Những ngày đầu mới có mạng xã hội, bạn bè tôi rất vui mừng khi tạo ra một nhóm trao đổi về sáng tác, nhận xét những tác phẩm mới của nhau. Những cuộc cà phê ngày càng thưa đi, những cuộc trò chuyện, nhắn tin, thư từ trên mạng được xem là thời thượng.
Khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đưa internet đến cùng trời cuối đất thì mạng xã hội không còn đơn thuần thay cho các cuộc cà phê, điện thoại tán gẫu. Người ta xem việc “kiếm tiền trên mạng xã hội” trở thành một nghề “hot” nhất.
Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2022 trên toàn cầu khoảng 5.545 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 12,7%. Năm 2022, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng ước tính thương mại điện tử Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
Ai cũng có trên tay một cái máy điện thoại thông minh, máy tính bảng… người ta có thể xem bóng đá mà không cần tới sân bóng, xem kịch mà không ra khỏi nhà, xem phim không cần đến rạp. Chưa bao giờ các thần tượng thể thao, điện ảnh, âm nhạc lại đến gần người tiêu dùng đến thế. Chưa bao giờ những người nổi tiếng lại thu nhập từ “thế giới ảo” nhiều như bây giờ.
Theo Hooper HQ, trong năm 2022, Ronaldo trung bình kiếm được 2,3 triệu USD cho mỗi bài viết quảng cáo mình đăng lên Instagram. Kim Kardashian - Người mẫu, diễn viên truyền hình thực tế - Tài khoản hơn 330 triệu người theo dõi trung bình kiếm được 1,689 triệu USD/bài viết. Beyonce - Ca sĩ - Tài khoản Instagram hơn 275 triệu người theo dõi trung bình kiếm được 1,393 triệu USD/bài viết.
Ở Việt Nam, dường như chưa có thống kê về việc người nổi tiếng kiếm tiền từ mạng xã hội như thế nào. Một bài báo ước tính rằng “Với 1,46 tỷ lượt xem, tính đến ngày 6/6/2023, doanh thu của kênh “Trấn Thành Town” có thể đạt từ 435.000 đến 725.000 USD (từ 10,2 tỷ đến hơn 17 tỷ đồng). Tuy nhiên, con số này chưa tính đến các khoản như thuế hay khấu trừ cho hệ thống trên YouTube”.
Việc tiêu thụ sản phẩm tốt giúp các ngành nông nghiệp, công nghiệp phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm. Một người giao hàng công nghệ phấn khởi nói với tôi: “Cứ mỗi lần ca sĩ H quảng cáo nước hoa gì trên trang xã hội của cô ấy thì y như rằng chúng em tha hồ nhận đơn vận chuyển. Mỗi lọ nước hoa giá vài trăm ngàn đến cả triệu mà mỗi ngày chúng em nhận hàng trăm đơn!”.
Nhưng người ta cũng nói: “Cái gì cũng có mặt trái của nó”. Nếu những nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo, giới thiệu, “đảm bảo chất lượng” cho những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thì hậu quả về kinh tế, xã hội và sức khỏe cộng đồng cũng thật khó lường. Gần đây, dư luận nổi sóng vì rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã xuất hiện trong các quảng cáo sản phẩm kém chất lượng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Các cơ quan chức năng không loại trừ việc sẽ “lập danh sách cảnh báo” về những nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, gửi đến các cơ quan liên quan để kiểm soát hình ảnh xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng cũng như hoạt động xã hội!
Niềm tin yêu, mến mộ và tin tưởng của cộng đồng đối với người nổi tiếng là một “giá trị vô hình” của ngành văn hóa, thể thao… Giá trị ấy càng được vun đắp, lan tỏa khi người nổi tiếng khuyến khích mọi người làm những việc có ích cho xã hội, cho đất nước. Ca sĩ Hồng Nhung từng kêu gọi mọi người không tiêu thụ sừng tê giác, giúp bảo vệ tê giác châu Phi. Nghệ sĩ Quang Đăng hợp tác với UNICEF trong chương trình “Cùng hành động vì thiên nhiên”…
Cộng đồng luôn chờ đợi những người nổi tiếng sẽ hành động đúng như phẩm chất “ngôi sao” là tỏa ra ánh sáng dẫn đường cho những điều tốt đẹp.