Đặt tiền vào cổ phiếu HHS của Hoàng Huy, nhà đầu tư đã quá vội vàng?

Việc TCH lên sàn với giá chào sàn 15.000 đồng đang khiến nhà đầu tư có một kỳ vọng mạnh mẽ vào HHS. Nhưng các chuyên gia cho rằng, kỳ vọng này không có căn cứ.

3 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy đã tăng liên tục trong đó có 2 phiên tăng trần.

Đóng cửa ngày 21/09, HHS có giá 5.420 đồng. Như vậy, cổ phiếu ghi nhận mức tăng gần 20% từ đầu tuần – một mức tăng quá tốt khi HHS đã trải qua trọn 1 tuần giảm giá trước đó, với 3 phiên giảm sàn.

Đặt tiền vào cổ phiếu HHS của Hoàng Huy, nhà đầu tư đã quá vội vàng? - Ảnh 1.

Nhà đầu tư đã quá vội vàng khi đặt tiền vào HHS?

Có thể thấy động lực tăng giá cho HHS những phiên này là thông tin CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy chuẩn bị lên sàn vào ngày 05/10 tới đây với giá chào sàn 15.000 đồng/cp, mã cổ phiếu là TCH.

CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài Chính Hoàng Huy (TCF) đang sở hữu 29,81% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và dịch vụ Hoàng Huy (HHS) sau khi mua gần 13 triệu cổ phiếu HHS từ ông Đỗ Hữu Hậu – Thành viên HĐQT, con trai ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch HĐQT.

TCH cũng đang đăng ký mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu HHS để nâng tỷ lệ sở hữu lên 37,25% và tiến tới mục tiêu sở hữu tối đa 50% vốn điều lệ của HHS mà không cần chào mua công khai.

Tại sao thông tin này lại khiến nhà đầu tư “đặt tiền” vào HHS? Đó là vì một số ý kiến trên thị trường đang cho rằng khi Tài chính Hoàng Huy niêm yết, sẽ có “yếu tố” đẩy giá cổ phiếu HHS tăng nhằm giúp Tài chính Hoàng Huy ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động tài chính khi thời điểm cuối quý 3/2016 – thời điểm để chốt số liệu lập báo cáo tài chính quý 3 đã đến gần.

Theo dữ liệu giao dịch của HHS, gần 13 triệu cổ phiếu HHS trao tay giữa ông Đỗ Hữu Hậu và Tài chính Hoàng Huy được giao dịch thỏa thuận với mức giá bình quân hơn 6.000 đồng, trong khi giá cổ phiếu HHS hiện tại vẫn chỉ hơn 5.000 đồng. Và do đó, một số nhà đầu tư cho rằng giá HHS sẽ được “đẩy” lên trên mức giá vốn mua vào của TCF.

Tuy nhiên, thực tế thì TCF chỉ được ghi nhận lợi nhuận từ khoản đầu tư vào HHS khi công ty bán một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư này. Do đó, theo các chuyên gia, kỳ vọng nói trên của nhà đầu tư là không có căn cứ.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của HHS vẫn không mấy sáng sủa

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của Hoàng Huy đạt mức 949,3 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ và mới thực hiện được 24% kế hoạch năm (4.000 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế đạt 81,6 tỷ đồng, bằng 1/4 so với nửa đầu năm 2015 và còn cách rất xa so với chỉ tiêu 398 tỷ đồng lợi nhuận mà ĐHCĐ giao phó.

Giải trình về kết quả kém tích cực này, Hoàng Huy cho biết nguyên nhân là do biến động của thị trường ô tô nói chung và đây cũng là giai đoạn công ty đang tập trung đầu tư các hoạt động về chiều sâu như sản xuất, củng cố các sản phẩm mới.

Có thể thấy, thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc tăng từ 15-68% lên 25-70% đã khiến Hoàng Huy gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh chính.

Theo đánh giá của CTCK HSC, năm 2016 sẽ là năm khó khăn của Hoàng Huy trong việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau vài năm tăng trưởng mạnh, mà mức thuế nói trên chính là cản trở lớn nhất. Dự báo của CTCK này là năm 2016, Hoàng Huy chỉ đạt 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tức giảm gần 42%.

Về phần cổ phiếu, việc tăng vốn liên tục trong năm 2015 bằng hình thức phát hành cổ phiếu, trả cổ tức bằng cổ phiếu, bán ưu đãi trong hoàn cảnh kết quả kinh doanh tụt dốc, HHS đã trở nên “nhạt” trong mắt nhà đầu tư. Giá cổ phiếu HHS giảm 80% trong vòng 1 năm (tính theo giá điều chỉnh).

Đặt tiền vào cổ phiếu HHS của Hoàng Huy, nhà đầu tư đã quá vội vàng? - Ảnh 2.

Một “niềm tin” khác gửi gắm cho HHS lúc này là việc TCF đang đăng ký mua thêm hơn 20 triệu cổ phiếu HHS (trong đó hơn 5 triệu cổ phiếu được mua từ ông Đỗ Hữu Hạ, bà Nguyễn Thị Hà và bà Đỗ Thị Huyền Trang). Thông thường, lượng cầu không nhỏ như vậy đủ giúp HHS tăng giá.

Nhưng không thể phủ nhận rằng, việc TCH đưa 330 triệu cổ phiếu lên sàn với giá chào sàn 15.000 đồng (tương đương vốn hóa 4.950 tỷ đồng) đang khiến cho các nhà đầu tư đặt HHS -

TCH trong sự so sánh với 2 “siêu đầu cơ” nổi tiếng là FLC và ROS. Faros (ROS) vừa đưa 430 triệu cổ phiếu chào sàn và ngay lập tức tăng trần 11 phiên liên tục. Lịch sử các game tại các "siêu đầu cơ" như thế nào, thị trường đều đã thấm thía.

Như thế, cuộc chơi với HHS đang là một cuộc chơi rủi ro mà không phải ai cũng có phần thắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại