"Ở cạnh vua như ở cạnh hổ" là một chân lý không thể thay đổi trong tất cả triều đại phong kiến Trung Hoa xưa. Thân là hoàng đế phong kiến, nắm trong tay mọi quyền lực trong thiên hạ thì tính khí của họ tự nhiên sẽ kỳ quái hơn người thường rất nhiều. Cận thần chỉ cần nói sai một câu hoặc làm sai một việc nhỏ cũng đều có thể gây ra đại họa.
Lịch sử đã ghi nhận có vô số người bị trừng phạt nặng nề vì làm hoàng đế nổi giận, ngay cả hoàng tử hay thái tử cũng không có quyền miễn trừ, đành phải chấp nhận hình phạt.
Trong giao tiếp hàng ngày, nếu thiếu chừng mực một chút thì cùng lắm cũng chỉ là mất đi một người bạn, nhưng nếu hành xử sai một ly trước mặt hoàng đế, có thể người đó sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Vì thế mà có rất nhiều đại thần đều cảm thấy run rẩy khi phải đối mặt với hoàng đế.
Bàn về cách ứng xử trước mặt vua, không thể không nhắc đến những câu chuyện giữa vua Càn Long và Lưu Dung thời nhà Thanh.
Lưu Dung được biết đến là một người tài năng, xử lý chính sự một cách chỉn chu và rất nhanh nhạy khi đối mặt với các tình huống nhiều nguy cơ.
CUỘC SỐNG ĐẦY CHÔNG GAI CỦA LƯU DUNG
Quê hương của Lưu Dung là tỉnh Sơn Đông bây giờ, ông chọn làm quan là do thừa hưởng truyền thống hiếu học của gia đình, thêm nữa gia đình ông luôn có người làm quan.
Tranh chân dung Lưu Dung.
Ông cố của Lưu Dung thi đỗ tiến sĩ trong thời Thuận Trị, ông nội thậm chí còn giữ một chức vụ quan trọng trong triều, cha ông thì đúng là hậu sinh khả úy, trở thành cử nhân, làm đại quan qua hai triều đại Ung Chính, Càn Long.
Với nền tảng giáo dục như vậy, Lưu Dung đương nhiên được kỳ vọng rất nhiều.
Sau này con đường quan lộ của Lưu Dung cũng rất suôn sẻ. Những năm đầu ông thăng tiến khá nhanh, tuy nhiên điều không may xảy đến khi vào năm thứ 4 Lưu Dung làm quan, cha ông bị mất chức vào tù. Phận làm con trai như ông cũng liên lụy, bị giáng chức xuống làm biên tu (sử quan thời xưa) ở viện Hàn Lâm.
Cuộc sống phẳng lặng bỗng xuất hiện những nốt trầm, rất nhiều người có thể vì thế mà không gượng nổi nhưng Lưu Dung không nằm trong số đó, thay vào đó, ông càng cố gắng rèn luyện và cải thiện bản thân mình hơn.
Trong thời gian làm quan ở địa phương, Lưu Dung không hề buông thả bản thân, bằng sự cương nghị và chính trực của mình, ông đã thanh trừ mọi tệ nạn lâu ngày tại trường thi, đòi lại công bằng cho các sĩ tử.
Quả thực Lưu Dung là người có năng lực, sẵn sàng làm những việc thiết thực, được nhân dân hết lòng yêu mến, dưới sự lãnh đạo của ông, chốn quan trường đã dần trở nên liêm khiết.
Một đại thần như vậy đương nhiên giành được sự tin tưởng của hoàng đế, ông đã từng là cánh tay đắc lực của hoàng đế qua các triều đại Ung Chính và Càn Long.
Với các tác phẩm văn học và nghệ thuật được phổ biến rộng rãi, Lưu Dung, Kỷ Hiểu Lam và Hòa Thân đã trở thành đại diện tiêu biểu các quan đại thần nhà Thanh trong mắt người dân.
Qua các tác phẩm điện ảnh và truyền hình, chúng ta có cảm giác ba người này có độ tuổi tương đương nhau, nhưng thực tế Lưu Dung chính là người lớn tuổi nhất trong ba người.
