1. Biến cố đầu tiên là quyết định sa thải HLV Ernesto Valverde vào ngày 13/1, sau trận thua 2-3 trước Atletico Madrid tại bán kết Siêu cúp Tây Ban Nha. Người kế nhiệm là Quique Setien. Có ba luồng thông tin từ vụ việc này, và tất cả đều bất ổn.
Thứ nhất, thành viên Hội đồng quản trị Barca bức xúc vì Chủ tịch Josep Maria Bartomeu sa thải Valverde quá muộn. Thứ hai, ngược lại, Messi và nhiều cầu thủ Barca cảm thấy tiếc nuối vì Valverde bị sa thải. Thứ ba, liên quan đến tân HLV Quique Setien, vị chiến lược gia này chỉ là lựa chọn thứ ba sau Xavi và Koemann.
Thậm chí có thể nói là 3,5, nếu tính cả việc Barca đã tiếp cận Pochettino. Như vậy, có thể nói Setien chỉ là lựa chọn bất khả kháng. So về uy tín và danh tiếng, vị chiến lược gia 61 tuổi này đều thua kém 3 người trước, nhưng Barca không thuyết phục được bất kỳ ai.
Biến cố thứ hai xảy ra vào ngày 5/2. Trong một lần tham gia trả lời phỏng vấn, Eric Abidal, Giám đốc thể thao Barca bóng gió về việc một số cầu thủ bất mãn và lười nhác trong tập luyện, dẫn đến việc BLĐ quyết định sa thải Valverde.
HLV Quique Setien chỉ là sự lựa chọn "thứ 3,5" của Barcelona.
Ngoài ra, Abidal còn "khuyến mãi" thêm thông tin Barca không hề tiếp cận Xavi, nhưng đó là một câu chuyện khác. Trở lại với vụ Abidal, sau phát biểu của vị GĐTT, Messi lập tức đăng đàn chỉ trích người đồng đội cũ không nên vơ đũa cả nắm như vậy, dễ gây ức chế và ảnh hưởng uy tín của các cầu thủ, trong đó có bản thân siêu sao người Argentina.
Vì vụ việc này, Abidal đã phải kiểm điểm nội bộ nhưng chiếc ghế của cựu tuyển thủ Pháp vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, khi mà biến cố thứ hai chưa kịp lắng xuống thì biến cố thứ ba lại ập đến và hệ lụy còn ghê gớm hơn. Đó là vụ bê bối Barcagate.
Ngày 20/2, truyền thông Tây Ban Nha phát giác I3 Ventures, công ty truyền thông ký hợp đồng phát triển thương hiệu cho Barca, có những hành vi đánh bóng tên tuổi Chủ tịch Bartomeu đồng thời bôi xấu các biểu tượng của thánh địa Nou Camp, chẳng hạn như Pep Guardiola, Xavi, Pique và đặc biệt là Messi.
Trong đó, siêu sao người Argentina bị tố nhũng nhiễu để được hưởng lương cao, thế nên tài chính Barca khánh kiệt. Bartomeu một mực phủ nhận vụ việc nhưng Messi tiếp tục cho thấy sự cạn kiệt niềm tin vào vị lãnh đạo của Barca với phát biểu đầy hoài nghi.
"Tôi rất bất ngờ khi đọc được tin này. Thật quái gở vì những điều như thế này nhưng họ (truyền thông) cũng khẳng định họ có bằng chứng. Chúng ta sẽ phải chờ xem sự thật như thế nào. Tôi không thể nói gì thêm nữa. Dù vậy, tôi thực sự nghĩ rằng đây là một câu chuyện quái gở", siêu sao người Argentina cho biết.
Cho đến hiện tại, vụ bê bối Barcagate này vẫn đang được điều nghiên bởi ban kiểm toán độc lập nhưng Bartomeu đã có một hành động có thể nói là "thí tốt", khi đình chỉ công tác của vị trợ lý số một, Jaume Masferre (nhưng chuyện bất ngờ còn nằm ở phần sau).
2. Mọi chuyện tạm lắng xuống chưa đầy 1 tháng thì xảy ra biến bố thứ tư và liên quan đến Covid-19. Vì đại dịch hoành hành, bóng đá tạm dừng, doanh thu không còn, ngày 26/3, Barca buộc phải áp dụng biện pháp ERTE do chính phủ Tây Ban Nha ban hành, tức đơn phương giảm lương nhân viên trong trường hợp xảy ra biến cố lớn kiểu thiên tai, địch họa.
Mức cắt giảm Barca công bố là 70%, cao hơn hẳn các ông lớn tại châu Âu (chỉ dao động từ 20 đến 30%) và đại kình địch Real Madrid thậm chí còn giữ nguyên lương cho nhân viên. Điều này dấy lên hoài nghi về sức khỏe tài chính của đội chủ sân Nou Camp.
"Ngày xưa thân ái" này đã chẳng còn.
