Đảo Thỏ ngoài khơi Nhật Bản.
“Nạn nhân” của thử nghiệm hóa học
Vào năm 2014, một đoạn video xuất hiện trên Internet cho thấy một phụ nữ bị đàn thỏ leo giẫm lên người đã nhanh chóng trở thành cơn sốt lan nhanh trong cộng đồng mạng. Sự việc xảy ra trên đảo Okunoshuma, còn gọi là Usagi Jima (đảo thỏ), cách bờ biển Takehara 3,2 km và cách Hiroshima 48 km về phía Đông Biển nội địa Seto.
Với diện tích chưa đến 1km2, đảo là địa điểm du lịch cung cấp nhiều dịch vụ như suối nước nóng, sân gôn và khu cắm trại, nhưng hấp dẫn du khách nhất là những đàn thỏ dễ thương, sinh sống một cách tự nhiên.
Về ưu thế của “cư dân” bốn chân trên đảo, người ta cho rằng nó có liên quan đến sự thật đáng sợ xảy ra trên đảo từ rất lâu. Vào năm 1988, “Bảo tàng chất độc” được người Nhật xây dựng, lần đầu tiên vén màn bí mật của hòn đảo nhỏ này.
Hồi đầu thế kỷ 20, Okunoshuma chỉ có ba gia đình ngư dân sinh sống, cùng với 10 pháo đài do quân đội dựng lên để bảo vệ vùng biển này trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905). Sau đó, đảo lọt vào tầm mắt của các nhà chiến lược quân sự, họ xem đây là một địa điểm thuận lợi cho các công trình nghiên cứu khoa học.
Vào năm 1925, Viện Khoa học và Công nghệ quân đội Đế quốc Nhật Bản sử dụng hòn đảo để bí mật nghiên cứu về chiến tranh hóa học. Họ tìm cách giữ kín các cuộc thử nghiệm bằng cách chỉnh sửa lại bản đồ Biển nội địa Seto và xóa bỏ mọi dấu vết về sự hiện diện của đảo Okunoshuma.
Trong quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học quân sự, nạn nhân đầu tiên trên đảo là loài thỏ. Chúng được chọn cho các vụ thử nghiệm vũ khí hóa học. Mặc dù ngày nay, đây là một hành động được cho là tàn ác, nhưng vào thời điểm đó nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng động vật để kiểm tra độ an toàn của sản phẩm của họ.
Sau khi địa điểm thử nghiệm bị phá hủy vào những năm sau Chiến tranh thế giới lần thứ Hai, số phận những con thỏ là một chủ đề được bàn luận nhiều. Theo các nhà chức trách Nhật Bản, những con thỏ không chết vì phơi nhiễm chất hóa học đã bị tiêu diệt.
Còn GS Ellis Krauss thuộc Đại học California trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014, đã tiết lộ, những con thỏ thử nghiệm đều bị người Mỹ bức tử khi họ đến hòn đảo trong thời kỳ chiếm đóng.
Tương lai bất ổn của thỏ
Nhưng giải thích thế nào về hàng nghìn con thỏ đang tung tăng trên đảo? Có phải chúng được sinh sản từ giống loài còn sống sót sau thí nghiệm? Một số người cho rằng chúng có nguồn gốc thỏ lai châu Âu được các nhà sinh học thả vào tự nhiên khi đến thăm hòn đảo sau thế chiến. Tuy nhiên, luận điểm này không được các nhà chuyên môn đồng tình.
Phổ biến hơn cả là giả thuyết chúng thuộc nhóm 8 con do các học sinh mang đến đây vào năm 1971, trong một chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức. Sống trong một môi trường yên lành không có thợ săn và động vật ăn thịt, bầy đàn của thỏ phát triển theo cấp số nhân do khả năng sinh sản nhanh là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, cuộc sống của những chú thỏ trên đảo không hề an bình như người ta tưởng. Vào thời điểm mặt trời chiếu sáng và có khách tham quan, chúng có thức ăn đầy đủ, nhưng khi thời tiết xấu và ít du khách, chúng sẽ lâm vào tình trạng thiếu dinh dưỡng, phải ăn các lá cây trong các bụi rậm, khiến màu xanh trên đảo ngày càng trở nên ít đi.
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, những con vật dễ thương này thích ăn bắp cải nên mang nhiều rau đến cung cấp cho chúng. Họ không biết bắp cải rất độc đối với thỏ vì hệ tiêu hóa nhạy cảm của chúng gặp khó khăn trong việc phân hủy rau. Kết quả là thỏ ở đây thường bị chứng đầy hơi nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mỏng manh của chúng.
Theo quy định của hòn đảo, du khách không được rượt đuổi hoặc bắt thỏ hoang dã vì sự an toàn của cả người và thỏ. Không tiếp xúc với chúng trên đường, ven đường hoặc trước các tòa nhà. Không nên cho thỏ ăn trực tiếp và quan trọng nhất là chỉ cung cấp cho chúng thực phẩm phù hợp theo khuyến cáo.
Người ta ước tính rằng thỏ hoang có thể tồn tại trong môi trường tự nhiên giữa những thú săn mồi trong hai năm. Sống không có động vật ăn thịt đe dọa, lẽ ra tuổi thọ của những chú thỏ sống trên đảo phải tăng lên, nhưng chúng cũng chỉ sống trung bình được hai năm mà thôi.
TS Margo DeMello, giáo sư nhân chủng học và xã hội học thuộc ĐH cộng đồng miền Trung New Mexico cùng một nhóm học giả đã đến thăm đảo thỏ vào tháng 3 năm 2015 do sự lan truyền của một video mang tính giật gân.
Họ thấy rằng du lịch đảo thỏ đã thay đổi. Trước đây nó là một điểm đến thích hợp cho du khách Nhật Bản lớn tuổi, nhưng hiện là một nơi phổ biến cho các chuyến trải nghiệm thực tế trường học.
Những cơ sở du lịch đã mang một bộ mặt mới cho hòn đảo xa xôi nhưng thực tế đã tạo môi trường nguy hiểm cho bầy đàn thỏ ở đây. Nhiều con vật không may bị nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa do ăn thực phẩm không thích hợp từ khách của khách sạn. Một số khác bị giết bởi nhiều chiếc xe chạy qua.
Mới đây, sau khi đến thăm đảo thỏ, Takashi Seki thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đấu tranh cho việc chung sống giữa động vật hoang dã với các tổ chức trên đảo. Việc can thiệp nhân tạo quá mức là điều không mong muốn”.
Hiện nay, đàn thỏ trên đảo vẫn tiếp tục sinh sản nhanh và luôn thân thiện với con người. Tuy nhiên, tương lai của chúng ra sao vẫn còn là dấu hỏi.
Theo Historicmysterious