Theo NASA, những loài vi sinh vật sống trên trạm vũ trụ bao gồm các loài vi khuẩn nguy hiểm tiềm tàng có thể gây bệnh, cùng với đó là một số loại nấm có thể ăn mòn trạm vũ trụ.
Tất nhiên sống giữa một môi trường như vậy trên Trái Đất sẽ rất nguy hiểm. Nhưng đây là không gian và chưa có một đánh giá chính xác về tác động của vi khuẩn và nấm đối với cơ thể người khi ở ngoài không gian.
Cụ thể các nhà nghiên cứu đã yêu cầu hai phi hành gia Terry Virts và Jeffrey Williams sử dụng khăn lau một loạt các bề mặt bên trong trạm vũ trụ ISS để thu thập mẫu vi khuẩn.
Mẫu khăn lau chứa vi khuẩn và nấm này sau đó được gửi về Trái Đất để tiếp tục kiểm tra tại Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở California, Mỹ.
Kết quả là các nhà khoa học phát hiện thấy khá nhiều loại vi khuẩn khác nhau trên ISS, bao gồm Staphylococcus, Enterobacteria và Methylobacteria.
Theo đánh giá, môi trường trên ISS có vẻ khá giống với các phòng tập thể hình, văn phòng, nhà ở hoặc bất kỳ nơi điển hình nào có con người sinh sống.
Trên thực tế, con người đã sống ở trên ISS suốt 20 năm qua nên không ngạc nhiên khi nơi đây có thể trở thành nơi lưu cữu rất nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Nhưng đó chưa phải là tất cả, nhóm nghiên cứu còn phát hiện thấy dấu vết của một số loại vi khuẩn nguy hiểm, ví dụ như Staph aureus, thường chỉ thấy ở trong các bệnh viện.
Bên cạnh những loài vi khuẩn nguy hiểm kể trên còn xuất hiện một số loại nấm đáng lo ngại. Chúng không những tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe trên người mà còn có thể ăn mòn các bức tường kim loại bảo vệ phi hành gia khỏi môi trường chân không ngoài vũ trụ.
Vậy các phi hành gia có cần lo lắng? Thành thật mà nói, giới khoa học cũng không thể chắc chắn về điều này. Nếu những loài vi khuẩn và nấm này xuất hiện trên Trái Đất thì có lẽ chúng đã trở thành mối nguy gây bệnh cho người rồi.
Tuy nhiên trong môi trường không gian, không rõ trọng lực có tác động như thế nào tới cơ chế gây bệnh và tác động của chúng với cơ thể người ra sao.
Nghiên cứu trên có thể là một cảnh báo đáng lo ngại nhưng cũng không hẳn là vấn đề quá lớn vì cơ chế miễn dịch của các phi hành gia có thể đã quen với các loại vi khuẩn hay nấm này.
Tiến sĩ Venkateswaran chia sẻ, ISS là một hệ thống kín, chịu tác động của vi trọng lực, phóng xạ, CO2 và tuần hoàn không khí thông qua các bộ lọc HEPA. Về cơ bản đây là môi trường khắc nghiệt nhưng cũng là nơi phù hợp để sản sinh ra một số loại vi khuẩn.
Các nhà khoa học kỳ vọng kết quả từ nghiên cứu trên sẽ được áp dụng để cải thiện và nâng cao môi trường sống cho các phi hành gia NASA trong tương lai.
Tham khảo Popular Mechanics