Đau bụng, mệt mỏi
Trường hợp bệnh nhân Đ.V.H. nam 31 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội vào viện vì nuốt nghẹn, gầy sút cân.
Anh H. cho biết trước vào viện 2 tháng bệnh nhân thấy đau bụng thượng vị từng cơn, đau tăng khi đói. Sau xuất hiện nuốt nghẹn tăng dần, đầu tiện khi ăn sau thấy nghẹn khi cả uống nước, buồn nôn và nôn sau ăn no, đầy bụng chậm tiêu, gầy sút cân kèm có đại tiện phân đen từng đợt.
Tuy nhiên, anh ngại đi khám vì nghĩ rối loạn tiêu hóa và cũng với tâm lý khám bệnh thêm lo anh cố chịu chỉ đến khi có cảm giác nuốt nghẹn, gầy sút cân anh mới đến bệnh viện.
Khi vào viện, bác sĩ khám cho anh H. thấy bụng mềm không chướng, sờ thấy khối chắc vùng bụng thượng vị, phân sẫm màu, đau âm ỉ cột sống thắt lưng không lan, hạn chế nhẹ vận động cúi và xoay lưng.
Nội soi thực quản- dạ dày: U sùi loét tâm vị dạ dày chảy máu, gây hẹp đèn soi khó đi qua, đã bấm sinh thiết tổ chức u làm xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả sinh thiết: ung thư biểu mô tuyến típ kém biệt hóa. Lúc này, bệnh ung thư dạ dày của anh H. đã di căn hạch ổ bụng, xương giai đoạn T4N1M1.
Các bác sĩ đã phẫu thuật mở thông dạ dày để nuôi dưỡng và tiến hành điều trị hóa chất, qua ba đợt điều trị hóa chất, tình hình bệnh của anh H. cải thiện rõ rệt
Tiến sĩ, Bác sĩ Đào Việt Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi Bệnh viện Đại học Y cho biết tại trung tâm nội soi của bệnh viện một tuần các bác sĩ gặp khoảng 8 – 10 bệnh nhân bị ung thư dạ dày trong đó có những bệnh nhân phát hiện khi ở giai đoạn muộn. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân còn trẻ bị đau bụng kéo dài, nôn ói mới đi kiểm tra thì đã phát hiện ung thư dạ dày.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn của bệnh ung thư dạ dày lớn. Có khoảng 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn
Đau thượng vị dấu hiệu của ung thư dạ dày
Nguyên nhân của ung thư dạ dày được xác định có sự góp mặt của vi khuẩn Helicobacter pylori- HP. Tại Việt Nam vi khuẩn này phổ biến chiếm 90 % dân số. Chính vì thế, khám và điều trị HP được xem là yếu tố giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày.
Ngoài ra, còn các nguyên nhân như viêm dạ dày mãn tính. Những người hút thuốc lá, uống bia rượu cũng tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Các yếu tố ăn uống như thức ăn nhanh, ăn đồ muối mặn cũng góp phần thúc đẩy yếu tố ung thư dạ dày.
4 dấu hiệu nhận biết
Thứ nhất: Người bệnh buôn nôn do thức cảm giác buồn nôn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân có thể nôn ra máu.
Thứ hai: Đau vùng thượng vị đây là dấu hiệu của đau dạ dày người bệnh không nên chủ quan.
Thứ ba: Bệnh nhân có dấu hiệu sụt cân bất thường do ăn uống không được, đi đại tiện phân đen.
Thứ tư người bệnh thấy đầy bụng, khó tiêu: Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày.
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày thường khó phát hiện. Những bệnh nhân phát hiện bệnh sớm thường qua khám định kỳ. Còn lại là bệnh nhân phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn tiến triển.
TS Hằng cho biết để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày phụ thuộc vào nội soi. Trước đây, nội soi thông thường chỉ ghi lại được 10 hình ảnh song kỹ thuật tiên tiến hiện nay cho phép chụp tối thiếu 50 hình đủ mọi góc cạnh, nhờ vậy bác sĩ cắt hớt niêm mạc dạ dày được triệt để hơn. Việc cắt hớt niêm mạc ngay tại chỗ ở giai đoạn sớm chỉ với 1-2 triệu đồng.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhưng nhờ nội soi sàng lọc sớm nên nhiều bệnh nhân phát hiện khi bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị tiên lượng cao mà chi phí rẻ. Chính vì thế khi có các dấu hiệu bất thường người bệnh nên tới bệnh viện kiểm tra.