Đất nước “cuồng vàng” thờ ơ với kim loại quý này chỉ sau một quyết định

Linh Anh |

Với lượng vàng trị giá 900 tỷ USD trong dân, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mất 16 tháng thuyết phục người dân gửi trang sức nhưng không hiệu quả bằng một phần quyết định cứng rắn để chống tham nhũng.

Trong thời gian qua, Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã dành 16 tháng để thuyết phục người dân đưa vàng tới ngân hàng gửi nhằm thu lãi. Đây là động thái được đưa ra để hạn chế nhập khẩu kim loại quý ở Ấn Độ. Tuy nhiên, chỉ một phần rất nhỏ trong số vàng trị giá 900 tỷ USD được giữ trong các gia đình và đền thờ mang đi gửi.

Cơn khát vàng của người Ấn Độ có lẽ không bao giờ chất dứt nếu chính quyền Thủ tướng Modi không đưa ra quyết định gây tranh cãi nhằm chặn tham nhũng là thu hồi toàn bộ 2 tờ tiền mệnh giá cao nhất, khiến 86% lượng tiền của Ấn Độ trở thành mớ giấy lộn. Kéo theo đó, lượng vàng nhập khẩu của quốc gia này giảm 39% trong năm 2016.

Theo Hiệp hội Vàng Thế giới, tiêu thụ vàng ở Ấn Độ giảm xuống 676 tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Đây là điều rất lạ ở Ấn Độ, quốc gia có truyền thống sử dụng vàng làm trang sức và của hồi môn, thứ không thể thiếu trong các đám cưới. Ngoài ra, nó còn là vật hiến tặng đáng giá cho các đền thờ.

Samsher Aliyar, lái xe taxi 29 tuổi ở Mumbai, chia sẻ: “Người Ấn Độ chúng tôi không thích bán vàng. Bà hay bố mẹ chúng tôi không mang vàng tới gửi ngân hàng vì coi đó là một phần thừa kế của con cái. Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ phải dùng tới khoản tiền đó”.

Đất nước “cuồng vàng” thờ ơ với kim loại quý này chỉ sau một quyết định - Ảnh 1.

Ngoài quan niệm của người dân, việc gửi vàng vào ngân hàng cũng kéo theo hàng loạt thủ tục rườm rà, trong đó có vấn đề thiếu hệ thống kiểm định chất lượng vàng và nhân lực thực hiện việc này. Điều đó khiến bản thân các ngân hàng cũng tỏ ra không mặn mà với chính sách của chính phủ. Nó khiến kế hoạch này bị bỏ rơi.

Ông Rajesh Khosla, CEO của MMTC-Pamp India Pvt. Ltd - nhà máy tinh chế vàng lớn nhất Ấn Độ, nhận định:

“Không ai sẵn lòng đảm nhận vai trò cha đẻ của chương trình kêu gọi người dân gửi vàng, biến nó trở thành trẻ mồ côi. Và trẻ mồ côi thì luôn bị bỏ rơi. Ai đó cần đứng ra chịu trách nhiệm hoặc chính phủ cần chỉ định các ngân hàng làm điều đó”.

Sự thờ ơ của các ngân hàng khiến nhiều người không biết tới chương trình gửi vàng lấy lãi suất của chính phủ. Thêm vào đó, người ta cũng lo ngại nguy cơ lộ thu nhập khi các nhà chức trách truy tìm nguồn gốc của lượng vàng gửi vào ngân hàng. Lãi suất không thực sự vượt trội khiến nhiều người quyết giữ vàng trong két tại gia để đổi lấy sự yên tâm.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng phát hành trái phiếu vàng, cho phép các nhà đầu tư mua số vàng không có thật.

Tuy nhiên, tính tới tháng 11 năm ngoái, số vàng dạng này được tiêu thụ là 14 tấn, cao hơn gấp đôi so với số vàng người dân đi gửi là 6 tấn. Nó dường như quá nhỏ bé so với 676 tấn vàng nhập khẩu của quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại