RT đưa tin, tuyên bố Iran tăng cường sản lượng làm giàu uranium gấp 4 lần được phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, ông Behrouz Kamalvandi công bố hôm 20/5. Theo ông Kamalvandi, quyết định của Iran là nhằm “đối phó trước các lệnh trừng phạt chống lại nước này”.
Cũng theo ông Kamalvandi, Iran sẽ không tăng số lượng máy ly tâm và uranium được làm giàu ở mức hiện tại là trên 3,5%.
Chiểu theo thỏa thuận hạt nhân mang tên "Kế hoạch hành động chung toàn diện" (JCPOA) được ký kết hồi năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức, Tehran đồng thuận cắt giảm 2/3 số lượng máy ly tâm vốn được sử dụng để làm giàu uranium, nguyên liệu cần thiết để tạo ra năng lượng hạt nhân; giảm bớt 98% kho uranium đã được làm giàu; và giới hạn hoạt động làm giàu uranium ở mức 3,67% - mức vừa đủ để Iran có thể tiếp tục đáp ứng nhu cầu sản xuất năng lượng nhưng dưới ngưỡng có thể chế tạo bom hạt nhân.
Tuy nhiên, việc tăng sản lượng có thể khiến Iran sở hữu vượt mức quy định trong thỏa thuận hạt nhân về số lượng uranium vượt ngưỡng phải đưa ra nước ngoài là 300 kg.
Phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran cũng cảnh báo nếu các vấn đề mà Tehran đưa ra không được giải quyết trong vòng 60 ngày, quốc gia này sẽ quay trở lại làm giàu uranium ở mức độ cao hơn cũng như tăng cả sản lượng. Theo đó, ông Kamalvandi nhấn mạnh Iran có thể làm giàu uranium lên tới 20% “chỉ trong 4 ngày”.
Hồi tuần trước, chia sẻ trên truyền hình hôm 8/5, Tổng thống Hassan Rouhani cho hay Iran sẽ cho dừng tuân thủ một số cam kết nằm trong hiệp ước hạt nhân JCPOA .
Theo Tổng thống Rouhani, nguyên nhân xuất phát từ việc Mỹ liên tục vi phạm thỏa thuận và các bên ký kết JCPOA ở châu Âu cũng không thể bồi thường thiệt hại do Washington gây ra.
Tổng thống Rouhani nhấn mạnh các bên tham gia ký kết JCPOA sẽ có 60 ngày để đàm phán với Iran và giải quyết những vấn đề mà nước này quan ngại liên quan tới lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ. Đây là hai mục tiêu bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt kể từ khi Washington đơn phương rút khỏi JCPOA. Nếu như sau thời gian 60 ngày, các bên đạt được một thỏa thuận, Iran sẽ quay trở lại thi hành các cam kết nằm trong JCPOA.
Ngược lại, Iran có thể dừng tuân thủ JCPOA để tiến hành làm giàu uranium tới một mức độ nhất định và khôi phục lò phản ứng hạt nhân nước này vốn bị đóng cửa ở Arak.
Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ ra khỏi JCPOA , đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran nhằm ép Tehran ngồi vào bàn đàm phán để đi tới một thỏa thuận mới.
Dù Tổng thống Trump cho rằng, Iran đã vi phạm thỏa thuận JCPOA nhưng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn khẳng định Cộng hòa Hồi giáo tuân thủ chặt chẽ các quy định trong thỏa thuận. Ngay cả bản đánh giá mới nhất hồi tháng Hai của IAEA cũng nhấn mạnh điều này.