"Đêm tình nhân" không cần chiêu trò
Đêm tình nhân đã tổ chức được 3 show diễn và còn dự định tiếp tục tổ chức thường niên. Anh và ê-kip làm cách nào để "giữ chân" khán giả?
Tôi và ê-kip của mình mỗi năm luôn mong muốn đem đến cho khán giả Hà Nội những điều mới mẻ nhất trong mỗi liveshow.
Ở Đêm tình nhân 1, tôi và ê-kip đã đưa được những nhân vật lần đầu về Việt Nam như: Như Loan, Tóc Tiên, Mai Tiến Dũng, Lam Anh… Ở Đêm tình nhân 2 là 2 gương mặt vô cùng mới là Trịnh Lam và Diễm Sương.
Đến Đêm tình nhân 3, tôi cũng rất mong muốn đưa một số nghệ sĩ mới và đang khá hot ở hải ngoại về biểu diễn trong nước nhưng rất tiếc, vì một số lý do mà không thể thực hiện được.
Tôi coi đó là 1 "món nợ" của tôi và ê-kip đối với khán giả. Rất hi vọng là ở những Đêm tình nhân tiếp theo, chúng tôi sẽ đưa được thêm những gương mặt khác ở hải ngoại về Việt Nam biểu diễn.
Ê-kip sản xuất và các nghệ sĩ của Đêm tình nhân 3 trong buổi họp báo ra mắt chương trình.
Việc đưa những nghệ sĩ đang được quan tâm ở hải ngoại về nước có phải là 1 sự mạo hiểm không, vì nhu cầu thưởng thức của khán giả trong nước và nước ngoài có sự khác biệt?
Trước mỗi show diễn, ê-kip chúng tôi có sự tương tác với khán giả bằng cách đưa ra những bản thăm dò ý kiến của những người theo dõi chương trình.
Qua đó, khán giả sẽ cho chúng tôi biết họ mong muốn ca sĩ, nghệ sĩ nào sẽ xuất hiện trong Đêm tình nhân tiếp theo. Dựa trên ý kiến của khán giả, chúng tôi sẽ tính toán và tìm cách mời về những người được khán giả gọi tên nhiều nhất.
Nhưng không phải cứ nghệ sĩ được khán giả yêu cầu nhiều nhất là chúng tôi sẽ mời về. Việc mời 1 ca sĩ nào đó còn phải phụ thuộc vào việc họ có phù hợp với concept của đêm nhạc mà chúng tôi đã tính toán, dàn dựng hay không.
Đạo diễn Phạm Hoàng Giang chia sẻ về chương trình.
Ở Đêm tình nhân 3, ê-kip tung 999 quả bóng bay với những lời yêu thương vào khán phòng và lựa ra 9 người may mắn để tặng quà, đây có phải là 1 chiêu trò để thu hút khán giả hay không? Ngoài ra, anh và ê-kip còn "chiêu" gì để tạo điểm nhấn cho chương trình?
Thật ra, tôi không phải người thích việc "khoe" các diễn biến trong đêm nhạc để câu kéo khán giả đến với Đêm tình nhân.
Việc tặng quà bất ngờ cho khán giả không hẳn là chiêu trò của chương trình. Đó chỉ là một chút tình cảm mà ê-kip sản xuất muốn gửi tặng tới các khán giả mà thôi.
Đêm tình nhân giống như 1 chương trình thường niên nên chúng tôi nghĩ không cần phải dùng chiêu trò để giữ chân khán giả.
Thay vào đó, chúng tôi sẽ dùng chất lượng âm nhạc, dùng uy tín của chương trình, dùng sự giao lưu tương tác của các nghệ sĩ với khán giả để giữ chân những người yêu mến chương trình.
Sau 2 lần tổ chức Đêm tình nhân, sự quan tâm của khán giả dành cho chương trình đã thay đổi rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ các cổng bán vé của Đêm tình nhân 3 đã đóng cửa vì "cháy vé", chứng tỏ khán giả yêu thích chương trình chứ không phải vì mong muốn 1 "chiêu trò" gì đó từ chúng tôi.
"Đêm tình nhân không cần phải dùng chiêu trò để giữ chân khán giả.
Nghệ sĩ hải ngoại làm việc rất chuyên nghiệp và ít đòi hỏi
Được biết, tính tới thời điểm hiện tại, nhà sản xuất đã phải chi tới 5 tỷ đồng cho Đêm tình nhân 3. Nhiều người cho rằng NSX đang dùng yếu tố tiền tỷ để gây sự chú ý cho công chúng?
Toàn bộ chi phí cho chương trình đều được NSX và ê-kip tính toán sao cho hợp lý nhất. Các chi phí này dành cho rất nhiều việc khác nhau: Từ hệ thống âm thanh, ánh sáng, đèn led, chi phí thuê địa điểm tại Trung tâm hội nghị Quốc gia…
Đặc biệt, đối với 1 show diễn như Đêm tình nhân thì tính riêng chi phí vé máy bay cho các nghệ sĩ từ hải ngoại về Việt Nam và ngược lại, chi phí ăn ở cho các nghệ sĩ tại các khách sạn 5 sao của Hà Nội cũng đã là 1 con số khổng lồ.
Các nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn đều đưa ra khá nhiều yêu cầu. Các nghệ sĩ hải ngoại có khắt khe trong các yêu cầu về ăn ở, đi lại…?
Tôi thấy rằng các ca sĩ hải ngoại rất đáng yêu, tôi rất thích làm việc cùng với họ. Họ làm việc rất chuyên nghiệp về giờ giấc. Khi đã đưa ra kế hoạch, họ luôn đáp ứng đúng yêu cầu từ phía BTC và không hề có sự thay đổi hay yêu sách gì cả.
Về chuyện ăn ở, đi lại, các nghệ sĩ hải ngoại không hề yêu cầu khắt khe, họ chỉ yêu cầu khắt khe về chất lượng âm thanh, ánh sáng sân khấu mà thôi.
"Nghệ sĩ hải ngoại làm việc rất chuyên nghiệp, ít đòi hỏi".
Ba năm liền làm đạo diễn cho Đêm tình nhân, có kỷ niệm nào về chương trình khiến anh ấn tượng nhất?
Kỷ niệm khiến tôi nhớ nhất là khi tổ chức Đêm tình nhân 1. Theo dự kiến, chương trình sẽ tổ chức vào ngày 11/10/2014, chúng tôi đã hoàn tất việc thuê địa điểm, set up sân khấu… chỉ còn chờ chương trình diễn ra.
Nhưng ngày 10/10, thành phố Hà Nội có sự kiện lớn và cần trưng dụng lại sân khấu của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Nghĩa là toàn bộ trang thiết bị mà chúng tôi đã set up trước đó sẽ phải tháo dỡ ra hết.
Chúng tôi đã phải huy động hơn 200 nhân công cùng toàn bộ ê-kip tháo dỡ các trang thiết bị, chờ chương trình của thành phố xong rồi lại vội vã lắp đặt trở lại. Đến tận chiều ngày 11/10 chúng tôi mới được phép chạy chương trình.
Vì đã sát ngày, sát giờ nên việc tháo lắp trở nên vô cùng gấp gáp, khẩn trương. Nhưng rất may mắn là không hề có sự cố đáng tiếc nào xảy ra trong đêm nhạc.