Mô hình tàu ngầm S-26T lớp Yuan, loại mà Thái Lan đặt hàng Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) Chính phủ Thái Lan đang đứng trước vấn đề gây đau đầu và đáng lo ngại: liệu Trung Quốc có kịp giao tàu ngầm mà Thái Lan đã đặt mua và liệu tàu ngầm có gặp vấn đề về lỗi động cơ hay không trong bối cảnh Đức kiên quyết không bán linh kiện cho Bắc Kinh.
Mối lo đặt ra khi các chuyên gia quân sự cho rằng, Trung Quốc có thể chuyển giao tàu ngầm cũ tân trang lại cho Thái Lan như một hình thức bồi thường vì không mua được động cơ Đức để đóng các tàu ngầm mới theo hợp đồng đã ký năm 2017.
Theo tờ SCMP, các chính trị gia đối lập tại Thái Lan đã kêu gọi hủy bỏ hợp đồng này khiến cho Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ở vào thế "tiến thoái lưỡng nan".
Những lỗ hổng trong hợp đồng trăm triệu USD
Vào năm 2017, hợp đồng trị giá 13,5 tỷ Baht (392 triệu USD) của Trung Quốc để đóng tàu ngầm cho Thái Lan từng được ca ngợi như một trong những trọng tâm trong kế hoạch xuất khẩu quốc phòng của Bắc Kinh.
Một tàu ngầm lớp Yuan Type 039A của Trung Quốc, trong đó có biến thể S26T. Ảnh: Twitter
Tuy nhiên, hợp đồng này ngày càng xuất hiện những lỗ hổng đáng sợ.
Đức đang hạn chế xuất khẩu công nghệ quốc phòng sang Trung Quốc, với lý do Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Bắc Kinh từ năm 1989.
Trước đây, một số mặt hàng quốc phòng từ các quốc gia châu Âu vẫn được xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng có vẻ như các quy định đang được thực thi nghiêm ngặt hơn vào khoảng thời gian này.
Một quan chức tại Đại sứ quán Đức ở Thái Lan hồi tháng 2 cho biết, Bắc Kinh đã không phối hợp với Berlin trước khi ký hợp đồng với Bangkok vào năm 2017.
Chiếc tàu đầu tiên trong lô 3 chiếc tàu ngầm diesel - điện S26T với động cơ MTU do Đức sản xuất mà Thái Lan đặt hàng từ Trung Quốc dự kiến sẽ được bàn giao vào năm 2024.
Do khó khăn liên quan đến nguồn cung động cơ, thời hạn giao hàng có thể bị trì hoãn khi nhà thầu không thể mua được động cơ diesel do Đức sản xuất như quy định trong hợp đồng.
Trước tình trạng này, giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể chuyển giao các tàu ngầm cũ tân trang cho Thái Lan như một hình thức bồi thường cho việc giao hàng không đúng hẹn.
Kịch bản này đã trở thành vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở Thái Lan, nhưng các nhà quan sát cho rằng, hợp đồng này khó có thể bị hủy bỏ.
Vì sao Thái Lan mua tàu ngầm của Trung Quốc?
3 năm sau khi thỏa thuận đầu tiên với tập đoàn nhà nước Trung Quốc China Shipbuilding & Offshore International được ký kết, vào năm 2020, Hải quân Thái Lan tuyên bố, các tàu ngầm sẽ giúp bảo vệ lợi ích hàng hải ước tính khoảng 24 nghìn tỷ Baht (697 tỷ USD) của nước này và tăng cường chiến lược đòn bẩy.
Theo Hải quân Thái Lan, Trung Quốc đã đưa ra một đề nghị rất tốt. Các tàu ngầm được bán với giá chiết khấu lớn - kiểu mua 3 chiếc tính tiền 2 chiếc – kèm theo dịch vụ bảo hành kéo dài; hệ thống thông tin liên lạc và vũ khí như ngư lôi và tên lửa dẫn đường được cài đặt sẵn; ngoài ra còn có các chương trình đào tạo cho nhân sự Thái Lan. Mức giá 36 tỷ Baht (1,05 tỷ USD) cho 3 chiếc, dự kiến sẽ được trả dần cho đến năm 2027.
Theo chuyên gia Termsak Chalermpalanupap của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, Thái Lan cũng đã xem xét các đề nghị của Đức, Hàn Quốc, Nga, Thụy Điển và Pháp trong kế hoạch mua 2 tàu ngầm, nhưng lời đề nghị của Trung Quốc là "không thể cưỡng lại".
Hợp đồng này có ý nghĩa gì đối với Trung Quốc?
Hợp đồng mua tàu ngầm được ký kết vào thời điểm Thái Lan xích lại gần Trung Quốc. Hồi tháng 4, Thủ tướng Prayuth nói với các phóng viên rằng, quan hệ Bangkok - Bắc Kinh sẽ không bị ảnh hưởng nếu hợp đồng bị hủy bỏ; và cho biết thêm rằng, cả hai bên đã làm việc chặt chẽ để đạt được một giải pháp.
Tàu ngầm đầu tiên của Malaysia, KD Tunku Abdul Rahman, được phát hiện gần Cảng Klang bên ngoài Kuala Lumpur vào năm 2009. Ảnh: Reuters
Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, cho biết: "Cả Thái Lan và Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm đến hợp đồng tàu ngầm này".
"Thái Lan là một trong số ít các quốc gia Đông Nam Á không vận hành tàu ngầm và mong muốn có được năng lực quân sự dưới biển trong nhiều thập kỷ để theo kịp các nước láng giềng", ông Storey nói.
"Trung Quốc sẽ muốn hợp đồng này được thực hiện vì việc mua bán vũ khí ngày càng trở thành một thành phần quan trọng trong chính sách ngoại giao quốc phòng của nước này ở châu Á. Nếu thất bại, đây sẽ là một hình ảnh xấu cho ngành công nghiệp vũ khí của Trung Quốc", chuyên gia Storey đưa ra quan điểm.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Hồi tháng 2, Hải quân Thái Lan tuyên bố dự định giải quyết vấn đề động cơ thông qua các cuộc thảo luận với công ty đóng tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa xác định được thời điểm cụ thể.
Các nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể chuyển giao các tàu ngầm cũ tân trang cho Thái Lan như một hình thức bồi thường. Nhưng vẫn chưa có bất kỳ xác nhận nào từ phía Hải quân Thái Lan.
Hải quân Thái Lan trước đó tuyên bố, China Shipbuilding & Offshore International - đơn vị chịu trách nhiệm đóng tàu của Trung Quốc - phải tuân thủ quy định trong hợp đồng về việc sử dụng động cơ MTU do Đức sản xuất.
"Nếu Trung Quốc đề nghị Thái Lan nhận hai tàu ngầm cũ đã được tân trang, Bangkok có khả năng sẽ từ chối vì họ muốn tàu ngầm mới chứ không phải tàu cũ", ông Storey nói, đồng thời chỉ ra rằng, trên thực tế, một lời đề nghị như vậy đã bị từ chối vài năm trước.