Vì chỉ mới đây thôi, trong báo cáo tài chính mùa 2018/19, Chủ tịch Bartomeu vỗ ngực tự hào khoe doanh thu 990 triệu euro, cao nhất thế giới bóng đá và đặt mục tiêu vượt mốc 1 tỷ euro ở mùa giải này. Để dễ so sánh, cùng kỳ, doanh thu của Real, cũng là đội có doanh thu cao thứ hai, chỉ là 757 triệu euro. 990 triệu euro, cắt lương 70%. 757 triệu euro, đảm bảo 100% lương. Mọi con số bỗng trở nên thật châm biếm.
Nhưng châm biếm hơn nữa là biến cố thứ năm, cũng liên quan đến vụ giảm lương. Trước khi Barca công bố giảm lương, báo giới đưa tin BLĐ đội bóng xứ Catalan buộc phải tự quyết định, do không đạt được thỏa thuận với các cầu thủ. Nguyên nhân rất rõ ràng là Messi và đồng đội không chịu giảm lương.
Tuy nhiên chỉ 4 ngày sau tuyên bố giảm lương của BLĐ Barca, Messi và đồng đội đồng loạt đăng tải tâm thư trên mạng xã hội để thể hiện sự đồng lòng chống dịch, trong đó tuyên bố chủ động cắt giảm 70% lương để hỗ trợ đội bóng vượt qua giai đoạn khó khăn, đồng thời trích thêm 2% lương để đảm bảo cho các công nhân viên được hưởng 100% lương.
Một lần nữa, giữa BLĐ Barca và các cầu thủ lại nảy sinh điều tiền hậu bất nhất, cho thấy hố sâu khăn cách trong mối quan hệ giữa đôi bên.
Và trong hai ngày qua, biến cố thứ sáu và cũng là biến cố lớn nhất từ trước đến nay tại Nou Camp xảy đến. Đó là một cuộc tranh giành quyền lực trong bộ phập chóp bu của Barca hay có thể ví von là Game of Thrones - Cuộc chiến vương quyền.
Cụ thể, sau hàng loạt biến cố hay nói cách khác là bê bối, Bartomeu quyết định tái cơ cấu BLĐ, thanh trừng những phần tử chống đối và chỉ sử dụng những đàn em trung thành trong thời gian hơn 1 năm còn lại của nhiệm kỳ Chủ tịch Barca. Hai cái tên cộm cán nhất Bartomeu nhắm đến là Emili Rousaud, Phó chủ tịch phụ trách hành chính nhân sự và Enrique Tombas, Phó chủ tịch phụ trách tài chính kế toán.
Tuy nhiên, điều đang nói là trong quyền hạn của mình, Bartomeu chỉ có thể thuyên chuyển vị trí của các thành viên BLĐ chứ không thể miễn nhiệm. Thế nên, vị Chủ tịch của Barca đã gọi điện cho từng "cán bộ" để đưa ra lời khuyên từ chức.
Phó chủ tịch Emili Rousaud đang công khai chống lại chủ tịch Bartomeu.
Và thế là ông bị phản đòn bởi Rousaud, người vẫn được xem là ứng cử viên sáng giá nhất để kế nhiệm chức vụ Chủ tịch Barca của Bartomeu. Trả lời trên một đài phát thanh của xứ Catalan, Rousaud cho biết: "Bartomeu nói với tôi rằng ông ta muốn cơ cấu lại ban lãnh đạo và không tin tưởng một số lãnh đạo, trong đó có tôi.
Có những thông tin rò rỉ với truyền thông khiến các cầu thủ khó chịu và ông ta cảm thấy tôi xung khắc với các vị lãnh đạo khác. Tôi hiểu Bartomeu muốn bổ nhiệm những lãnh đạo khác, nhưng ông ta có thể chờ ba hay bốn tuần nữa để làm điều đó cơ mà. Tôi thất vọng về cách ông ta ứng xử", Phó chủ tịch Barca tiếp tục.
Chưa dừng lại, Rousaud bắt đầu tung hê những chuyện thâm cung bí sử của Barca. Đầu tiên là chuyện tay trợ lý Masferre của Bartomeu có thể chưa hề bị sa thải. Tiếp đến là sự bất thường trong việc Rousaud bị khuyên từ chức, bởi ông nằm trong ban kiểm toán độc lập vụ Barcagate và đang tiến hành kiểm tra chứng từ liên quan đến I3 Ventures.
Cuối cùng, là câu chuyện về cuộc họp ban lãnh đạo (Hội đồng quản trị) Barca vài tuần trước, tuy Bartomeu không bị kêu gọi từ chức nhưng đa số ý kiến kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. "Không ai thích bị phản đối, nhưng quy định cho phép tranh luận trong các cuộc họp", Rousaud.
Và như để thách thức Bartomeu, Rousaud tuyên bố sẽ không từ chức. Kịch hay vẫn còn ở phía trước. Chỉ có điều đây là vở kịch buồn, hay còn gọi là bi kịch. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, 6 biến cố hay nói cách khác là vụ bê bối như những mồi lửa dần thiêu rụi cả một đế chế hay kỷ nguyên huy hoàng.
Messi, đồng đội của anh và những người yêu mến đội bóng xứ Catalan không đáng bị như vậy. Cuộc chiến tranh quyền đoạt vị của đám thượng tầng thật phi nghĩa và đáng khinh. Thứ họ đáng nhận là những trận cầu cảm xúc, điều vốn đã thiếu trong mùa đại dịch.