Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát bức xúc vì khán giả ý thức kém khi đi xem kịch

Nguyễn Hương |

"Kịch đang diễn, một thanh niên đi xăm xăm lên sân khấu định tặng hoa cho diễn viên...", đạo diễn Huỳnh Tấn Phát bức xúc.

Chuyện khán giả livestream, quay lén đưa lên youtube, cười đùa nói chuyện ồn ào khi xem phim xem kịch đã và đang khiến nhiều người bức xúc.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát là người chứng kiến nhiều hành vi thiếu văn hoá như vậy trong mấy ngày gần đây khi anh được mời xem các vở diễn thuộc khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 diễn ra tại TPHCM từ ngày 11-25/4.

Ai cũng khó chịu nhưng ít người lên tiếng

- Anh có thể kể lại những chuyện "chướng tai, gai mắt" về ý thức của khán giả mà anh chứng kiến khi đi xem các vở diễn nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua không?

Hôm rồi, khi xem vở "Hiu hiu gió bấc" tại Nhà hát Trần Hữu Trang, trong lúc diễn viên ra sức thoại, ra sức khóc cười với nhân vật và phần đông khán giả đều tập trung yên lặng xem thì có ba phụ nữ lớn tuổi cứ ngồi nói chuyện, bàn luận như đang phát biểu trong hội thảo.

Đã thế, họ còn chạy ra chạy vô liên tục mặc cho mọi người xung quanh tỏ vẻ khó chịu ra mặt.

Chưa hết, sang vở "Tình đồng đội" của Đoàn Ca múa Kịch Lam Sơn - Thanh Hoá, cả nhà hát đang im phăng phắc thì 2, 3 lần có tiếng con nít khóc ré lên, đến mức thành viên trong ban tổ chức phải đến nhắc, người mẹ mới chịu ẵm đứa nhỏ đi ra ngoài dỗ.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát bức xúc vì khán giả ý thức kém khi đi xem kịch - Ảnh 1.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát

Còn vụ này mới kinh khủng. Kịch đang diễn, một thanh niên đi xăm xăm lên sân khấu, tay cầm bó hoa tặng cho diễn viên.

Lúc đó, diễn viên mải diễn nên anh ta cứ cầm hoa đứng trên sân khấu chờ. Lát sau, nhân viên đoàn chạy lên kéo xuống, anh ta mới chịu đi xuống trong sự tiếc rẻ. Nhưng chỉ vài phút sau, anh ta lại bất ngờ chạy lên tặng hoa cho một diễn viên khác. Tặng xong, anh ta te te đi thẳng ra ngoài.

Tưởng chỉ có thế nhưng lát sau lại thêm một người khác. Anh này cầm luôn hai bó hoa đi băng băng lên sân khấu. Nhân viên đoàn cản lại, anh ta vẫn cứ xông lên và tặng cho hai nghệ sĩ đang diễn.

Vì đang diễn phân đoạn đau khổ nên nghệ sĩ không thể cầm hoa, phải để bó hoa rơi xuống đất. Nghệ sĩ phải thể hiện đúng tình huống, tâm lý nhân vật nhưng chuyện khán giả cầm hoa lên tặng là phá nát nhân vật của diễn viên rồi.

Dường như khán giả đó nghĩ đó chương trình văn nghệ quần chúng sân bãi ở đâu chứ không phải là xem kịch trong nhà hát.

Chưa hết, đang xem kịch mà tôi cứ nghe bên trái "lách tách tách", bên phải "lách tách tách". Quay sang thì thấy bên trái một cậu thanh niên cách mình vài ghế, bên phải một chị ngồi dãy bên kia, đang say sưa cắn hột dưa.

Và rồi, họ quăng vỏ hột dưa xuống sàn nhà hát một cách thản nhiên như quăng xuống cái bãi rác trong nhà của họ... Đáng buồn hơn là nhìn ai cũng ăn mặc lịch sự lắm.

Đoạn clip khán giả xông lên sân khấu tặng hoa cho diễn viên

Nhiều năm làm nghề, anh có hay gặp những tình huống tương tự như vậy?

Thật ra, chuyện khán giả có những hành vi không đúng, thiếu lịch sự, thiếu văn hoá... không phải ít. Không chỉ ở các nhà hát, rạp phim mà còn ở một số nơi công cộng khác nữa.

Ngày xưa không có nhiều như vậy nhưng bây giờ càng ngày càng gia tăng. Không biết có phải vì quá quen hay không mà nhiều người nghĩ nó là điều bình thường trong xã hội. Chính vì nghĩ vậy nên rất ít người phản ứng.

Họ có thể bày tỏ sự khó chịu bằng những cái nhăn mặt nhíu mày nhưng ít người lên tiếng.

Anh có lên tiếng không?

Tất nhiên là có. Như trường hợp 3 người phụ nữ nói chuyện xì xào, mọi người xung quanh khó chịu ra mặt nhưng không ai lên tiếng. Tôi phải nói "mấy chị ngồi yên cho mọi người xem kịch với", lúc đó họ mới chịu im.

Nếu mình không lên tiếng thì người đầu tiên ảnh hưởng là mình. Tôi không khó khăn đến mức khi đi xem kịch phải ngồi im như chết, khán giả vẫn có thể trao đổi xì xào với nhau khi diễn viên diễn hay quá hoặc lớp dựng xuất sắc nhưng không được bàn tán xôn xao kéo dài làm ảnh hưởng người khác.

Có lần đang ngồi xem trong nhà hát thì tôi nghe tiếng chuông điện thoại kêu oang oang của một bà là cán bộ ở uỷ ban nhân dân phường nào đó. Bà ta nói chuyện với bí thư chi đoàn của phường mình, chỉ đạo làm bảng danh sách cá nhân khen thưởng để ngày mai duyệt.

Trong lúc mọi người đang xem thì bà ta thản nhiên nói chuyện như đang ngồi trong phòng làm việc của mình.

Ngày xưa, những người thiếu văn hoá thường bị cho là người không có học, bình dân nhưng bây giờ thì họ ăn mặc sang trọng, lịch lãm thậm chí có chức sắc nhưng vẫn có hành vi như vậy.

Cần giáo dục từ nhỏ

Anh nghĩ thế nào về ý thức, hành xử nơi công cộng của người dân hiện nay?

Để khách quan thì rất ít người dân Việt Nam được đi tới nhà hát. Người ta thường ở nhà xem youtube, ti vi... Và khi ở nhà, người ta có thể nhẩn nha cắn hạt dưa rồi khi nào muốn dọn thì dọn.

Có thể những điều đó hình thành thói quen nên khi vô nhà hát, người ta cũng làm y chang, họ tưởng nhà hát cũng giống như nhà mình.

Tôi từng tới Thuỵ Điển dự Liên hoan sân khấu thiếu nhi. Bên đó, người ta dạy trẻ em cách đi vào nhà hát xem kịch và nghe nhạc giao hưởng là phải thế nào.

Họ giải thích và dặn các em: khi nào nhạc trưởng (chú cầm đũa) chỉ huy quay mặt ra ngoài và tất cả dàn nhạc đứng lên chào thì mới vỗ tay. Khi xem không được nói chuyện. Các em đều còn rất nhỏ chỉ tầm lớp 1, lớp 2.

Và khi xem, các em đều ngồi rất trật tự. Đó không phải là lần đầu tiên bọn trẻ được dặn như vậy. Bên cạnh đó, còn có những người ra hướng dẫn cẩn thận. Thậm chí khán giả muốn chụp hình thì phải tắt đèn flash.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát bức xúc vì khán giả ý thức kém khi đi xem kịch - Ảnh 5.

Cảnh trong vở "Hiu hiu gió bấc".

Còn ở Việt Nam, trước khi diễn, nhà hát cũng nói rất rõ rằng, để diễn viên tập trung cho vở diễn, đảm bảo chất lượng, đề nghị khán giả tắt điện thoại hoặc để chuông ở chế độ rung và không cười đùa nhưng vẫn có một số khán giả ứng xử thiếu lịch sự như vậy. 

Họ đợi tới lúc chuông điện thoại đổ oang oang mới cuống quýt lên...

Theo anh thì nguyên nhân từ đâu dẫn tới những câu chuyện đáng buồn như vậy?

Người ta thường nói do ý thức của con người nhưng ý thức có hay không là từ giáo dục. Nếu một đứa trẻ, ngay từ nhỏ đã được giáo dục rằng, vứt rác ra đường là sai và mỗi lần bỏ rác nó phải tìm thùng rác bỏ vào hoặc để trong cặp sách mang về nhà bỏ vào thùng rác ở nhà thì chắc chắn khi lớn nó sẽ không xả rác bừa bãi.

Cũng như một đứa bé được dạy vào nhà hát, rạp xem phim phải ngồi xem như thế nào, biết vỗ tay tán thưởng ra sao và không nói chuyện riêng thì khi lớn chắc chắn sẽ không có hành vi thiếu văn hoá như vậy.

Trong chuyện giáo dục, không thể đổ lỗi cho nhà trường, một phần lớn là từ gia đình. Bản thân cha mẹ phải định hướng cho con hành vi đúng là gì, hành vi sai là gì và từ từ nó thành thói quen. Khi lớn chúng sẽ có những ứng xử chính xác.

Tất nhiên không phải ai cũng vậy. Họ chỉ là số ít nhưng làm ảnh hưởng tới người xem khác và sân khấu.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại