lục, chứ chưa nói là quốc tế, như Hàn Quốc, như Nhật Bản. Và hiện tại, dẫu cho có được sự đầu tư cực lớn, nhưng bóng đá Trung Quốc vẫn chỉ mãi trăn trở với những định hướng mông lung, mịt mù.
2. Trên con đường đồng hành cùng bóng đá Việt Nam, có lẽ rất khó để chọn ra được "phát đạn cuối cùng" mà HLV Park Hang-seo cùng đội tuyển Việt Nam đem lại cho nền bóng đá Việt Nam. Bởi những khoảng khắc ấy... nhiều quá.
Là những khoảnh khắc trải dọc suốt hành trình đi đến chức Á quân U23 châu Á, kết thúc bằng cú "vẽ cầu vồng" của Quang Hải trên tuyết trắng Thường Châu.
Quang Hải lập siêu phẩm đá phạt vào lưới U23 Uzbekistan
Là khoảng khắc U23 Việt Nam đả bại Nhật Bản trên đấu trường Asiad, bằng bàn thắng rất sớm của Quang Hải.
Là trận chung kết làm vỡ òa niềm vui trên sân Mỹ Đình, đem về chức vô địch AFF Cup sau chẵn 10 năm chờ đời, không phải bằng khoảnh khắc xuất thần của Công Vinh ngày nào, mà đĩnh đạc đả bại một Malaysia đầy sức mạnh và quyết tâm, để khẳng định vị thế số 1 của thầy trò HLV Park Hang-seo ở giải đấu này.
Sau những mịt mù, hoang mang dưới thời HLV Hữu Thắng, mỗi khoảnh khắc quyết định mà HLV Park Hang-seo đem lại, lại khẳng định thêm một điều rằng bóng đá Việt Nam thực sự có tiềm năng, thực sự có thực lực, thực sự đủ sức mạnh để vươn mình ra biển lớn. Niềm tin ấy, cũng như chiếc huy chương vàng Olympic của Hứa Hải Phong ngày nào, sẽ là "viên đá kê chân" cho thành công của bóng đá Việt Nam trong tương lai.
Ở nước Anh xa xôi, Man United vừa thắng hai trận tưng bừng khi được trao vào tay HLV Solskjaer. Chẳng phải sự thay đổi chiến thuật của nhà cầm quân người Na Uy đem lại những chiến thắng ấy, mà nó đến từ việc ông cởi bỏ được sự trói buộc về mặt tâm lý cho các cầu thủ, thổi bùng niềm tin mà Mourinho vốn dĩ đã dập tắt ở các học trò của mình.
Dĩ nhiên, sơ đồ chiến thuật, lối chơi mà HLV Park Hang-seo tạo ra ở đội tuyển Việt Nam là cực kỳ hợp lý và đáng học hỏi, tuy nhiên cũng như Solskjaer, nhà cầm quân người Hàn Quốc này làm được cái điều mà HLV Hữu Thắng chưa bao giờ làm được, ấy là thổi niềm tin, cởi trói tâm lý cho các cầu thủ của mình, khiến những đôi chân ấy bon hơn, khi trái tim đầy ắp tình yêu hơn.
Nếu như HLV Park Hang-seo rời Việt Nam, đấy sẽ là một quyết định hợp lý. Không chỉ bởi dừng chân ở đỉnh cao, để rồi mở ra cho mình một cơ hội khác tốt hơn, cầm quân ở một đội bóng mạnh hơn, với chế độ đãi ngộ tốt hơn chẳng hạn, mà còn ở lời dặn dò của HLV Guus Hiddink với người trợ lý cũ của mình.
Ngày ông Park sang Việt Nam, Guus Hiddink căn dặn người trợ lý cũ của mình rằng phải thắng bằng được, bất kể chỉ là một trận giao hữu, bởi: "Nếu anh thua, thì cầu thủ sẽ không còn tin anh nữa, người ta sẽ không còn tin anh nữa".
Chẳng ai có thể chiến thắng mãi được, kể cả đó là đội tuyển Việt Nam trong tay HLV Park Hang-seo. Rồi những thất bại sẽ tới, và chắc hẳn với những điều được thu thập, cảnh báo từ công ty quản lý mình, HLV Park Hang-seo đã hình dung được búa rìu dư luận sẽ đổ ụp xuống đầu mình thế nào vào lúc ấy. Ngồi "chiếc ghế nóng" ở đội tuyển Việt Nam, chưa bao giờ là điều dễ dàng và dễ chịu.
Người ta nói đùa rằng, sở dĩ Solskjaer thành công với Man United, là bởi anh trải qua phần lớn sự nghiệp cầu thủ của mình... trên băng ghế huấn luyện, bên cạnh Sir Alex Ferguson.
Thực ra điều này có phần đúng, cũng như các cầu thủ Việt Nam, và các trợ lý người Việt của ông Park Hang-seo, được làm việc với nhà cầm quân người Hàn Quốc này là cơ hội để họ lĩnh hội được những bí quyết, những bài học để thành công cùng đội tuyển Việt Nam.
Không chỉ là sự khoa học trong huấn luyện, sự gần gũi, nhưng cực kỳ nghiêm khắc với các cầu thủ, mà ở đấy còn là những bài học đắc nhân tâm, những quyết định, những lời nói thổi được tinh thần chiến binh vào các học trò, để họ chiến đấu quên mình vì thầy trên sân. Đấy mới là thứ mà bóng đá Việt Nam "lãi" nhất từ HLV Park Hang-seo.
Có thể rất nhanh, cũng có thể rất lâu nữa HLV Park Hang-seo mới rời Việt Nam. Nhưng dẫu có thế nào, cũng nên mong vào một HLV người Việt sẽ lĩnh hội được những điều khiến nhà cầm quân người Hàn này đưa bóng đá Việt Nam đến thành công, thay vì phải "xóa bài làm lại" với một HLV ngoại khác, đặt cược tương lai như Man United đã từng tin tưởng Mourinho.