Bước sang thời kỳ hiện đại, hòn đảo này truyền cảm hứng cho nhà văn Robert Louis Stevenson (Anh) sáng tác tiểu thuyết “Đảo giấu vàng”. Bây giờ, nơi này lưu giữ “kho báu sinh thái” quý hiếm, duy trì danh tiếng của một hòn đảo giá trị nhất Cuba.
“Thiên đường” của cướp biển
Đảo Thanh Niên (Isla de la Juventusud) là hòn đảo lớn thứ 2 ở Cuba, có diện tích khoảng 2.400 km2 và cách đại lục Cuba 50 km. Trước năm 1978, đảo này có tên tiếng Tây Ban Nha là đảo Thông (Isla de Pinos), vì có nhiều cây thông mọc.
Đảo Thông được phát hiện vào năm 1493, bởi nhà thám hiểm lừng danh Christopher Columbus (1451 – 1506). Thời kỳ cận đại (thế kỷ XV – XVIII), các cường quốc châu Âu đua nhau “thám hiểm thế giới” bằng đường biển, thiết lập hệ thống hải trình, xâm lược và thuộc địa các vùng đất mới.
Đảo Thông nằm trên đường biển nối liền Nam Mỹ với Cuba. Xung quanh rìa đảo có nhiều vịnh nhỏ, hẹp, vô cùng kín đáo. Rất nhanh, nó trở thành điểm ẩn náu an toàn của các cướp biển vùng Caribe. Sau Columbus không lâu, các nhà thám hiểm kiêm cướp biển và cướp biển lũ lượt kéo lên đảo.
Thế kỷ XVI - XVII, thực dân Tây Ban Nha điên cuồng vơ vét tài vật từ các thuộc địa về Nam Âu. Để hạn chế sự bành trướng của Tây Ban Nha, các cường quốc châu Âu cùng thời vừa cố ý làm ngơ vừa âm thầm xúi bẩy cướp biển tấn công, cướp bóc tàu chở hàng của họ.
Trên khắp vùng biển Caribe, các thuyền hải tặc tấn công tàu chở vàng bạc, đá quý, nông sản… của Tây Ban Nha. Những thuyền trưởng khét tiếng như Francis Drake (1540 - 1596), Henry Morgan (1635 – 1688)… xem đảo Thông như nhà của mình, thường mang chiến lợi phẩm tới giấu. Chẳng bao lâu, hòn đảo này đã có 2 biệt danh, “đảo cướp biển” và “đảo châu báu”.
Đầu thập niên 1880, nhà văn Robert Louis Stevenson bắt tay vào sáng tác tiểu thuyết. Có một vài tư liệu cho rằng, đảo Thông chính là cảm hứng để ông thiết lập nội dung cho tác phẩm “Đảo giấu vàng” (Treasure Island).
Tính đến nay, tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành phim hơn 50 lần. Nó được xem như “thủy tổ” của chủ đề cướp biển, ảnh hưởng đến các loại hình sáng tác nghệ thuật liên quan.
“Kho báu sinh thái”
Cá sấu Cuba suýt tuyệt chủng vì bị lạm sát. Ảnh: Rauno Varblas (Visitarcuba)
Năm 1978, cố Chủ tịch nước Cuba - Fidel Castro (1926 – 2016) đổi tên đảo Thông thành đảo Thanh Niên. Ngày nay, trên đảo có khoảng 100 nghìn cư dân.
Nhìn từ trên cao, đảo Thanh Niên có hình vòng cung hao hao giống dấu phẩy. Mặc dù khá đông dân cư nhưng hòn đảo này vẫn giữ được nhiều nét tự nhiên. Những bãi dừa, rừng thông xen lẫn với vườn cam quýt và đồi đá cẩm thạch một cách hài hòa.
Nếu thế kỷ XV, Columbus phát hiện ở đây có đầm lầy, rừng ngập mặn, hang động… phong phú thì bây giờ, tất cả vẫn y nguyên. Chí ít, 1/3 diện tích phía Nam của hòn đảo đã được khoanh vùng làm khu vực bảo tồn, đặt tên là Khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phía Nam đảo Thanh Niên (South of the Isle of Youth Protected Area of Managed Resources – APRM).
APRM rộng 1.455 km2, tập trung bảo vệ các sinh vật dễ bị tổn thương như lợn biển Antillean, cá đầu búa, san hô elkhorn… Chính phủ Cuba đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh sinh thái trong khu vực này. Ngay cả khách tham quan cũng phải trải qua xét duyệt đơn đăng ký vào thăm và kiểm tra hành lý trước khi vào cũng như sau khi ra.
Nhờ công tác bảo tồn nghiêm ngặt, APRM bảo vệ thành công các sinh vật thuộc diện bị đe dọa, trong đó có loài bị đe dọa nghiêm trọng là cá sấu Cuba. Vào thế kỷ XX, loài này gần như bị xóa sổ vì lạm sát.
“Trong 2 cuộc thám hiểm gần đây nhất, chúng tôi cũng không nhìn thấy cá thể cá sấu nào trong tự nhiên. Dù vậy, chúng tôi tin chúng vẫn sống sót và tiếp tục thả thêm các cá thể được chăm nuôi vào đầm lầy”, chuyên gia bảo tồn - Forneiro Martín-Viaña cho biết.
Khẩn cứu rùa xanh
'Báu vật' quý nhất của đảo Thanh Niên. Ảnh: Claire Boobbyer (BBC)
Trên bãi biển Guanal dài hơn 1km của APRM, xuất hiện nhiều que cắm bằng gỗ, cắm chéo nhau thành hình chữ X. Bên dưới dấu hiệu này cũng tồn tại “kho báu” quý giá không kém gì vàng. Đó là trứng rùa xanh (Chelonia mydas).
Không chỉ riêng ở biển Cuba mà trên toàn thế giới, rùa xanh là động vật nguy cấp. Loài này sống dưới biển nhưng đẻ trứng trên cạn, thường chỉ chọn những bãi biển vắng người để làm tổ.
Giới tính của rùa xanh con phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ quá cao, số lượng rùa cái sẽ áp đảo rùa đực, dẫn đến mất cân bằng và nguy cơ sụt giảm số lượng trong tương lai. “Khí hậu toàn cầu đang nóng lên và điều này tác động mạnh tới sự tồn vong của quần thể rùa xanh”, chuyên gia về rùa - Julia Azanza Ricardo nói.
“Tôi bắt đầu theo dõi trứng rùa xanh từ 15 năm trước. Nhiệt độ những năm đầu tiên luôn dưới 30 độ C và hơn 90% rùa xanh mới nở là giống cái. Bây giờ, nhiệt độ đang cao trên 30 độ C. Tôi rất lo lắng, tỷ lệ nở ra rùa cái sẽ lên đến 100%, vì nó sẽ đặt dấu chấm hết cho loài này”, chuyên gia Ricardo nói tiếp.
Năm nay, trên bãi biển Guanal có 250 tổ rùa xanh. Các nhà bảo tồn đang cố gắng cứu vãn bằng cách trồng thêm cây che mát, tưới nước, di chuyển trứng tới nơi nhiệt độ thấp hơn…
Theo BBC