Dấu ấn Quốc hội năm 2024 và những quyết sách hệ trọng quốc gia

Lê Hoàng/VOV.VN |

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khoá XV đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, kịp thời quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp.

Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 xác định mục tiêu tổng quát năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Nghị quyết quyết nghị đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, sớm hoàn thành các công trình, dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia, khai thác hiệu quả không gian phát triển mới.

Qua 2 Kỳ họp thứ 7 và thứ 8 Quốc hội khóa XV trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua các “Nghị quyết dấu ấn” với các dự án trọng điểm quốc gia.

Dấu ấn Quốc hội 2024 và quyết sách chiến lược quốc gia - Ảnh 1.

Dấu ấn Quốc hội năm 2024 và những quyết sách hệ trọng quốc gia (Ảnh: Media Quốc hội)

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bước đột phá chiến lược để đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Chiều 30/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với 443/454 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nhìn lại lịch sử, dự án đường sắt tốc độ cao đã trải qua 4 lần lập báo cáo nghiên cứu, trải dài trong gần 20 năm. Với tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD, đây là dự án chưa từng có tiền lệ trong lịch sử phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541km đường đôi, khổ 1.435 mm, công nghệ chạy tàu bằng điện khí hóa. Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), chạy qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), kết nối trực tiếp hai đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số lên đến khoảng 10 triệu người, 17 đô thị loại 1 có quy mô dân số từ 500.000 người trở lên, chưa kể các đô thị nhỏ hơn.

Trên toàn tuyến có sẽ được bố trí 23 ga khách với cự ly trung bình từ 50 - 70 km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hoá, phục vụ tốt hậu cần quốc phòng khi có nhu cầu.

Tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần “bàn làm không bàn lùi”, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH Quảng Nam) khẳng định, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Về thu hút đầu tư, Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH Đắk Nông) đề nghị quan tâm thu hút đầu tư tư nhân trong nước. Điều này vừa để giúp doanh nghiệp có cơ hội phát triển lớn mạnh, vừa để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nước ngoài, nội địa hóa mức tối đa, giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài.

“Trong nguồn lực huy động đầu tư cho dự án phải tính đến việc huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với một lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẵn sàng mua. Ngân sách chưa đủ thì đi vay nhưng vay trong dân thì tốt hơn vay nước ngoài vì lợi nhuận người dân sẽ hưởng. Điều quan trọng hơn cũng nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào các công trình quốc gia”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Dấu ấn Quốc hội 2024 và quyết sách chiến lược quốc gia - Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (Ảnh minh họa)

Tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng

Trong bối cảnh, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80GW, cần thêm khoảng 70GW đến năm 2030 và 400-500GW đến năm 2050. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác.

Do vậy, phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, trong đó, đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25/11/2024 của Chính phủ.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử.

Liên quan đến chính sách phát triển điện hạt nhân, theo Luật Điện lực (sửa đổi), quy hoạch phát triển điện hạt nhân phải gắn liền, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực để bảo đảm mục tiêu an ninh cung cấp điện. Luật Điện lực (sửa đổi) cũng quy định, Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành dự án nhà máy điện hạt nhân.

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận), để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng của quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, cần phải có lộ trình phát triển điện hạt nhân cụ thể, tránh làm lãng phí nguồn lực Nhà nước đã đầu tư.

Dấu ấn Quốc hội 2024 và quyết sách chiến lược quốc gia - Ảnh 3.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn ĐBQH Ninh Thuận). (Ảnh: Media Quốc hội)

Đại biểu Mỹ Hương cho rằng, với tỉnh Ninh Thuận, năng lượng tái tạo là trụ cột quan trọng số một trong quy hoạch tỉnh. Đây cũng là tiềm năng để phát triển năng lượng đã được Chính phủ xác định và là trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước theo Nghị quyết 115 năm 2018.

"Trong quá trình triển khai chiến lược phát triển điện, tôi kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm công nghiệp xanh, sạch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Ninh Thuận cũng như cho quốc gia trong phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới", đại biểu Mỹ Hương nói.

Áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt với dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Tại Kỳ họp thứ 7, với 464/469 đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), có tổng mức đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác năm 2027.

Dự án có chiều dài 128,8 km, chia thành năm dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư của dự án là 25.540 tỷ đồng.

Nêu ý kiến ủng hộ dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, các ĐBQH cho rằng, đây là đoạn đường có ý nghĩa quan trọng trong kết nối đường cao tốc, kết nối huyết mạch vùng Tây và Đông Nam Bộ, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tư dự án cao tốc sẽ giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở khu vực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ…

Dấu ấn Quốc hội 2024 và quyết sách chiến lược quốc gia - Ảnh 4.

Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). (Ảnh: Media Quốc hội)

Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), cho phép áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể, cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện Dự án đến hết năm 2026.

Cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và theo hướng dẫn của Chính phủ.

Trong giai đoạn triển khai thực hiện Dự án, Nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Quốc hội chốt lùi thời hạn hoàn thành sân bay Long Thành đến cuối năm 2026

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã tán thành nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Theo Nghị quyết, Quốc hội đồng ý giai đoạn một đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện dự án được kéo dài chậm nhất đến 31/12/2026 hoàn thành và đưa vào khai thác. Chính phủ được tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn một dự án theo thẩm quyền mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua.

Dấu ấn Quốc hội 2024 và quyết sách chiến lược quốc gia - Ảnh 5.

Dự án Cảng hàng không Long Thành. (Ảnh: Duy Phương)

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia. Đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai với diện tích 5.364ha và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách/năm. Dự án được chia thành 3 giai đoạn xây dựng: Giai đoạn 1 (2021-2025); giai đoạn 2 (2025-2030); giai đoạn 3 (2035-2040).

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 9/2026. Tuy nhiên, tại buổi kiểm tra công trình vào đầu tháng 12/2024, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, hoàn thành trước 31/12/2025 để chào mừng các sự kiện lớn của đất nước.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội khoá XV đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, kịp thời quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri, nhân dân và doanh nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại