Đầu năm 1981, tại thành phố Tương Đàm (Hồ Bắc, Trung Quốc), người đàn ông tên Chu Quế Vũ đang lên kế hoạch xây dựng nhà mới.
Vị trí ngôi nhà nằm gần bên dòng Tương Giang. Trong quá trình đào móng, nhóm thợ cảm thấy phần đất rất mềm, chủ yếu là cát, chứ không phải bùn nhão như những khu vực gần sông khác.
Càng đào càng cảm thấy có gì đó không đúng, như thể ai đó trước đây cố tình dùng cát lấp lại. Bỗng nhiên, một người thợ đào trúng một vật rất cứng, kèm theo tiếng va chạm như thể bên dưới là kim loại.
Nhóm thợ thấy lạ, cùng nhau đào vật dưới đất lên. Sau đó, cảnh tượng trước mắt khiến ai có mặt cũng ngỡ ngàng. Không phải tảng đá, cũng không phải khối quặng kim loại, mà là một con lợn bằng đồng xanh hoàn chỉnh.
Đương nhiên, nhóm người dân lao động như Chu Quế Vũ không hề biết lai lịch của “con lợn”, chỉ biết vật này có thể là thứ không tầm thường nên đã đặt nó trong nhà trưng bày.
Tuy nhiên, giấy không gói được lửa. Không lâu sau, tin tức Chu Quế Vũ đào được lợn đồng xanh đã lan truyền khắp trấn huyện. Rất nhiều nhà sưu tầm, chuyên gia đồ cổ tìm đến nhà Chu Quế Vũ để tận mắt chứng kiến món đồ, đồng thời ra giá mua lại.
Trước sự quan tâm của nhiều chuyên gia đồ cổ về con lợn đồng xanh mình đào được, Chu Quế Vũ biết chắc món đồ này liên quan đến lịch sử. Do đó ông không dám thực hiện giao dịch mua bán vì sợ bị chính quyền truy cứu trách nhiệm. Thế là ông đã từ chối tất cả người đến mua và một mực giữ món đồ lạ bên mình.
Ít ngày sau, chuyện cũng đến tai Cục văn vật địa phương. Họ đã cử chuyên gia đến nhà Chu Quế Vũ tiến hành thẩm định con lợn đồng xanh.
Theo chuyên gia phân tích, con lợn đồng xanh được khai quật được có hình dạng một con lợn đực, phần lưng có nắp. Hai mắt của con lợn hướng về phía trước, miệng có răng dài đưa ra hai bên, trông rất hung dữ. Bốn chân khỏe mạnh như những con lợn rừng thường xuyên vận động, cái đuôi hướng xuống. Qua đo đạc, lợn đồng xanh nặng 30kg, khá khó để vận chuyển.
Kết hợp tài liệu lịch sử, con lợn đồng xanh này là vật chứa rượu của người thời nhà Thương, được dùng trong những dịp tế lễ cúng thần. Cái bụng to của con lợn có thể chứa 13 lít rượu. Ngoài ra, thân lợn còn có hoa vân vảy kỳ lân, họa tiết mặt thú, giá trị nghệ thuật và nghiên cứu lịch sử cực kỳ cao.
Từ tư liệu giáp cốt văn (chữ viết trên xương, mai rùa…) trong Di tích vương đô của nhà Thương, chuyên gia biết được người thời bấy giờ đã bắt đầu thuần phục lợn rừng và nuôi chúng tại nhà. Con lợn đồng xanh này được tạo hình hoàn toàn dựa trên hình dáng của lợn rừng. Hơn nữa, có tài liệu thể hiện người nhà Thương cũng có tục thờ lợn rừng - con vật được cho là có thể xua đuổi tà ma và giao tiếp với các vị thần. Do đó, chúng được dùng để làm vật tế lễ. Thời Tây Chu cũng có vật dụng đồng xanh tương tự.
Đáng tiếc là các chuyên gia không tìm thấy văn vật nào khác gần nhà của Chu Quế Vũ.
Sau khi xác định lai lịch của con lợn đồng xanh, chuyên gia đã giải thích và cho Chu Quế Vũ biết giá trị cũng như ý nghĩa của vật này. Cụ thể, cho đến hiện tại, Trung Quốc chỉ phát hiện 1 con lợn đồng xanh dùng làm vật chứa rượu tế lễ duy nhất trong lịch sử. Do đó, vật này nên được giao cho chính quyền để được bảo quản và phục vụ cho nghiên cứu.
Nghe vậy, Chu Quế Vũ bủn rủn tay chân, đồng thời cũng thở phào nhẹ nhõm vì trước đó không bán lợn đồng cho người khác, vì nếu giao dịch thành tiền, chắc chắn ông đã vi phạm pháp luật đối với văn vật lịch sử quan trọng.
Tuy nhiên, chuyên gia phải tìm đến nhà Chu Quế Vũ 10 lần, không ngừng giải thích và thuyết phục, thì cuối cùng ông mới chấp nhận giao vật cổ cho nhà nước.
Hiện tại, con lợn đồng xanh được lưu trữ và trưng bày trong Bảo tàng tỉnh Hồ Nam.
Nguồn: Sohu