Theo Live Science, cô gái trẻ và giáo viên đã quyết định tiến hành "cuộc khai quật mùa hè" vì trước đó người ta đã tìm thấy răng cá mập trong khu vực, một bằng chứng cho thấy khu đất của gia đình cô bé tọa lạc ngay trên một "đại dương thủy quái " thời cổ đại.
Cô gái 16 tuổi mang tên Lindsey Stallworth đã có một phát hiện đáng giá hơn răng cá mập nhều: Hóa thạch khổng lồ mà cô và giáo viên tìm thấy vừa được xác định là đầu một con cá voi.
Một phần hóa thạch được khai quật bởi hai thầy trò ở Alabama - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nó là giống cá voi ăn thịt đã tuyệt chủng, sống trong thế Thủy Tân (từ 56 đến 33,9 triệu năm trước), là giai đoạn giữa của kỷ Cổ Cận. Vào thời điểm đó mực nước biển dâng cao và cả bang Alabama của Mỹ ngày nay là một đại dương nông.
Cái đầu hóa thạch khổng lồ đã nhô ra từ một ngọn đổi nhỏ trong khu đất. Sau khi phát hiện phần đầu tiên nhô lên, thiếu nữ người Mỹ và giáo viên đã kiên nhẫn khai quật bằng đục nhỏ và dụng cụ nha khoa suốt 1 tuần, làm lộ ra chiếc răng lớn từ hàm dưới của con vật.
Hình ảnh chiếc răng được giáo viên tên Andrew Gentry gửi cho người bạn làm trong lĩnh vực cổ sinh vật học là TS James Parham từ Trường Đại học California ở Fullerton.
Ông Praham tiếp tục chuyển hình ảnh đến TS Jorge Velez-Juarbe từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles, một chuyên gia về hóa thạch động vật có vú ở biển.
Hóa thạch nhanh chóng được định tuổi nhưng hiện vẫn chưa xác định chính xác loài mà nó thuộc về.
Tuy nhiên, khu vực mà con thủy quái lộ diện là nơi sinh sống của nhiều loài cá voi nguyên thủy từng được phân tích, bao gồm các con thuộc họ Basilosauridae khổng lồ, có loài độ dài lên tới 18 m.
Các nhà khảo cổ cho rằng mẫu vật mới có thể thuộc về một loài chưa từng biết của họ này, to lớn tương đương con "kỷ lục" 18 m nói trên.
Ước tính mất vài tháng để các nhà khảo cổ có thể đưa toàn bộ hộp sọ cũng như các phần cơ thể có thể còn sót lại của con thủy quái ra khỏi đá và nghiên cứu chi tiết hơn.