Trump sẽ kích hoạt đạo luật thời Chiến tranh Triều Tiên
Trong cuộc họp báo ngày 18, Trump nói ông cho rằng đất nước đang được đặt vào tình trạng chiến tranh khi dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) tấn công.
"Tôi nhìn nhận điều này trong tâm thế của một tổng thống thời chiến," ông chủ Nhà Trắng nói, sau khi tuyên bố sẽ kích hoạt DPA.
Tổng thống cũng ký một sắc lệnh hành pháp vào chiều ngày 18, cho biết sẽ vận dụng DPA để để có được "nguồn lực y tế và sức khỏe cần thiết nhằm ứng phó với sự lây lan của COVID-19, bao gồm cả thiết bị bảo vệ cá nhân và máy thở".
Sắc lệnh nhấn mạnh rằng Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) Alex Azar có thể tham vấn với lãnh đạo các cơ quan khác nhằm xác định "những ưu tiên toàn quốc phù hợp và phân bổ tất cả các nguồn lực y tế và sức khỏe, bao gồm kiểm soát việc phân phối các vật tư này... trong thị trường dân sự, để ứng phó sự lây lan của COVID-19 tại Mỹ."
Tuy nhiên, Trump nhấn mạnh ông sẽ chỉ viện đến những quyền lực to lớn theo DPA "trong kịch bản xấu nhất".
"Tôi chỉ ký Đạo luật sản xuất quốc phòng để chống lại Virus Trung Quốc, nếu như chúng ta cần phải kích hoạt nó trong trường hợp xấu nhất trong tương lai," ông Trump viết trên Twitter và tiếp tục gọi virus corona mới (SARS-Cov-2) bằng cái tên "virus Trung Quốc", bất chấp Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích gay gắt.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng sẽ không cần phải dùng đến những giải pháp trong đạo luật.
Theo Vox, kích hoạt DPA là điều mà các chuyên gia quân sự và phản ứng khủng hoảng, cũng như các chính khách cấp cao Mỹ, đã kêu gọi chính quyền Trump thực hiện khi dịch COVID-19 lan rộng tại nước này.
Một lựa chọn táo bạo hơn là Mỹ sẽ liên bang hóa một số ngành công nghiệp xác định - động thái được một chuyên gia mô tả là "phương án hạt nhân", nhưng ông Trump dường như chưa sẵn sàng để đi tới lựa chọn.
Tweet của tổng thống Trump vào chiều ngày 18/3 (giờ địa phương) đề cập việc kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng
DPA hoạt động như thế nào?
DPA là đạo luật được Mỹ thông qua dưới thời chính quyền Harry Truman vào năm 1950, như một hành động ứng phó với tình hình cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Nó được "truyền cảm hứng" từ các đạo luật vào năm 1941 và 1942 - cho phép Nhà Trắng yêu cầu các công ty tư nhân tiến hành sản xuất vì lợi ích quốc gia. Ví dụ, Ford Motor đã chế tạo gần 300.000 phương tiện - gồm xe tăng - phục vụ trong Thế chiến II.
DPA trao cho chính phủ nhiều quyền kiểm soát hơn để chỉ đạo hoạt động sản xuất trong tình trạng khẩn cấp.
Cơ quan ứng phó khẩn cấp Liên bang (FEMA) mô tả DPA là "nguồn chủ yếu các thẩm quyền dành cho tổng thống để xúc tiến và mở rộng việc cung cấp nguồn lực từ cơ sở công nghiệp Hoa Kỳ, nhằm hỗ trợ các chương trình an ninh quân sự, năng lượng, không gian và an ninh nội địa".
Đạo luật sẽ trao cho ông Trump "thẩm quyền rộng lớn để tác động đến lĩnh vực công nghiệp trong nước vì lợi ích quốc phòng của đất nước" - theo báo cáo công bố đầu tháng 3 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (Congressional Research Service).
"Thẩm quyền này có thể được áp dụng trên toàn chính phủ liên bang nhằm định hình nền tảng công nghiệp trong nước sao cho khi cần đến, nó có đủ khả năng cung ứng những vật tư và hàng hóa trọng yếu cần thiết cho quốc phòng," báo cáo của CRS có đoạn.
DPA được chia thành ba bộ phận chính:
- Ưu tiên và phân bổ: Cho phép tổng thống yêu cầu các doanh nghiệp phải chấp nhận và ưu tiên các hợp đồng về dịch vụ và vật tư được coi là cần thiết để hỗ trợ quốc phòng của nước Mỹ.
- Mở rộng năng lực sản xuất và cung ứng: Trao cho tổng thống thẩm quyền để tạo ra động lực cho ngành công nghiệp sản xuất vật tư quan trọng.
- Các quy định chung: Thiết lập rộng rãi thẩm quyền của chính phủ để đạt được các thỏa thuận với khu vực công nghiệp tư nhân, nhằm ngăn chặn các vụ sáp nhập với nước ngoài có thể đe dọa an ninh quốc gia, và tạo ra một khối tình nguyện gồm các nhà điều hành doanh nghiệp có thể phục vụ cho chính phủ.
Kế hoạch của tổng thống Trump về kích hoạt DPA được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ cảnh báo nước này không có đủ nguồn dự trữ các vật tư y tế như khẩu trang, trang phục bảo hộ hay găng tay để đáp ứng nhu cầu của hệ thống chăm sóc sức khỏe trước đại dịch COVID-19.
Thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy, tính đến tối ngày 18/3 (giờ địa phương), nước Mỹ đã có hơn 9.400 ca lây nhiễm COVID-19 và 150 người tử vong.