Battleship Island lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật được ghi chép trong các tài liệu lịch sử về hòn đảo Hashima (Hashima còn được gọi là Đảo Chiếm hạm vì dựa trên hình thù của nó trên bản đồ).
Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi lại, vào năm 1945 khi Chiến tranh thế giới thứ II bước vào giai đoạn cuối, hàng trăm công nhân Triều Tiên bị bóc lột trong các mỏ than và rất nhiều phụ nữ trở thành nô lệ tình dục cho lính Nhật.
Với người dân Hàn Quốc, đây vẫn mãi là nỗi đau mà không ai có thể chạm tới và không ít đạo diễn "dám" chạm tới đề tài này. Đạo diễn Ryu Seung Wan có lẽ là một người đặc biệt, khi ông dám kể lại nỗi đau của đất nước mình theo một góc nhìn chân thật và nhân văn.
Có lẽ đó là lý do dù trong các tài liệu lịch sử chưa từng ghi lại việc những người Triều Tiên trên đảo Hashima chạy trốn thành công khỏi đảo nhưng Ryu Seung Wan vẫn quyết tâm để những người con tội nghiệp ấy được trở về cố hương.
Battleship Island được mở màn bằng những câu hát vui nhộn của dàn nhạc do Lee Kang Ok (Hwang Jung Min) quản lý. Nhưng rồi cái âm thanh rộn ràng, vui tươi tràn ngập sắc màu ấy bỗng chốc nhuốm thành màu xám đem bụi bặm trên chuyến tàu "đổi đời" từ Busan tới Nhật Bản.
Trên cái chuyến tàu định mệnh đấy có rất nhiều kiểu người, từ sinh viên Đại học, cho tới tầng lớp bần nông, thậm chí có cả trẻ con phụ nữ, họ được nhét vào một chiếc tàu và lênh đênh ngoài bão. Những cơn sóng dồn dập như dự báo khoảng thời gian giông bão đang chờ đợi họ ở phía trước.
Trong chuyến tàu ấy còn có Choi Choel Sung (So Ji Sub), một gã giang hồ trượng nghĩa và cô gái nhà chứa do Lee Jung Hyun thủ vai, họ cũng không biết rồi cuộc đời mình thế nào chỉ biết bị đẩy đưa rồi cùng nhau tới đảo địa ngục.
Khác với mọi người, Park Moo Yeong (Song Joong Ki) đến với Đảo địa ngục bởi vì nhiệm vụ và vô tình phát hiện ra bí mật của người đàn ông mà anh định bảo vệ.
Phải chân thành dành lời khen cho Battleship Island trong việc khắc họa cuộc sống tại đảo địa ngục hay thậm chí là hành trình trên chuyến tàu định mệnh ấy.
Những người trên chuyến tàu ấy, đều mơ ước tìm đến một cuộc sống mới hạnh phúc hơn, bình an hơn nhưng cái chờ đón họ lại là địa ngục trên gian. Hàng trăm người được đẩy tới làm nô dịch tại mỏ than Hashima, nơi được mệnh danh là đảo địa ngục, nơi con người chỉ có thể vào chứ không thể ra.
Vừa đến đảo, cả đàn ông lẫn phụ nữ đều phải lột trần để khám bệnh truyền nhiễm rồi đẩy đàn ông xuống mỏ than sâu hàng nghìn mét còn phụ nữ đẩy vào nhà thổ làm nô lệ tình dục.
Với binh lính Nhật không hề có khái niệm người già, trẻ em hay phụ nữ mà chỉ có khái niệm giới tính nam và nữ. Điều đó có nghĩa từ những cụ già cho tới trẻ nhỏ, nếu thuộc giới tính nam thì phải làm công nhân hầm mỏ không có đồ bảo hộ còn nếu là nữ thì dù phụ nữ trưởng thành hay trẻ em như cô bé Soo Hee tội nghiệp đều sẽ bị đẩy vào nhà chứa.
Hashima không chỉ là đảo địa ngục vì địa thế hiểm trở, nó còn trở nên tăm tối hơn vì những quy luật hà khắc, những mảng tăm tối ngay chính trong căn hầm mỏ "tối đen như tiền đồ của họ vậy".
Mỗi con người một tính cách, một số phận nhưng giờ đây tất cả họ phải nương tựa vào nhau nơi bình đẳng giữa các dân tộc là thứ không tồn tại.
Thật tình mà nói, khi Battleship Island chính thức được công bố, khán giả chưa cần biết bộ phim có gì nhưng chắc chắn họ sẽ ra rạp để gặp những tên tuổi đã quá quen thuộc với khán giả như Hwang Jung Min, So Ji Sub, Song Joong Ki hay Lee Jung Hyun.