Tài năng của Lưu Dung cũng không hề thua kém Kỷ Hiểu Lam. Lưu Dung là người quân tử, thông thạo nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó tinh tế nhất là thư pháp. Với nét chữ sâu sa trầm lắng, thư pháp của vị quan này được rất nhiều người săn đón vào thời điểm đó.
Ngoài ra cờ vây cũng là một trong những tài năng nổi bật của Lưu Dung, ông không chỉ chơi thành thạo mà còn là một cao thủ cờ vây.
Trong thời kỳ này, Càn Long đã truyền lại ngôi vương cho Gia Khánh và trở thành Thái thượng hoàng. Vì thế những khi rảnh rỗi, Càn Long thường tìm Lưu Dung để đánh cờ.
HÓA GIẢI NGUY CƠ VÔ CÙNG KHÉO LÉO
Mặc dù cờ vây chỉ là một trò chơi, mọi thứ đều giới hạn trong bàn cờ, nhưng khi bàn cờ được đặt ra, thế cờ được mở thì những quân cờ đen trắng sẽ khơi dậy tâm trí và tình cảm của người chơi. Vì thế mà người thắng sẽ tự nhiên mỉm cười rạng rỡ, còn người thua dường như đã mất điều gì đó và đương nhiên cảm thấy không vui.
Đánh cờ với một người bề trên, đặc biệt là người có thể nắm giữ sinh tử của mình, Lưu Dung đương nhiên phải thận trọng.
Kỹ năng chơi cờ vây của Lưu Dung phải nói rằng thực sự siêu phàm, ông luôn có thể điều khiển và xoay chuyển ván cờ trong ván đấu với Càn Long khiến cho vị thái thượng hoàng này đều có thể giành được thắng lợi một cách tự nhiên. Mỗi lần như vậy Càn Lòng đều cảm thấy rất thoải mái, vì thế những lần sau đều tìm Lưu Dung để đánh cờ, đây không biết là điều may mắn hay xui xẻo cho Lưu Dung.
Tuy nhiên Lưu Dung cũng khó tránh khỏi khi lỡ tay, ông đã có một lần tính toán sai lầm dẫn đến kết quả là đánh thắng Càn Long. Lúc này Càn Long đã phản ứng dữ dội, sa sầm mặt lại rồi lật ngược bàn cờ, tức giận hỏi Lưu Dung: "Nhà người dám thắng ta sao, lẽ nào không sợ ta giết ngươi?"
Sinh mệnh nằm trong tay người khác, tình huống này thực sự khiến người khác cảm thấy bị đe dọa. Thế nhưng Lưu Dung dù sao cũng là một vị quan gia đã có nhiều năm kinh nghiệm quan trường, lại rất giỏi ứng biến, nên ông không hề lo sợ hay run rẩy. Ông quỳ trên mặt đất, bình tĩnh đưa ra lời giải thích:
"Kỹ năng đánh cờ của Thái thượng hoàng là tuyệt vời, lần này thần thắng là do gặp may mà thôi. Tầm mắt hạn hẹp của thần chỉ nhìn thấy ván cờ, còn trong mắt Thái thượng hoàng đều là vạn lý giang sơn, vạn vật đều ở trong tay, tại sao lại tính toán với thần một ván cờ này?"
Hình ảnh nhân vật Lưu Dung trên phim.
Những lời này của Lưu Dung vô cùng khéo léo và đi vào lòng người, Càn Long nghe xong lập tức nở nụ cười, không truy cứu Lưu Dung thêm nữa.
LỜI BÌNH
Thời xưa, các quan trong triều không chỉ được kiểm nghiệm tài năng của bản thân mà quan trọng hơn là khả năng ứng phó với hoàng đế, thậm chí đôi lúc khả năng này còn quan trọng hơn tài năng cá nhân rất nhiều.
Vì thế mà có rất nhiều người vừa không có tài lại không có đức nhưng dựa vào thói xu nịnh hoàng đế mà trở thành trọng thần của đất nước.
Tuy nhiên với Lưu Dung, ông không chỉ thực hiện tốt chức trách của mình mà còn rất nhanh nhạy trong việc giao tiếp với hoàng đế, xứng đáng là nguyên lão của hai triều đại.