Đánh thuế tài sản: Bài toán loại trừ để thuế không chồng thuế

Hoàng Linh - L.T |

Các chuyên gia cho rằng, để tránh tình trạng chồng chéo, cần xét thuế tài sản trong mối quan hệ với nhiều loại thuế, nếu thu thì nhất định phải loại trừ một số thuế khác.

Bên cạnh mặt tích cực như tăng nguồn thu ngân sách, hạn chế đầu cơ bất động sản, thì với đề xuất mở rộng đối tượng chịu thuế trong Dự thảo Luật Thuế Tài sản của Bộ Tài Chính gần đây, các chuyên gia không ít lần bày tỏ mối lo về tình trạng thuế chồng thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp cũng như người dân.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Trần Như Trung, Chủ tịch Công ty cổ phần Chiến lược Quốc tế TR2 (TR2 International) cho biết, thông tin về Luật thuế tài sản mới chỉ là sơ khai nên việc nhận định ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này và phân khúc thị trường nào chịu tác động vẫn chưa nhiều.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, luật Thuế Tài sản cần hướng đến định giá tài sản theo thị trường vì đây là phương pháp tính chính xác và công bằng nhất, tránh tình trạng chồng thuế, gây bức xúc cho người dân.

"Nếu muốn người dân "vui vẻ" đóng thuế tài sản cần làm rõ quyền lợi mà người đóng thuế nhận được. Trong dự án luật, nội dung này chưa được đề cập. Thậm chí, có mức thuế được áp dụng với cả những trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng với tài sản (đất) thì thật sự không hợp lý", ông Trung nói.

Đánh thuế tài sản: Bài toán loại trừ để thuế không chồng thuế - Ảnh 1.

Nội dung đề xuất trong Luật thuế tài sản của Bộ Tài chính gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Bên lề hội thảo "Thuế tài sản và một số gợi ý cho chính sách thuế Việt Nam" tại Hà Nội, luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty luật Basico) cũng bày tỏ sự đồng tình về nguyên tắc đánh thuế tài sản nhưng ông quan ngại khi triển khai dự thảo có thể có thực trạng thuế chồng thuế.

Theo ông, để hạn chế mối lo này, thuế tài sản cần được xem xét trong mối quan hệ với nhiều loại thuế khác, loại trừ trường hợp phát sinh giao dịch, tiền lương, cổ tức… Việc đánh thuế phải tiếp cận theo góc độ toàn bộ tài sản, sau đó mới loại trừ những tài sản không cần nộp thuế để tránh tình trạng chồng chéo, tác động lên mặt bằng giá cả.

"Theo tôi, thuế tài sản chỉ cần tập trung vào tiêu dùng, cái không sử dụng, còn sản xuất kinh doanh đã có các loại thuế khác rồi. Hay như phí phát sinh giao dịch, ví dụ như phí trước bạ nhiều nơi là 20%, cao ngang bằng thuế rồi, nên cần phải loại trừ thuế tài sản trong trường hợp này.

Giả sử một người sở hữu 2 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng, một nhà ở, nhà còn lại cho thuê thì chả có lý do gì để đánh thuế nhà thuê vì đã phải nộp nhiều loại như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng", Luật sư Trương Thanh Đức lưu ý.

Nhận định Thuế tài sản là một vấn đề tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, ông Nguyễn Chí Dũng – Cố vấn chính sách của Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED), nguyên Tổng biên tập tạp chí nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội nhấn mạnh, để luật đi vào đời sống và nhận được sự đồng thuận, cần phải tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật. Ngoài ra, hệ thống thuế phải đảm bảo hành thu không quá tốn kém và phù hợp với khả năng quản lý.

"Điều này đòi hỏi cần phải có cơ sở dữ liệu chính xác, cơ quan quản lý phải biết được cá nhân này có bao nhiêu tài sản, trị giá mỗi tài sản đó là bao nhiêu... thì mới đánh được thuế tài sản", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đánh thuế tài sản: Bài toán loại trừ để thuế không chồng thuế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Dũng, cố vấn chính sách của RED.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 13/4, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội để đưa dự án Luật thuế tài sản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Mức thuế suất 0,4% được đề xuất cho tài sản là căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh..., có giá trị từ 700 triệu đồng (tính cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng) mỗi năm. Với phương án này số thu thuế tài sản được Bộ Tài chính tạm tính mỗi năm lên tới 31.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tờ trình của Bộ Tài chính cũng đề nghị đánh thuế tài sản đối với máy bay, du thuyền, xe hơi có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên với mức thuế suất ngang bằng 0,4%.

Đề xuất trên của Bộ Tài chính đã gặp phải các phản ứng mạnh từ dư luận với không ít ý kiến cho rằng chính sách này là thuế chồng thuế, tận thu, ảnh hưởng đến người nghèo, người có thu nhập thấp.

Theo Bộ Tài chính cho biết, các nội dung đề xuất trong Luật thuế tài sản sẽ được xin ý kiến các bộ, ngành, UBND các địa phương. Dựa trên ý kiến tiếp thu, cơ quan này mới xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và đưa vào chương trình xây dựng luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại