“Món quà vô giá” dành cho ông Netanyahu
CNN dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đảo ngược chính sách đối ngoại kéo dài hàng thập kỷ qua của Mỹ đối với các khu định cư của Israel tại Bờ Tây đã được hoạch định suốt 1 năm qua, song giờ mới là thời điểm thuận lợi nhất dành cho Thủ tướng Netanyahu.
Nhờ củng cố quan hệ với các nhà lãnh đạo Mỹ, ông Netanyahu đã nhiều lần giành được chiến thắng trong các cuộc bầu cử trong quá khứ. Nhưng với Tổng thống Trump thì khác. Sau khi tặng ông Netanyahu nhiều món quà chính trị trước cuộc bầu cử Israel vào tháng 4/2019, ông Trump hầu như gửi không nhiều hơn 1 dòng Tweet ủng hộ “người bạn” của mình trong cuộc bầu cử lại vào tháng 9/2019.
Nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ, dường như đã tỏ thái độ khác khi thấy vận may chính trị của Thủ tướng Netanyahu bị suy giảm, đặc biệt khi ông thất bại trong việc thành lập một chính phủ mới trong lần thứ 2 liên tiếp.
Lần đầu tiên trong 1 thập kỷ qua, một nhân vật khác có cơ hội lãnh đạo Israel. Cơ hội đó đã rơi vào tay đối thủ của ông Netanyahu là Benny Gantz - cựu Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel, lãnh đạo của đảng Xanh và Trắng. Ông Benny Gantz có nhiệm vụ phải thành lập chính phủ trước hạn chót là đêm mai (20/11). Nếu thất bại, cơ hội thành công của ông rất mong manh. Khi viễn cảnh đó xảy ra, Israel sẽ bước vào một thời kỳ tự do chính trị, nơi mà bất kỳ ai trong số 120 thành viên của Quốc hội đều có thể trở thành Thủ tướng nếu họ nhận được đủ sự hỗ trợ. Và ông Netanyahu, một lần nữa sẽ quay lại trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho cương vị Thủ tướng bởi giờ đây ông đã có được thắng lợi mới.
Trước đó hôm qua (18/11), chính quyền Mỹ đã thay đổi quan điểm liên quan đến vấn đề mâu thuẫn Israel-Palestine khi tuyên bố không còn coi các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây là trái với luật pháp quốc tế. “Sau khi nghiên cứu cẩn thận mọi khía cạnh pháp lý của tranh chấp, Mỹ kết luận rằng việc Israel thành lập các khu tái định cư ở Bờ Tây không phải là trái với luật pháp quốc tế”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ.
Đối với ông Netanyahu - nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất của Israel, thông báo của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ chính là lý do để ăn mừng. “Chính sách này phản ánh một sự thật lịch sử - rằng người Do Thái không phải là kẻ thực dân chiếm đóng Judea và Samaria (tên gọi trong Kinh Thánh cho Bờ Tây). Chúng tôi được gọi là người Do Thái bởi vì chúng tôi là người dân của vùng đất Judea”, ông Netanyahu khẳng định. Ông đã kết thúc bài phát biểu bằng việc bày tỏ “sự cảm ơn sâu sắc” đối với Tổng thống Trump và toàn bộ chính quyền Mỹ.
Các đồng minh của Thủ tướng Netanyahu cũng vui mừng không kém. Chủ tịch Quốc hội Israel, thuộc đảng Likud của ông Netanyahu cho biết, bước tiếp theo sẽ là sáp nhập Bờ Tây. Ngoại trưởng Israel đã cảm ơn chính quyền Tổng thống Trump vì “đã dành sự hỗ trợ kiên định và nhất quán” cho Israel. Nhiều nhân vật ủng hộ mở rộng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây cũng hoan nghênh động thái này.
Còn đối thủ Benny Grantz, dù không cùng quan điểm với Thủ tướng Netanyahu về việc sáp nhập thêm nhiều vùng lãnh thổ ở Bờ Tây mà Israel chiếm đóng bất hợp pháp, cũng khó có thể phản đối tuyên bố của Mỹ, đặc biệt khi ông đang phải đương đầu với một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Vì thế, trong một phát biểu ngắn, ông đã khen ngợi quyết định của chính quyền Tổng thống Trump và cho biết thêm: “Số phận của các khu định cư nên được quyết định bởi những thỏa thuận đáp ứng các đòi hỏi về an ninh và thúc đẩy hòa bình”.
Liệu có mang đến sự khác biệt?
CNN nhận định, quyết định của Mỹ đảo ngược chính sách về khu định cư tại Bờ Tây được coi là một thắng lợi nữa của ông Netanyahu, bất kể việc chính quyền ông Trump có ý định làm như vậy hay không. Khi điểm lại những thành tựu chính trị dưới thời Tổng thống Trump, ông Netanyahu đã có một danh sách dài để khoe với các cử tri Israel, bao gồm việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, liệt Lực lượng vũ trang cách mạng Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài…
Nhưng liệu thắng lợi mới nhất kể trên có đủ để tạo nên sự khác biệt về chính trị giúp ông Netanyahu tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thủ tướng hay không? Đây vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Trên thực tế, nhiều nhà quan sát cho rằng, ông vẫn có thể thất bại nếu không vượt qua được những thách thức đặt ra trong các cuộc bầu cử vừa qua.
Ông Netanyahu không bao giờ bỏ lỡ cơ hội công kích đối thủ. Sau nhiều tuần chống lại khả năng Benny Gantz có thể thành lập một chính phủ thiểu số với sự hỗ trợ từ các đảng Arab của Israel, ông Netanyahu tiếp tục luận điệu chống Arab với việc đăng tải dòng tweet nhằm vào đối thủ của mình: “Vào thời điểm Mỹ công nhận chủ quyền của chúng ta đối với vùng đất của Israel, ông Benny Gantz đang cố gắng thành lập một chính phủ thiểu số với những người không công nhận bất cứ quyền lợi nào của chúng ta tại vùng đất đó”.
Tuy nhiên, đảng Xanh và Trắng đã nhanh chóng phản bác lại chỉ trích của ông Netanyahu. “Chúng tôi sẽ không chấp nhận lời rao giảng đạo đức từ một người đã bắt tay với Arafat (lãnh đạo của Tổ chức giải phóng Palestine) và đổ hàng triệu USD mỗi tháng làm nguồn tài chính bảo vệ cho phong trào Hamas”, đảng này tuyên bố trên trang Twitter./.