Với một "ông hoàng phòng vé" Hwang Jung Min, một ngôi sao So Ji Sub, một mỹ nam Song Joong Ki, một Ảnh hậu rồng xanh Lee Jung Jyun hay ngôi sao nhí Kim Soo Ahn, bộ phim xứng đáng nhận được nhiều kỳ vọng.khiến bộ phim chưa ra rạp đã nhận được rất nhiều kì vọng.
Và không để mọi người thất vọng, với dàn cast được mệnh danh là "khủng nhất điện ảnh Hàn Quốc", khán giả đã được xem một bộ phim vô cùng tròn trĩnh. Mỗi diễn viên đều hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình, khắc họa rõ cá tính riêng của nhân vật và thành công trong việc truyền tải cảm xúc đến người xem.
Chắc chẳng có gì để chê khả năng diễn xuất và độ đẹp trai của của So Ji Sub và Song Jong Ki. Cả So Ju Sub, Song Joong Ki và nữ diễn viên Lee Jung Hyun đều hoàn thành tốt vai diễn của mình. Tuy nhiên, do quá tham lam xây dựng hình ảnh anh hùng cá nhân nên đôi khi vai diễn của Song Kong Ki bị rơi vào sự "lố".
Vào vai chàng lính "giỏi hơn cả lính Mỹ", Song Jong Ki được khắc họa hình ảnh hơi "thần thánh" hóa khiến báo chí Hàn từng nhiều lần tốn giấy mực thắc mắc vai diễn của nam chính "Hậu duệ mặt trời" khi anh dẫn dắt cả 400 con người chạy trốn khỏi hòn đảo.
Nhưng tỏa sáng nhất trong Đảo địa ngục chắc hẳn phải là ông hoàng phòng vé Hwang Jung Min và cô bé Kim Soo Ahn. Trong Đảo địa ngục, Hwang Jung Min vào vai một ông trưởng dàn nhạc ranh mãnh, khôn lỏi nhưng lại là một người cha yêu con, một người vô cùng tình nghĩa.
Lee Kang Ok có thể làm mọi thứ, có thể chịu nhục, nhún nhường miễn là đứa con gái của mình có thể yên ổn. Đây có lẽ là câu chuyện khiến người ta cảm thấy ấm áp nhất giữa hòn đảo lạnh lẽo khủng khiếp này.
Có lẽ, chẳng cần hoài nghi gì về diễn xuất của diễn viên nhí Kim Soo Ahn. Từ "Train to Busan" đến Battleship Island, Kim Soo Ahn đã chứng minh được diễn xuất trời ban của mình.
Có lẽ không khen bối cảnh và phục trang của Battleship Island thì quả là thiếu sót. Với kinh phí đầu tư lên tới gần 500 tỷ đồng, Battleship Island đã đem khán giả đến với một hòn đảo địa ngục thực sự.
Để tái hiện cảnh hầm mỏ, những khu nhà ở tối tăm ẩm thấp, những nhà thổ nhuốm bụi đối lập với những dinh thự xa hoa của quan chức Nhật, đoàn làm phim phải sử dụng 66.000 mét vuông ở Chuncheon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc. Trong toàn bộ phim, người xem đều bị ám ảnh bởi gam màu u tối phủ kín toàn bộ tác phẩm.
Battleship Island hoàn chỉnh nhưng lại chưa hoàn hảo. Với một đề tài nhạy cảm thế này, chắc hẳn đạo diễn Ryu Seung Wan đã vô cùng cẩn thận trong việc dụng tâm vào từng chi tiết. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ kiên nhẫn xem hết 132 phút phim mà không uể oải.
Lạm dụng khá nhiều cảnh đánh nhau phô diễn hình ảnh ảnh hùng cá nhân khiến mạch phim bỗng chốc trở nên xa rời thực tế. Thậm chí, việc thay đổi tâm lý của các diễn viên diễn ra quá nhanh chóng khiến khán giả chưa kịp hiểu điều gì. Không khó để nhận ra các nhân vật đều bị ép chín khi chưa có sự tác động một cách rõ ràng.
Chắc chắc không có ít người như tôi, rời rạp mà chưa kịp nhận ra rốt cuộc ai là nhân vật chính.
Tạm bỏ qua những điều còn thiếu sót, có hai cảnh phim mà người viết nghĩ rằng nếu ai đến rạp xin đừng bỏ qua đó là cảnh trong đêm tối, những người dân Triều Tiên cùng nhau thắp sáng ngọn nến và hình ảnh cờ Đế quốc Nhật bị rạch làm đôi. Như thông điệp mà loài người không bao giờ được phép quên, bất kỳ ai, bất kỳ con người nào, quốc gia nào đều có quyền được tự do, được sống hạnh phúc.